Mùa Hè này, nhiều mô hình sống xanh hiệu quả và thiết thực được các trường đại học TPHCM triển khai.
Bỏ rác đúng chỗ được nhận tiền thưởng
Cuối tháng 6, Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức hoạt động thu gom pin cũ và lắp đặt máy xử lý vỏ chai nhựa, vỏ lon đã qua sử dụng, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường. Chương trình nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ, tối ưu hóa tài nguyên, giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm, hướng đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Nhà trường lắp đặt 2 máy thu gom và xử lý vỏ chai, vỏ lon tự động (Reverse Vending Machine – RVM) do Công ty TNHH Botol Việt Nam cung cấp, vận hành tại cơ sở 97 Võ Văn Tần (Quận 3) và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè).
Các vỏ chai, vỏ lon đã qua sử dụng cho vào máy được hệ thống tự động phân loại, ép và lưu trữ, sẵn sàng cho quá trình tái chế. Từ đó giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường, biến rác thải nhựa thành tài nguyên tái chế có giá trị.
Với mỗi chai nhựa, vỏ lon, người sử dụng sẽ nhận được tối đa 20 điểm, tương ứng với số tiền nhận được trong tài khoản (đã đăng ký trước đó). Ngoài ra, nhà trường còn bố trí mô hình thu gom pin cũ PINACO trong khuôn viên các cơ sở học tập của trường. Trường khuyến khích người học, viên chức, người lao động tham gia thu gom, xử lý pin cũ an toàn và hiệu quả. Số pin đã qua sử dụng sẽ được Công ty Cổ phần Pin ắc quy miền Nam xử lý.
Là trường đại học đầu tiên lắp đặt máy thu gom và xử lý vỏ chai, vỏ lon tự động, GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM cho biết, việc làm này đánh dấu mốc quan trọng của nhà trường trên hành trình hướng đến “Đại học xanh”. Điều này nâng cao nhận thức của sinh viên về trách nhiệm bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp.
“Nhà trường còn mong muốn lan tỏa lối sống xanh, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các thế hệ sinh viên, hướng đến mô hình Đại học ‘Không rác thải – Zero Waste’”, ông Hà nói.
Trong khuôn khổ chương trình, ngày hội “OU chọn sống xanh” được nhà trường tổ chức, thu hút hơn 300 sinh viên trong nước và quốc tế đến từ Lào, Philippines và Campuchia. Gian hàng “Chọn xanh, sống lành” trưng bày đa dạng các sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường như: Bình nước; ống hút làm từ giấy, bột mì; túi tote; bút giấy; ly nước làm từ bã cà phê; bông tắm xơ mướp…
Các gian hàng “Tái chế nhựa”, “Giải độc pin cũ” và “Phân loại nhựa” khuyến khích sinh viên mang đến các loại rác tái chế như vỏ chai nhựa, vỏ lon nhôm và pin đã qua sử dụng để thực hành lối sống bền vững. Họ tự tay phân loại, tái chế, xử lý rác thải đúng quy trình.
Sinh viên Đặng Phương Nam, Trưởng ban tổ chức “OU chọn sống xanh” cho biết, sự kiện tổ chức với mục đích nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và lan tỏa các thông điệp tích cực về bảo vệ môi trường.
“Điểm nhấn của chương trình là các gian hàng được thiết kế theo mô hình 5T “Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế – Từ chối – Thay đổi tư duy”. Qua đó, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cộng đồng. Mỗi cá nhân chúng ta có thể bắt đầu từ những hành động đơn giản nhất”, Phương Nam chia sẻ.
Xây dựng “Ký túc xá xanh”
Trung tâm Quản lý ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM vừa đề ra mục tiêu xây dựng môi trường sống xanh, hạnh phúc cho sinh viên trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, các mục tiêu được cụ thể hóa bằng các hoạt động, phong trào hướng đến cộng đồng, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa của sinh viên ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM.
Theo ông Lại Thế Tuân, Trưởng phòng Tổng hợp, Trung tâm Quản lý ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, ký túc xá đã xây dựng đề án “Ký túc xá xanh” để triển khai trong 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên là “nhận thức xanh”. Trung tâm Quản lý ký túc xá phát động, tổ chức các hoạt động, phong trào về vệ sinh môi trường, đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, phân loại rác thải tại nguồn, nói không với hộp xốp và bịch ni lông…
Các hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên về môi trường sống xanh. Giai đoạn 2 mang tên “Hành động xanh”. Sinh viên xây dựng mảng xanh tại phòng ở, các khu vực công cộng, không gian học tập cộng đồng và khuôn viên ký túc xá theo mục tiêu: “Sạch từ trong ra ngoài, đẹp từ ngoài vào trong”. Giai đoạn 3 là “Văn hóa xanh”.
Ông Tuân cho biết: “Chúng tôi từng bước hình thành văn hóa xanh và bảo vệ môi trường trong từng hành động, suy nghĩ của mỗi viên chức, người lao động, sinh viên nội trú. Tạo không gian xanh mát, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường”.
Các hoạt động, phong trào xanh đều được Trung tâm Quản lý ký túc xá thông báo rộng rãi đến từng phòng trong ký túc xá. Phạm Ngọc Nhi, sinh viên năm 3 ngành Luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ, hoạt động “Ngày thứ 7 xanh” không chỉ đơn thuần là dọn dẹp vệ sinh, mà còn là khoảng thời gian thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng.
“Em cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi được góp sức mình để ký túc xá trở nên ngày càng đẹp hơn”, Nhi nói. Chị Cao Thị Hoa, phụ trách tòa nhà E3, ký túc xá khu B cho biết: “Mỗi khi tôi gửi thông tin về hoạt động xanh, hầu hết sinh viên đều hưởng ứng và đăng ký nhiệt tình, đặc biệt là hoạt động Giờ Trái đất và hiến máu nhân đạo”.
Gần đây, nhiều nhóm sinh viên tại các trường đại học ở TPHCM cũng tổ chức các dự án sáng tạo lan tỏa lối sống xanh.
Đơn cử, sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TPHCM tham gia những thử thách sống xanh do Đoàn trường phát động. Những thử thách như học cách phân loại rác hay ý thức không lãng phí thức ăn bằng cách nấu ăn vừa đủ và ăn hết đồ ăn mỗi bữa được sinh viên hào hứng tham gia.
Đại học Kinh tế TPHCM cũng vừa tổ chức Ngày hội sống xanh (UEH Green Day) với chuỗi các hoạt động cuốn hút, “hút” gần 5.000 sinh viên tham gia. Đặc biệt, hoạt động Workshop Eco Fashion khá hấp dẫn khi sinh viên tái chế những trang phục có chất liệu jeans đã qua sử dụng thành những phụ kiện thời trang độc đáo và xinh xắn.
Giai đoạn 2022 – 2024, Trung tâm Quản lý ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức 18 đợt “Đổi rác tái chế – Nhận lại cây xanh” và trao tặng hơn 3.200 cây xanh. Hoạt động này góp phần phủ xanh ký túc xá và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên. Số lượng sinh viên tham gia các hoạt động xanh, tình nguyện đã tăng lên từ 7.843 lượt trong năm học 2022 – 2023 lên 13.000 lượt trong năm học 2023 – 2024.