Việc sáp nhập địa giới hành chính, tinh gọn bộ máy, cùng với đà phục hồi kinh tế, trong khi lạm phát được kiểm soát và hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện… đang thắp lên kỳ vọng về sự khởi sắc trở lại của thị trường bất động sản, mở ra chu kỳ tăng trưởng mới trong giai đoạn tới.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường bất động sản có thể sẽ đối mặt với rủi ro nếu dòng vốn tiếp tục “đổ” vào các hoạt động đầu cơ thay vì phục vụ cho sản xuất, đổi mới sáng tạo.
Thị trường như “cá gặp nước”
Thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn tích lũy, với nhiều tín hiệu cho thấy một chu kỳ phục hồi có thể bắt đầu từ năm 2026. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô dần ổn định, hành lang pháp lý hoàn thiện và dòng vốn đầu tư tiếp tục gia tăng, các chuyên gia cho rằng “cú hích thể chế” sẽ là nhân tố then chốt thúc đẩy sự khởi sắc trở lại của thị trường.
Theo bà Phạm Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng tích cực, tạo tiền đề để bất động sản từng bước khởi động lại sau giai đoạn trầm lắng năm 2023. Dù chưa có sự bùng nổ trên diện rộng, nhưng nguồn cung và thanh khoản đã phục hồi rõ rệt ở một số phân khúc. “Tốc độ hấp thụ ở mức ổn định trong bối cảnh nguồn cung được cải thiện và mặt bằng giá chưa có nhiều điều chỉnh”, bà Miền nhận định.
Tâm lý nhà đầu tư theo đó cũng dần trở nên lạc quan hơn, đặc biệt là khi kỳ vọng vào xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn ngày càng rõ ràng. Động lực đến từ triển vọng tăng trưởng kinh tế, hệ thống hạ tầng giao thông mở rộng cùng với tín hiệu “nới lỏng” tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Chính phủ tiếp tục định hướng giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp, góp phần kích thích nhu cầu bất động sản. Không chỉ người có nhu cầu thực mà cả các nhà đầu tư cá nhân cũng quay trở lại thị trường, coi bất động sản như kênh đầu tư sinh lời và tích trữ tài sản lâu dài.

Ở góc nhìn tổng thể, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá thị trường nhà ở đang có bước khởi đầu tương đối tích cực trong năm đầu tiên của chu kỳ mới. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng từ các chính sách thuế quan thương mại mới của Mỹ, VARS cho rằng Việt Nam có thể tận dụng cơ hội trong thách thức, nhờ vào chính sách đối ngoại khéo léo và sự linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Đáng chú ý, VARS nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân – đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản – trong việc dẫn dắt sự hồi phục. Khi khu vực kinh tế tư nhân được nhìn nhận đúng vai trò và được hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, các doanh nghiệp bất động sản sẽ như “cá gặp nước”, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Báo cáo mới công bố của Dat Xanh Services (DXS-FERI) cũng cho thấy sự đồng thuận về triển vọng phục hồi của thị trường. Giai đoạn 2024–2025 được xác định là thời kỳ tích lũy, trong khi năm 2026 được kỳ vọng là điểm khởi đầu cho chu kỳ tăng trưởng mới. Theo DXS-FERI, các yếu tố hỗ trợ bao gồm: lạm phát và lãi suất được kiểm soát, pháp lý ngày càng minh bạch, vốn FDI và đầu tư công tăng trưởng, mặt bằng giá ổn định và tỷ lệ hấp thụ cải thiện.
Một “cú hích” đáng kể đến từ chính sách cải cách hành chính. Việc sáp nhập địa giới hành chính, tinh gọn bộ máy không chỉ giúp giảm chi phí hành chính, mà còn rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, đồng bộ hóa quy trình và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đây được xem là một trong những động lực thể chế quan trọng giúp thị trường bất động sản vận hành thông suốt hơn trong giai đoạn tới.
“Niềm tin được củng cố, nhu cầu mua nhà đang trở lại – đây là những yếu tố nền tảng cho chu kỳ phục hồi bền vững từ năm 2026”, nhóm chuyên gia DXS-FERI nhấn mạnh.
Bất động sản liệu đã hết lo?
Dù triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản Việt Nam đang dần được củng cố, song nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ sự thận trọng trước nguy cơ mất cân đối cung – cầu và tái xuất hiện bong bóng giá nếu dòng vốn tiếp tục chảy vào các hoạt động đầu cơ thay vì phục vụ cho sản xuất, đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) nhấn mạnh tại một hội thảo kinh tế gần đây rằng bất động sản không thể tiếp tục là kênh đầu cơ ngắn hạn mà cần được định vị như một động lực tăng trưởng thực sự, dựa trên năng suất nội tại và khu vực tư nhân. “Không có tăng trưởng thật nếu tiền chỉ đi vào đất và cổ phiếu”, ông thẳng thắn chỉ rõ.

