Hà Nội đã có lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố đạt 100% vào năm 2035. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này Hà Nội phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc làm sao để thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo cơ chế tiếp cận vốn thông thoáng… là vấn đề cần quan tâm.
Đối mặt nhiều thách thức
Hà Nội vừa phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”. Cụ thể, Đề án đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố đạt 100% vào năm 2035.
Theo đó, giai đoạn 2026 – 2035, Thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG. Tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 xe. Trong đó, năm 2025, Thành phố sẽ chuyển đổi 103 xe điện (tỷ lệ 5%); giai đoạn 2026 – 2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG; giai đoạn 2031 – 2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi 2.051 xe (đạt 100%).
Từ đầu năm 2025, các đơn vị vận tải đang triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ. Trong năm 2025 sẽ chuyển đổi với các phương tiện buýt diezel lớn hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Từ năm 2026, thành phố Hà Nội sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ triển khai thực hiện thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) theo thời gian sử dụng phương tiện thực tế trên từng tuyến.
Lợi ích của phương tiện xanh, sạch đã rõ và là xu hướng phát triển trong tương lai. Vậy làm gì xanh hoá đoàn phương tiện xe buýt trên địa bàn thành phố theo đúng lộ trình đặt ra?
Chỉ ra những thách thức trong việc chuyển đổi, xanh hóa đoàn phương tiện, tại tọa đàm “Xanh hoá xe buýt: Thách thức và giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư” do Báo Giao thông tổ chức, ông Phạm Đình Tiến – Trưởng phòng Kế hoạch & Vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội) cho biết: Để có những bước đi vững chắc trong việc chuyển đổi, Hà Nội tính toán ưu tiên các tuyến nằm trong phạm vi nội đô Vành đai 4 trở vào sẽ dùng 100% xe buýt điện. Trước mắt, Hà Nội sẽ phát triển các tuyến buýt điện để kết nối với đường sắt đô thị… Việc chuyển đổi sẽ mang tính chất linh hoạt, cơ học.
Theo ông Phạm Đình Tiến, thách thức Hà Nội phải đối mặt trong việc chuyển đổi là có, song về cơ bản Hà Nội đã và đang triển khai bài bản và đi từng bước với những tính toán kỹ lưỡng trong vấn đề này.
Thông tin về vấn đề liên quan, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, việc xanh hóa, chuyển đổi xanh là xu thế, giúp thay đổi “bức tranh” giao thông trong bối cảnh môi trường Thủ đô ngày một ô nhiễm. Với các doanh nghiệp hiện nay, để xanh hóa đoàn phương tiện cũng phải đối mặt nhiều thách thức và cần sự vào cuộc hỗ trợ của Chính phủ, Thành phố trong cơ chế tiếp cận nguồn vốn chuyển đổi.
“Nếu chúng ta chỉ nhìn vào cơ hội khi chuyển đổi thì nên nhìn vào vấn đề cơ hội khi đổi mới cung cách quản lý và phục vụ. Bởi điều quan trọng là thu hút hành khách. Khi xe mới, cách phục vụ mới thì tin chắc sẽ thu hút được người dân sử dụng…” – ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.
TS. Phan Lê Bình – Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản, Chuyên gia giao thông chia sẻ, có thông tin cho rằng một xe buýt chạy điện có giá thành gấp 2,5 – 3 lần so với buýt chạy bằng diesel, chênh nhau khoảng 4 tỷ đồng.
Như thế, khoảng hơn 2.000 xe sẽ đòi hỏi mức đầu tư chênh 8.000 – 10.000 tỷ đồng. Với nguồn ngân sách Hà Nội, con số này không hẳn lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh Hà Nội còn nhiều nguồn cần chi như đường sắt đô thị, Thành phố có thể thu xếp được nguồn vốn hay không là nỗi băn khoăn.
Làm sao để thu hút doanh nghiệp?
Ông Phạm Đình Tiến – Trưởng phòng Kế hoạch & Vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội) cho biết: Hiện nay Hà Nội đã có 10 tuyến xe buýt điện. Sau 3 năm triển khai, các tuyến này đều cho thấy tính ưu việt của loại hình vận tải hành khách công cộng xanh, góp phần bảo vệ môi trường. Khi sử dụng xe buýt điện không phát thải như xe sử dụng dầu diezen. Lượng hành khách tìm đến sử dụng loại hình dịch vụ này cũng ngày một đông.
Với góc nhìn từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Nhật – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho biết, đây là thời điểm thích hợp để chuyển đổi. Theo kinh nghiệm của Vinbus, xe buýt điện đầu tư cao hơn 2,5 lần so với truyền thống. Tuy nhiên, các chi phí vận hành giảm rất nhiều. Tuổi thọ của xe buýt điện cũng được kéo dài hơn… điều này cho thấy hiệu quả xã hội. Tuy nhiên, vốn vay ban đầu rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước.
“Đây là mắt xích quan trọng cần tháo gỡ thời điểm này. Tôi tin thời gian ngắn nữa Thành phố sẽ có cơ chế cho câu chuyện này…” – ông Nguyễn Công Nhật nêu quan điểm.
Theo đại diện Vinbus, vấn đề cơ chế quan trọng hiện nay là hỗ trợ lãi vay để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Khi có cơ chế tháo gỡ thì doanh nghiệp sẽ “tự tin” hơn khi phát triển và dấn thân vào lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội đã có đơn giá định mức cho xe buýt lớn. Tuy nhiên, trong cấu phần đơn giá vẫn cần phải tiếp tục cập nhật. Chẳng hạn, việc bảo dưỡng xe buýt điện sẽ khác phương tiện truyền thống. Thêm nữa, cần tính giá khấu hao xe buýt điện, sao cho tính toán ra chi phí hợp lý cho cả phía Nhà nước và doanh nghiệp.
“Câu chuyện đầu tư ban đầu là vô cùng khó khăn, qua cơ chế cho vay hoặc trợ giá trực tiếp, hỗ trợ lãi vay… là vấn đề doanh nghiệp đang rất quan tâm. Nếu Thành phố kết nối được quỹ đầu tư trong nước hoặc quốc tế thì sẽ là nguồn vốn hấp dẫn hỗ trợ doanh nghiệp” – ông Nguyễn Hoàng Hải gợi ý.
Đinh Luyện