Huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk có nhiều lợi thế phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát huy truyền thống cách mạng, đồng bào các dân tộc huyện Cư Kuin luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên, một lòng theo Đảng, cùng với cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế – xã hội, nỗ lực xây dựng buôn làng ấm no, giàu đẹp.
Cư Kuin hôm nay
Một năm sau vụ tấn công khủng bố tại Đắk Lắk (11/6/2023), chúng tôi trở lại huyện Cư Kuin cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 19 km. Là địa phương trẻ, năng động của tỉnh, thời gian qua, huyện Cư Kuin được quan tâm đầu tư hệ thống đường – điện – trường – trạm, nhà văn hóa cộng đồng đến tận thôn, buôn. Diện mạo nông thôn “thay da đổi thịt” và ngày càng khởi sắc. Cùng với đó, huyện có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, phù hợp phát triển cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều tấm gương nông dân đã nỗ lực tiếp thu khoa học kỹ thuật, tận dụng ưu thế của địa phương, vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi.
Gia đình anh Y Grung Byă (sinh năm 1983, buôn Jung A, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) có gần 8 sào (8.000 m2) trồng cà phê xen với sầu riêng, hồ tiêu. Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn mở dịch vụ cho thuê rạp, bàn ghế. Nhờ tích cực học hỏi, tham gia các buổi hội thảo, tập huấn về nông nghiệp, vườn cây của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt. Năm 2023, thu nhập của gia đình trên 400 triệu đồng.
Anh Y Grung Byă chia sẻ, là người con của buôn làng, anh nỗ lực vươn lên xây dựng kinh tế gia đình, hướng dẫn người dân trong buôn cách chăm sóc vườn cây. Năm nay, giá một số mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, lúa tăng cao, anh rất phấn khởi. Bản thân anh tự nhủ ngày càng cố gắng để làm động lực cho bà con noi theo, cùng thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Đi đôi với việc phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội được huyện chú trọng thực hiện, triển khai kịp thời chế độ, chính sách cho người nghèo, người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã triển khai xây dựng được 80 căn nhà theo Đề án “Xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”; 2 nhà sinh hoạt cộng đồng và 43 nhà “Đại đoàn kết” trao tặng hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở.
Gia đình bà H Thit Niê, sinh năm 1962, buôn Jung A, xã Ea Ktur có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tháng 9/2023, gia đình bà được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cư Kuin hỗ trợ một căn nhà đại đoàn kết, diện tích 50 m2, trị giá 120 triệu đồng. Bà H Thit chia sẻ, có căn nhà che nắng, che mưa, gia đình rất cảm động và biết ơn Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền. Từ niềm vui an cư, gia đình đã mua thêm 5 sào đất trồng cà phê, hồ tiêu để phát triển kinh tế gia đình.
Theo Chủ tịch UBND xã Ea Ktur Nguyễn Kim May, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ban hành nhiều nghị quyết hợp lòng dân. Đặc biệt, trong việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xã đặc biệt quan tâm phát triển đời sống hộ dân tộc thiểu số qua các chương trình, hoạt động như: Tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ giống cây giống, con giống và chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Qua đó, kinh tế của xã tăng trưởng đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm.
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhiều ngôi nhà đại đoàn kết thơm mùi vôi mới đã được hình thành. Nhiều con đường nối dài các thôn/buôn, vào tận rẫy của người dân đã và đang được bê tông hóa ở huyện Cư Kuin. Các chương trình, đề án, chính sách dân tộc được thực hiện công khai, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và thụ hưởng. Cuộc sống bình yên đã đến với các buôn làng của huyện Cư Kuin.
Vì sự bình yên của nhân dân
Huyện Cư Kuin có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm hơn 30% dân số toàn huyện. Mặc dù có nhiều nỗ lực song tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện chưa tương xứng với tiềm năng, phát triển còn thiếu tính ổn định và bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đồng bộ, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định, khó lường…
Thượng úy Hoàng Ngọc Phước, Phó Trưởng Công an xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin cho biết, xã có địa bàn rộng với 21 thôn, buôn. Trình độ, nhận thức, thu nhập của của nhân dân không đồng đều. Tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn ở từng thời điểm còn diễn biến phức tạp. Trước những khó khăn từ thực tiễn, lực lượng Công an xã xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nỗ lực thực hiện tốt biện pháp nghiệp vụ, chú trọng công tác dân vận và sâu sát địa bàn để kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ, tránh bị động. Đến nay, Công an xã mặc dù lực lượng mỏng, địa bàn rộng song vẫn nỗ lực bám địa bàn, giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, để gắn kết với nhân dân, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương, cấp ủy, chính quyền huyện Cư Kuin còn phát huy vai trò của già làng, trưởng buôn, người có uy tín – cánh tay nối dài giữa ý Đảng, lòng dân. Đồng thời, huyện quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt, thực hiện hiệu quả chính sách tôn giáo, chăm lo đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc.
Theo bà H Nhe Byă, buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất tinh thần của bà con trong buôn ngày càng được nâng cao. Con em được đến trường, hưởng các chính sách ưu đãi về học phí; đường làng, ngõ xóm khang trang. Từ đó, nhân dân buôn Ea Tiêu rất phấn khởi, đoàn kết. Là người có uy tín trong buôn, bà H Nhe Byă luôn gắn bó, gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, kịp thời tháo gỡ vướng mắc và hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ pháp luật, tích cực tham gia các phong trào thi đua.
Mục sư Y Luang Hwing, Hội nhánh Tin lành buôn Êga, xã Ea Tiêu cho biết, 532 tín đồ của hội nhánh rất phấn khởi khi được Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện cho điểm sinh hoạt mới, khang trang vào tháng 5/2024. Bên cạnh đó, bà con giáo dân được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo, luôn động viên nhau sống tốt đời đẹp đạo, lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Từ yêu cầu của thực tiễn, thời gian tới, Đảng ủy, UBND huyện Cư Kuin tập trung phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đặc biệt là khối mặt trận đoàn thể để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, Huyện ủy chú trọng thực hiện công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo gắn với bố trí, sử dụng cán bộ.
Theo Bí thư Huyện ủy Cư Kuin Phúc Bình Niê Kdăm, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền huyện Cư Kuin quyết tâm khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, tập trung giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Đảng bộ cơ sở 4 tốt”, “Chi bộ cơ sở 4 tốt”. Đồng thời, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, tăng cường bảo đảm quốc phòng an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Qua 17 năm hình thành và phát triển, huyện Cư Kuin đang dần hình thành dáng dấp của đô thị trẻ năng động, văn minh, giàu bản sắc. Sức sống mới với bạt ngàn cà phê, hồ tiêu, với những trang trại quy mô lớn cùng hệ thống cơ sở hạ tầng đã và đang là những tiền đề thuận lợi để huyện tiếp tục vươn lên, tạo điều kiện cho nhân dân an tâm lao động sản xuất, chung tay xây dựng buôn làng bình yên, phát triển.
TTXVN