Theo ông, thị trường bất động sản tăng nóng trong vài năm gần đây, cộng với chính sách tín dụng dễ dãi, đã làm gia tăng nguy cơ bong bóng tài sản. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, tình trạng này có thể dẫn đến mất ổn định kinh tế vĩ mô, kéo theo lạm phát, suy giảm giá trị đồng tiền và thâm hụt ngân sách. Vì vậy, ông cho rằng cần tái định hướng thị trường để phục vụ nhu cầu thực tế, như nhà ở giá rẻ, khu công nghiệp hiện đại hoặc các dự án thương mại có giá trị gia tăng cao, thay vì tiếp tục là công cụ tích lũy tài chính thuần túy.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều biến động, áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ càng làm nổi bật sự cần thiết phải cơ cấu lại thị trường bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp. Việt Nam hiện phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong các khu công nghiệp. Khi hàng hóa Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn do thuế, dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp cũng có thể chậm lại. “Sự bất ổn từ các chính sách quốc tế đang phá vỡ luật chơi thương mại, khiến nhà đầu tư nước ngoài ngày càng thận trọng hơn”, ông Phạm Thế Anh nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn còn cơ hội nếu biết tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và lợi thế chi phí lao động thấp để thu hút các dự án FDI chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất giá trị gia tăng.
Ở góc độ nội địa, thị trường nhà ở cũng đang gặp khó khăn do sức mua suy yếu. Thu nhập của người dân không tăng đáng kể trong những năm qua, trong khi giá nhà lại leo thang. Các yếu tố như chính sách thuế thu nhập cá nhân chưa hợp lý và thiếu hỗ trợ về tín dụng đã làm giảm khả năng tích lũy và chi tiêu, khiến phân khúc nhà ở khó có thể tạo đột phá trong ngắn hạn. Tuy vậy, bất động sản nhà ở giá rẻ và tầm trung vẫn được đánh giá là phân khúc tiềm năng nếu được hỗ trợ bởi nguồn cung hợp lý và chính sách tín dụng phù hợp.
Ngoài ra, ông Phạm Thế Anh cũng nhấn mạnh vai trò của du lịch quốc tế trong việc kích thích thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Việc nới lỏng chính sách thị thực, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nước ngoài sẽ góp phần bù đắp sự sụt giảm ở các phân khúc khác do ảnh hưởng từ thương mại quốc tế.
Liên quan đến đầu tư công – vốn được kỳ vọng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản thông qua các dự án hạ tầng – PGS.TS Phạm Thế Anh cảnh báo nếu chỉ “ép giải ngân” mà không song hành với cải cách thể chế, thì hiệu quả mang lại sẽ không bền vững. Đặc biệt, đầu tư công không nên là động lực chính cho thị trường bất động sản trong dài hạn.
“Nguồn lực bền vững cho bất động sản phải đến từ khu vực tư nhân. Ngân sách nhà nước không thể mãi gánh vác các dự án lớn”, ông nói và nhấn mạnh rằng, để huy động nguồn lực này, Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch hóa thủ tục pháp lý và duy trì chính sách ổn định. “Chỉ khi môi trường đầu tư thực sự an toàn, doanh nghiệp mới mạnh dạn đổ vốn vào các dự án dài hạn, thay vì chạy theo đầu cơ ngắn hạn”, ông khẳng định.
Thị trường địa ốc kỳ vọng “giải nén” từ quý II/2025
Doanh nghiệp bất động sản hiện đang đặt kỳ vọng lớn vào sự phục hồi thị trường từ quý II/2025, nhờ loạt chính sách tín dụng nới lỏng và lãi suất vay đang trên đà giảm. Dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt 16%, tạo điều kiện thúc đẩy cả nhu cầu mua ở thực lẫn đầu tư.
Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, quý II/2025 được kỳ vọng sẽ là thời điểm thị trường “giải nén” sau một thời gian dài tích lũy. Nhu cầu mua nhà và đầu tư sẽ bật tăng đáng kể, tỷ lệ thuận với nguồn cung mới được tung ra thị trường. Đặc biệt, nhiều dự án quy mô lớn do các chủ đầu tư uy tín phát triển sẽ đóng vai trò dẫn dắt, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người mua ở thực. Tuy vậy, sự phục hồi bền vững vẫn cần sự đồng bộ từ chính sách và kỷ luật thị trường.
Đông Hà