Điện gần như là yếu tố không thể thiếu trong đời sống xã hội, đặc biệt, hiện nay khi nguồn cung ứng điện đang gặp nhiều thách thức trong khi nền kinh tế đang có sự phục hồi mạnh. Bài học về cung ứng điện trong mùa hè năm 2023 vừa qua cũng cho thấy chưa bao giờ vấn đề sử dụng điện tiết kiệm lại được đặt ra cấp thiết, cấp bách như hiện nay.
‘Chúng ta đang tiêu thụ điện gấp 2-3 lần quốc gia khác’
Thông tin tại Toạ đàm “Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 15/5, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 tăng 4,26%). Như vậy, 4 tháng qua, điện thương phẩm tăng xấp xỉ khoảng 3 lần so với 2023. Đây là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.
Tại Hà Nội cũng trong 4 tháng qua, điện cho thương mại – dịch vụ tăng trưởng 33,26%, điện cho sinh hoạt tăng đến 29,27%. Tính chung tại miền Bắc, tăng trưởng điện thương phẩm từ đầu năm đến nay cho sản xuất công nghiệp là 13,02% là mức rất cao.
Ngay từ cuối năm 2023, EVN đã dự báo năm 2024 sẽ đối diện với mức độ sử dụng điện cao hơn. EVN đã xây dựng và trình Bộ Công Thương kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện 2 kịch bản. Trong đó, kịch bản cơ sở là tăng trưởng 6% và kịch bản cao, tăng trưởng khoảng hơn 9%. Tuy nhiên, ngay từ 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đã tăng 14,1%, cao hơn gần 2 lần so với kịch bản.
Một thông tin đáng chú ý được đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra đó là: Việt Nam có tỷ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả.
“So sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi. Trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi. Như vậy, để làm ra 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong thời gian tới”, ông Võ Quang Lâm cho hay.
Đưa ra nhận định về tình hình điện năng năm 2024, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết: Năm 2024, việc cung ứng điện sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tình hình El Nino còn diễn ra phức tạp; nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu.
Vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là tiết kiệm điện đã được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công tác thường xuyên. Trong năm 2023 Bộ Công Thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các địa phương trên cả nước thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
“Các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, cần “tiết kiệm điện thành thói quen”, ông Trịnh Quốc Vũ nói.
Để tiết kiệm điện không còn là khẩu hiệu
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên: Không phải vì thiếu điện mà chúng ta mới cần tiết kiệm điện, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn. Cách đặt vấn đề của Chính phủ đưa ra trong Chỉ thị số 20 cho thấy sự tích cực đương đầu với những khó khăn về năng lượng. Tới đây, chúng ta sẽ phải làm nhiều việc để đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế cũng như bảo đảm ý thức tiết kiệm điện của người dân như một nét văn hóa.
“Cần nâng cao ý thức, giáo dục công dân coi điện là tài nguyên quý giá của con người”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Cùng quan điểm, ông Hà Đăng Sơn, Chuyên gia năng lượng cho rằng: Vấn đề đầu tiên trong tiết kiệm điện liên quan đến nhận thức, bởi thói quen được xây dựng qua quá trình lâu dài chứ không phải thông qua những phong trào mang tính chất ngắn hạn. Đây cũng là lý do Chính phủ, Bộ Công Thương liên tục đưa ra những yêu cầu, chỉ thị, hướng dẫn trong câu chuyện tạo ra thói quen, nhận thức mới của người tiêu dùng từ các hộ gia đình tới các doanh nghiệp.
Liên quan các chế tài về tiết kiệm điện, Việt Nam đã có đầy đủ Luật, Nghị định, Thông tư, một loạt quy định… nhưng có sự khác biệt tại các địa phương trong triển khai những quy định này. Có những địa phương quan tâm, thực sự thúc đẩy thì việc tiết kiệm điện đạt hiệu quả rất cao, nhưng ngược lại, có nhiều địa phương, do nhiều vấn đề an sinh xã hội, mong muốn thu hút đầu tư… vẫn tồn tại những doanh nghiệp sử dụng năng lượng không hiệu quả, dùng những công nghệ lạc hậu, gây lãng phí năng lượng lớn.
Tiết kiệm điện không khó
Là một tỉnh phát triển công nghiệp dịch vụ, nhu cầu sử dụng điện rất lớn và tăng rất nhanh nhưng Vĩnh Phúc riêng trong năm 2023 đã tiết kiệm khoảng 87 triệu kW điện.
Để đạt kết quả này, ông Nguyễn Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20 về tăng cường tiết kiệm điện, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành chương trình của tỉnh tập trung 2 nhóm nội dung: Xác định rõ chỉ tiêu về thực hiện tiết kiệm cho từng đối tượng sử dụng điện, cho từng giai đoạn; Phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, các đơn vị phân phối điện, bán lẻ điện, khách hàng sử dụng điện…cũng có những chỉ tiêu cụ thể và kết quả cụ thể.
