Mỡ bụng luôn là thứ các chị em không mong muốn và cố loại bỏ. Nhưng nếu “tống khứ” mỡ bụng sai cách có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Giống như rất nhiều cô gái trẻ hiện đại, Tiểu Mai (Trung Quốc) quan niệm rằng phải thật gầy mới có thể xinh đẹp và ăn ảnh. Ở tuổi 25, cô cao 165cm và nặng hơn 45kg một chút nhưng vẫn luôn cảm thấy mình béo. Đặc biệt, do đặc thù công việc ngồi nhiều nên Tiểu Mai bị tích mỡ bụng. Điều này khiến cô rất không hài lòng.
Tiểu Mai đã ăn kiêng khắc nghiệt để giảm mỡ bụng nhưng hiệu quả không cao. Cô lại quá bận rộn để tập thể dục thể thao nên quyết định đi hút mỡ bụng theo lời giới thiệu của một người bạn.
Đây là một phương pháp phẫu thuật không còn xa lạ trong xã hội hiện đại. Mặc dù đa dạng công nghệ, có tác dụng nhanh trong giảm mỡ và giảm cân, tương đối an toàn và phổ biến nhưng cũng mang theo nhiều rủi ro cùng tác dụng phụ. Có thể kể đến như tổn thương tại chỗ, nhiễm trùng, tụ máu, mất quá nhiều máu, sốc phản vệ… thậm chí gây tử vong trong một số trường hợp.
Bên cạnh đó, dù bản thân phẫu thuật không ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sinh sản nhưng có thể gián tiếp đe dọa đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Nguyên nhân từ sự dao động mạnh về cân nặng trước và sau phẫu thuật, các biến chứng có thể xảy ra và cách xử lý không đúng cách trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật. Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, thiếu cân là một trong những yếu tố chính dẫn đến khoảng 6% bệnh nhân vô sinh nguyên phát.
Với trường hợp của Tiểu Mai, cô đã lựa chọn cơ sở hút mỡ không đủ uy tín, không được bác sĩ cảnh báo chi tiết về tác dụng phụ cũng như biến chứng từ hút mỡ bụng. Đặc biệt là hậu quả của hút mỡ bụng quá mức. Cuối cùng, để theo đuổi tiêu chuẩn cái đẹp với bụng phẳng, “vòng eo A4” có chiều ngang mỗi mặt không quá 21cm (chiều ngang tờ A4 đặt dọc) mà Tiểu Mai mất khả năng sinh sản mãi mãi dù mới 25 tuổi.
Cụ thể, sau ca phẫu thuật hút mỡ bụng, kinh nguyệt của Tiểu Mai đã đột ngột dừng lại. Lúc đầu cô không quá để tâm, đến tháng thứ 4 kinh nguyệt “biến mất” mới bắt đầu đi thăm khám. Lúc này, các bác sĩ chỉ ra cô bị mất kinh do rối loạn nội tiết tố nghiêm trọng vì giảm cân đột ngột. Tình trạng này kéo dài lâu cộng thêm cơ thể suy nhược do quá gầy dẫn tới teo buồng trứng nghiêm trọng. Đây là một sự thay đổi sinh lý không thể phục hồi, có nghĩa là Tiểu Mai đã vĩnh viễn mất khả năng sinh sản tự nhiên.
Khi nhận ra mình phải trả cái giá quá đắt: khả năng sinh sản cho một chiếc bụng phẳng, Tiểu Mai hối hận đến mức òa khóc. Cô chủ động chia sẻ câu chuyện của mình trên nhiều nền tảng mạng xã hội tại Trung Quốc với hy vọng cảnh báo mọi người, đừng mắc phải sai lầm không thể vãn hồi giống như mình.
Các bác sĩ của Tiểu Mai cũng nhắc nhở, dù có nhiều mỡ bụng không tốt cho cả ngoại hình lẫn sức khỏe nhưng phải “tống khứ” nó đúng cách. Ngay cả khi đi hút mỡ bụng cũng cần vừa phải, có sự tham vấn chuyên môn, nắm rõ các rủi ro có thể xảy ra và thực hiện tại cơ sở y tế uy tín.
Cách giảm mỡ bụng an toàn nhất là tăng cường vận động kết hợp ăn kiêng và nghỉ ngơi đúng cách. Chưa kể, có một chút mỡ bụng là đặc điểm sinh lý khác biệt ở phái nữ, giúp bảo vệ nhiều cơ quan nội tạng và góp phần đảm bảo cân bằng nội tiết tố. Vì vậy, hãy giảm cân khoa học và không chạy theo những tiêu chí về cái đẹp một cách mù quáng, hại sức khỏe.
Nguồn và ảnh: NetEase Health, CQ News
Ngọc Ái