Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người không chỉ dừng lại ở “ăn no, mặc ấm” mà đã chuyển sang “ăn ngon, mặc đẹp”, cũng chính vì vậy mà thói quen đan len, móc áo, móc khăn cho người thân yêu từng được xem món ăn tinh thần của người phụ nữ Hà thành xưa cũng dần mai một. Nhưng đâu đó, len lỏi giữa nhịp sống hối hả nhộn nhịp thường ngày, vẫn còn thấp thoáng nếp xưa, điều đặc biệt là, nếp xưa ấy không chỉ bắt gặp ở các bà, các mẹ, những người phụ nữ thế hệ trước mà còn truyền đến cả những thế hệ trẻ ngày nay.
Đối với các bà, các mẹ, các cô thuộc thế hệ đi trước, nhất là thập niên 70 – 80, đan len không chỉ là một hoạt động thường ngày để đáp ứng cả nhu cầu vật chất và tinh thần. Sản phẩm là những chiếc áo, chiếc khăn, chiếc mũ len mềm mại, đủ ấm qua mùa đông lạnh giá cho những người thân yêu trong gia đình, cũng là một mặt hàng để trao đổi những ngày tháng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Đan lát, thêu thùa ngày ấy còn là thước đo về nữ công gia chánh của người phụ nữ xưa. Công việc mà hầu hết những người phụ nữ đều xem là việc “ai cũng biết làm”. Đôi tay thoăn thoắt, thành thạo với từng mũi kim, thậm chí họ còn không cần nhìn vẫn đều tay đan, không sai mũi nào. Có những gia đình cả mấy thế hệ cùng ngồi đan len: Bà đan, mẹ đan, chị em gái trong nhà cũng cùng ngồi đan len. Thời gian đó cũng là thời kỳ hoàng kim của nghề đan len. Nhiều gia đình kiếm thu nhập chính từ nghề này. Họ tạo ra các sản phẩm len để bán hoặc nhận làm thuê cho những người có nhu cầu.
Con phố Đinh Liệt sầm uất nằm ngay bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) lúc nào cũng ồn ã xe qua người lại. Chẳng ai để ý đến ai, và cũng chẳng ai còn nhớ đến trước kia, con phố này được gọi với cái tên lãng mạn: “Con phố mùa đông”. Những ngày đầu đông, con phó này luôn nhộn nhịp hơn các tháng trong năm. Nhường chỗ cho những lĩnh vực kinh doanh khác hái ra tiền hơn, nhưng “con phố mùa đông” giờ vẫn giữ riêng cho mình những đặc trưng của nó. Ấy là dăm ba cửa hàng bán đồ len, các sản phẩm may mặc từ len.
Chỉ vỏn vẹn gần 200m bày bán đủ các mặt hàng len sợi đủ màu, kim đan, kim móc đủ loại. Dù giờ đây mặt hàng len không thịnh hành như xưa, chỉ còn lại một vài người từ thế hệ trước bám trụ theo nghề xưa, kiếm sống bằng việc đan len thuê. Không còn theo nghề, nhưng rất nhiều người vẫn giữ thói quen đan lát vì đam mê, vì yêu thích, và cũng vì hạnh phúc giản dị là được khoác lên mình sản phẩm do chính tay mình tạo ra hay nhìn thấy người thân diện món đồ do mình đan, móc tặng…
Với các bác lớn tuổi đã về hưu, đan len lại như một thú vui tuổi già. Dù đôi mắt không còn tinh anh nhưng khi tập trung vào từng mũi kim thì đôi mắt ấy lại ánh lên niềm hạnh phúc khi nghĩ đến hình ảnh người thân yêu của mình mặc chiếc áo, quàng chiếc khăn mà mình đã dành trọn tình yêu thương trong đó…
Đã qua thời thời các bà, các mẹ nhặt nhạnh, chọn lựa từng cuộn len cặm cụi cả mùa hè để mùa đông đan cho con cháu cái mũ, cái khăn, cái găng tay cho các thành viên trong gia đình như xưa thế nhưng những món đồ thủ công làm từ len và từ tấm lòng của người đan len giờ đây vẫn thật ấm áp, nhất là với những người nhận, nhất là Hà Nội vào những ngày đông.
Nhìn những chồng len đủ sắc màu lặng im giữa âm thanh ồn ào, nhộn nhịp phố phường mới thấy cuộc sống có hiện đại đến mấy, những chiếc que đan xinh xắn đan lên những chiếc khăn, chiếc áo dung dị vẫn luôn là một phần trong cuộc sống hối hả của bao bạn trẻ và trong nỗi nhớ của người xưa.
Xuân Mai