Theo tín ngưỡng của người Việt, Rằm tháng Bảy là ngày báo hiếu cha mẹ, tổ tiên. Vào dịp Vu Lan, người dân thường đến đền, chùa… cầu bình an. Khác với nhiều năm trước, nhiều người dân đến lễ với tấm lòng thành tâm, chứ không còn nặng nề việc đốt vàng mã.
Nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ), Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Nơi đây gắn với hình tượng mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng nước Việt trong một bọc trăm trứng. Đền Quốc Mẫu nằm ở giữa cánh đồng lúa phì nhiêu của xã Hiền Lương, ven quốc lộ 32C.
Ngôi đền tọa lạc dưới gốc đa cổ thụ quanh năm xanh tốt. Xưa kia, ngôi đền được nhân dân xã Hiền Lương xây bằng chất liệu mật mía, trải qua chiến tranh, ngôi đền vẫn không hề bị phá hủy. Đền thờ không rộng lớn, đồ sộ nhưng lại được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Khách tham quan có thể tìm thấy ở đây nhiều di vật như tượng Tổ Mẫu Âu Cơ, tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn hay các bức chạm tinh tế trên cửa võng, xà ngang, diềm chung quanh cửa thượng cung. Ngày nay, đền được xây dựng và tu bổ khang trang hơn, là nơi để du khách thập phương viếng thăm.
Đến lễ tại một công trình kiến trúc độc đáo lâu đời như vậy nên người dân rất có ý thức gìn giữ môi trường xung quanh, trong đó có việc thay đổi thói quen đốt vàng mã. Những năm trước, bà Lê Thị Thanh Mai, quê ở Yên Bái đến lễ Mẫu đều sắp sửa đầy đủ vàng mã, nào là ngựa 5 màu và hài, nón….dâng lên tất cả các cung thờ. Nhưng 3 năm nay, mỗi lần đi lễ bà dâng lên Mẫu mâm cơm chay, muối, gạo, nến, hương…và quan trọng nhất là tấm lòng:
“Dân mình từ trước đến nay là đốt vàng mã, nhưng bây giờ cũng giảm bớt rất là nhiều rồi. Quan trọng nhất là ở trong tâm mình. Bản thân cũng không đốt vàng mã, tiền đốt vàng mã thì mình đi từ thiện. Trong tháng Bảy âm lịch này người dân đi lễ nhiều cũng nên ý thức gìn giữ môi trường nơi thờ tự” – bà Mai chia sẻ.
Việc không còn những làn khói đen nghi ngút do đốt vàng mã đã giúp không khí tại Đền Mẫu Âu Cơ trở nên trong lành, mát mẻ hơn. Bà Đỗ Thị Thu Hương, người con của vùng đất tổ (Phú Thọ) đi lễ rất nhẹ nhàng, chỉ vài bông hoa dâng Mẫu nhưng tấm lòng vẫn rất trọn vẹn. Còn tiền dùng để đốt vàng mã như mọi năm, bà Mai công đức để mua cây xanh về trồng tại khuôn viên đền. Bà Mai cho biết: “Trong một vài năm gần đây, tôi cảm thấy rằng mọi người cũng văn minh lên, cũng không nghĩ là mình phải đốt vàng mã mà phải bằng cái tâm của mình. Mình hay công đức bằng tiền trần, nó thiết thực để xây dựng đền, chùa xanh-sạch-đẹp hơn”.
Đi lễ, đền chùa là nhu cầu tâm linh chính đáng của người dân. Đây là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc khi hoạt động tâm linh gắn liền với bảo vệ môi trường nơi thờ tự.
Những ngày cận rằm tháng Bảy, Lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Yên Sơn xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, không khí khá yên bình, thanh tịnh. Những người dân khi tới đây rất nhẹ nhõm, họ không phải mang theo quá nhiều lễ vật hay các đồ vàng mã cồng kềnh. Khi được hỏi về sự thay đổi này, những người tới lễ chùa cho biết, nhà chùa đã “quán triệt” việc không mang vàng mã đến chùa nữa, mà phật tử, khách lễ chùa chỉ mang một chút hoa quả và hương là đủ.
Tại nhà thờ Mẫu, ngay cạnh chùa, bà Nguyễn Thị Ngân thực hành tín gưỡng hầu đồng, hình thức diễn xướng tái hiện hình ảnh của các vị Thánh theo lời ca, tiếng hát của cung văn. Thường những khóa lễ như vậy phải sắm sửa đàn mã, ít thì cũng vài triệu đồng. Nhưng với bà Ngân, vàng mã chỉ mang tính tượng trưng:
Bà Ngân cho rằng: “Bát gạo, chai nước, lọ hoa,… dâng lên Phật, Thánh vừa đẹp, lại rất nhẹ nhàng. Còn hiện nay, báo chí cũng khuyến cáo không đốt vàng mã, rất nhiều chuyên gia cũng khuyên vậy. Bản thân tôi thấy hợp lý nên tôi thực hiện theo. Tôi mong rằng những ngôi đền, chùa luôn sạch -đẹp, người dân đến lễ mùa Lễ Vu Lan báo hiếu thật văn minh”.
Đốt vàng mã là tục lệ lâu đời của người Việt với quan niệm bày tỏ lòng thành với Phật, Thánh và người đã khuất. Nhưng việc lạm dụng tục lệ ấy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tại nơi thờ tự và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Vì vậy, sư thầy Thích Thiện Thanh, trụ trì chùa Yên Sơn luôn nhắc người đến lễ không dâng vàng mã khi đến lễ. Sư thầy nhấn mạnh: “Trong đạo Phật không cho đốt vàng mã. Mã và hình nhân, không có “ruột”, nó chỉ có hình tre không và có một tý giấy dán vào để mà tượng trưng và đốt đi thôi. Đó là việc làm lãng phí và gây hại đến môi trường thờ tự”.
Tín ngưỡng thờ cúng có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, hướng con người tới cái chân – thiện – mỹ. Việc người dân thay đổi tích cực, tiến tới từ bỏ thói quen đốt vàng mã là tín hiệu đáng mừng, cho thấy chúng ta đã thực hiện tín ngưỡng cúng bái gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe. Đây mới là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ cúng./.
Mạnh Sáu