Lễ cúng Tết Thanh minh là một phần không thể thiếu trong văn hóa dân gian của người Việt. Để chuẩn bị cho ngày này một cách trọn vẹn và ý nghĩa, hãy cùng tìm hiểu về những điều cần thiết khi thực hiện lễ cúng.
Thanh minh là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Tính từ đầu năm trở đi, tiết Thanh minh đứng thứ 5, sau các tiết Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân.
Năm nay, Tết Thanh minh rơi vào 4/4 (tức 26/2 âm lịch). Tiết Thanh minh kết thúc vào ngày 19/4 dương lịch.
Trong ngày này, người dân thường làm mâm cúng dâng lên bàn thờ gia tiên và đi tảo mộ. Bởi vậy, ngày Tết Thanh minh thường có 2 phần lễ cần chuẩn bị.
Mâm cúng Thanh minh ngoài mộ
Tùy từng gia đình, lễ cúng Tết Thanh minh ở phần mộ tổ tiên có thể là lễ chay hoặc lễ mặn. Các lễ vật gồm: hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng.
Mâm cỗ chay gồm: xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ, chén mật ong. Mâm cỗ mặn ngoài những thứ trên có thêm rượu thịt, chân giò, gà luộc hoặc khoanh giò.
Nếu có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương, còn lễ vật đặt trên bàn có thể chung.
Mâm cúng Thanh minh tại nhà
Mâm cúng dâng bàn thờ tại nhà cũng không quá cầu kỳ, phức tạp. Lễ vật phụ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình hoặc phong tục văn hóa của mỗi nơi. Tuy nhiên, mâm cúng ngày Tết Thanh minh cũng sẽ đủ các món như gà luộc, xôi đỗ, canh măng miến, đĩa rau xào, nem rán… Ngoài ra, lễ cúng không thể thiếu được trái cây, hoa tươi, trầu cau, một ít vàng mã.
Cuộc sống hiện đại cũng có nhiều gia đình không làm mâm cúng Tết Thanh minh. Trong ngày này, ngoài việc tảo mộ, dọn dẹp bàn thờ, họ chỉ thắp hương với hoa quả tươi, trà với bánh kẹo để bày tỏ sự thảo kính tổ tiên.
Trước khi cúng, cần dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ, lau sạch bàn thờ gia tiên. Người cúng phải mặc quần áo sạch sẽ, chỉnh tề rồi lên hương, vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn. Khi một tuần hương cháy hết thì gia đình có thể hóa vàng và xin thụ hưởng lộc.
Những điều cần lưu ý khi đi tảo mộ Tết Thanh minh
Theo quan niệm được lưu truyền, có 1 số điều kiêng kỵ phải tránh; hoặc cần tuân thủ sau đây khi đi tảo mộ trong Tết Thanh minh.
– Không lớn tiếng, ồn ào. Nghĩa trang là nơi an nghỉ của người đã khuất; cho dù đã lễ xong, nếu chưa rời khỏi đó, cũng không được ầm ĩ.
– Không giẫm lên phần mộ của người khác. Ở các vùng nông thôn, một số bia mộ cũ sẽ được đặt gần nhau và các ngôi mộ thường được sắp xếp theo thâm niên của gia đình. Phải hết sức cẩn thận khi đi tảo mộ, không được bất cẩn giẫm lên mộ của người khác. Điều này là bất kính với người đã khuất.
– Phụ nữ đang trong kỳ hành kinh, phụ nữ có thai hay người bị phong hàn thấp khớp thì không nên đi tảo mộ vì khí lạnh, năng lượng xấu ở đây.
– Bởi vì tảo mộ là khoảng thời gian gia đình tụ tập lại với nhau nên thường chụp ảnh kỷ niệm. Tuy nhiên điều này không được khuyến khích tại khu vực nghĩa trang nên hạn chế chụp ảnh tại đây.
– Trước khi tu sửa dọn dẹp mộ phần, nên thắp hương khấn gia tiên để xin phép. Khi dọn dẹp mộ phần nên dọn sạch sẽ trước sau cũng như kiểm tra tình trạng mộ để tránh chuột rắn rết bò vào bên trong.
– Không nên bàn tán chỉ trỏ vào mộ người khác để tránh mang xui xẻo đến cho mình cũng như đây là việc bày tỏ sự tôn trọng với người đã mất.
HP (tổng hợp)