Mặc dù giá vàng thế giới liên tiếp trượt dốc do kỳ vọng lãi suất mờ nhạt đè nặng, các chuyên gia vẫn duy trì triển vọng lạc quan đối với kim loại quý này.
Giá vàng trong nước hôm nay
Giá vàng trong nước được duy trì ổn định sau chuỗi ngày tăng-giảm với biên độ lớn. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 87,5 triệu đồng/lượng mua vào và 89,5 triệu đồng/lượng bán ra.
DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết giá vàng miếng ở mức 87,5 triệu đồng/lượng mua vào và 89,3 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.
Giá vàng Vietinbank neo ở mức 87,5 triệu đồng/lượng mua vào và 89,5 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng miếng PNJ đang mua vào mức 87,5 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 89,4 triệu đồng/lượng.
Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 87,65 triệu đồng/lượng và 89,3 triệu đồng/lượng.
Phú Quý SJC đang thu mua vàng miếng với giá 87,6 triệu đồng/lượng và bán ra 89,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới hôm nay
Thị trường vàng thế giới trong tuần này chứng nhiều biến động khi giá liên tiếp tăng – giảm với biên độ lớn do chịu tác động bởi quan điểm lãi suất. Sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại vào đầu tuần, giá vàng liên tiếp trượt dốc, ghi nhận tuần giảm đầu tiên sau 3 tuần và là tuần tồi tệ nhất trong hơn 5 tháng. Giá vàng giao ngay và tương lai neo lần lượt ở mức 2.333,3 USD/ounce và 2.335,2 USD/ounce, giảm hơn 80 USD so với đầu tuần.
Mặc dù vàng liên tiếp trượt dốc do chịu áp lực bởi quan điểm chính sách “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa Max Layton của Citigroup cho rằng, đợt giảm giá hiện tại chỉ là tạm thời. Ông dự báo, Fed sẽ tiến hành 5 lần cắt giảm lãi suất và động thái đó có thể đẩy vàng lên mốc 3.000 USD/ounce trong vòng 12 tháng tới.
Giám đốc nghiên cứu hàng hóa Aakash Doshi của Citi Bắc Mỹ nói thêm rằng, kịch bản suy thoái kinh tế xảy ra tại Mỹ cũng có thể là động lực tiếp theo đưa vàng hướng tới mốc 3.000 USD/ounce trong vòng 6 đến 12 tháng tới.
Mặc dù các nhà giao dịch đã đẩy lùi thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ dự kiến sang cuối năm và dự báo sẽ chỉ có 1 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng các chuyên gia của Citigroup cho rằng, nhu cầu của các nhà đầu tư và các ngân hàng trung ương trên thế giới trở thành động lực giúp vàng đạt được mốc đó.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Kitco, đối tác quản lý Adam Rozencwajg tại Goehring & Rozencwajg lạc quan hơn đối với kim loại quý khi nhìn vào nhu cầu chưa từng có của ngân hàng trung ương và những thay đổi đáng kể trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Ông dự báo, vàng có thể đạt mốc 5.000 đến 7.000 USD/ounce.
Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới mới đây cho thấy, các ngân hàng trung ương đã mua khối lượng vàng kỷ lục trong năm 2023 với 1.136 tấn nhằm đa dạng hóa khỏi đồng USD. Việc một số quốc gia đã bắt đầu rời xa đồng USD và sử dụng loại tiền tệ khác, các nhà phân tích đã lưu ý rằng, vàng đang trở thành một kim loại tiền tệ quan trọng trên toàn cầu.
Hiện tại, các nhà đầu tư đi theo vở kịch cũ và việc Fed do dự đưa ra tín hiệu cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ tạo ra một số biến động ngắn hạn và kéo giá xuống thấp hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, với môi trường hiện tại, vàng vẫn là một tài sản hấp dẫn để mua khi giá giảm.
Với giá vàng trong nước ổn định và giá vàng thế giới neo ở mức 2.333,3 USD/ounce (tương đương gần 71,5 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng.
Huyền Anh