Tỉnh Vĩnh Phúc đề ra các giải pháp cụ thể thực hiện các mục tiêu như: Truyền thông tập trung tuyên truyền về tiết kiệm điện, sử dụng điện an toàn, hiệu quả; Yêu cầu có các biện pháp cụ thể cho từng đối tượng doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với ngành điện để điều chỉnh phụ tải, hạn chế sử dụng công suất vào giờ cao điểm; Xác định lại tổ chức vận hành để bảo đảm cấp điện an toàn ổn định trong tất cả các tình huống, đặc biệt khi xảy ra thiếu điện…
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng thiết bị, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho biết: Panasonic Việt Nam đã triển khai các giải pháp thực hành tiết kiệm điện nhưng vẫn đảm bảo an toàn sản xuất như tuyên truyền vận động cán bộ công nhân viên tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; duy tu, cải tạo các thiết bị nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khuyến khích và đưa ra các ý tưởng tiết kiệm điện tại từng bộ phận sản xuất trong công ty.
Panasonic Việt Nam đã thay thế toàn bộ đèn chiếu sáng trong công ty thành các đèn LED tiết kiệm điện, cải tạo hệ thống điều hòa trong phân xưởng, lắp đặt bộ tắt điện tự động, rà soát tối ưu hóa việc sử dụng khí nén cho sản xuất để tiết kiệm điện…
Tuyên truyền chưa đủ sẽ cần chế tài mạnh mẽ hơn
Bàn về giải pháp, các chuyên gia tại Toạ đàm cho rằng, vận động, tuyên truyền chỉ là một trong những giải pháp và đó là chưa đủ.
Ông Võ Quang Lâm nêu ý kiến: Nếu làm tốt việc tuyên truyền về tiết kiệm điện cho học sinh thì sự lan tỏa sẽ nhiều hơn, sâu rộng hơn, dần xây dựng được một lớp công dân không những có ý thức tiết kiệm điện mà còn có ý thức với môi trường, xã hội, sống có trách nhiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả.
EVN đang chú trọng ứng dụng nhiều công nghệ để tiết kiệm điện. Trong năm qua, EVN đã tập trung nhiều vào công tác hiện đại hóa hệ thống đo đếm, hiện đại hóa công tác vận hành hệ thống điện… Khoảng 92% công tơ đo đếm điện trên cả nước đã thực hiện điện tử hóa.
Đặc biệt, EVN quan tâm hơn đến nhóm khách hàng sản xuất công nghiệp, bởi họ chiếm tỷ lệ cao trong việc sử dụng điện. Năm 2023, trong tổng số 253 tỷ kWh điện thương phẩm, riêng nhóm khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm là 107 tỷ kWh. Nếu làm tốt việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong khối doanh nghiệp thì sẽ có cơ hội tiết kiệm điện rất nhiều.
“EVN đặt ra mục tiêu năm 2024 tiết kiệm được 5,5 tỷ kWh và phấn đấu tiết kiệm 6 tỷ kWh đến hết năm 2024”, ông Võ Quang Lâm cho biết.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh nêu quan điểm, đối với các quốc gia phát triển, việc đào tạo, giáo dục tiết kiệm điện, tài nguyên thiên nhiên được thực hiện một cách hiệu quả từ các em nhỏ, trong hệ thống giáo dục, trên các phương tiện giao thông, các nơi công cộng… Do đó, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Cũng theo ông Hà Đăng Sơn, Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt nồng độ cồn có hiệu quả rất tốt, người dân tuân thủ và dần thành thói quen. “Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng tương tự, thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục”, ông Hà Đăng Sơn nêu quan điểm.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng: Văn hóa sử dụng điện phải trở thành lối sống, nhu cầu thiết thân của mỗi người nhưng hãy bắt đầu từ các chế tài mạnh để tạo thành thói quen.
Cùng quan điểm cần phải có chế tài đủ mạnh để tạo thói quen tiết kiệm điện, ông Trịnh Quốc Vũ thông tin: Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN thỏa thuận với các khách hàng sử dụng điện lớn về dịch chuyển công suất đỉnh của phụ tải điện ra khỏi giờ cao điểm của hệ thống, thỏa thuận về cắt giảm công suất đỉnh tại các thời điểm hệ thống có nguy cơ thiếu điện. Tuy nhiên, đối với việc quản lý nhu cầu phụ tải đang thiếu chế tài.
Do đó, trong Luật Điện lực (sửa đổi) sắp tới, cần có cơ chế về chế tài, cũng như cơ chế khuyến khích cho các khách hàng đồng hành với các chương trình tiết kiệm điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Bởi, chúng ta vừa khuyến khích vừa cần có chế tài xử phạt những đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các quy định pháp luật về tiết kiệm điện.