(Chinhphu.vn) – Dự thảo Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, Bộ GTVT đề xuất ô tô chở học sinh phải có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp.
Những ngày qua, người dân cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa khi đọc những tin tức về việc bé trai 5 tuổi ở Thái Bình bị bỏ quên trên xe đưa đón suốt 11 tiếng dưới trời nắng nóng, dẫn đến tử vong. Đây không phải lần đầu xảy ra việc trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh. Cách đây 5 năm, một học sinh trường quốc tế Gateway ở Hà Nội cũng tử vong tương tự.
PGS. TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, xe đưa đón học sinh hiện nay được coi như một loại xe dịch vụ hoạt động trên cơ sở hợp đồng vận tải ký giữa nhà trường và doanh nghiệp vận tải. Các phương tiện được sử dụng là xe chở khách thông thường, không phải xe buýt chuyên dụng chở học sinh (school bus) như ở nước ngoài. Đáng ngại, một số doanh nghiệp còn đưa xe từng được sử dụng chở khách du lịch và tuyến cố định liên tỉnh nhưng đã cũ nát để chở học sinh, tiềm ẩn nguy cơ lớn về mất an toàn.
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em và vị trí an toàn của trẻ em trên xe ô tô. Nhiều phụ huynh vẫn để trẻ em ngồi ghế trước hoặc đứng trong xe, vươn tay ra cửa sổ, thò đầu qua cửa sổ trời…
Được biết, Bộ GTVT đã xây dựng, hoàn thiện và đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) đối với xe ô tô. Tại dự thảo này, Bộ GTVT đề xuất quy định riêng ATKT & BVMT đối với xe chở học sinh.
Phải có hệ thống cảnh báo
Cụ thể, dự thảo quy định, ô tô chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, hành vi của giám hộ học sinh và hành vi của học sinh trên xe.
Có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe, thời gian không quá 15 phút.
Dự thảo Quy chuẩn còn quy định phương tiện phải được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh 2 bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học.
Xe phải có biển hiệu, có biển báo hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt khi xe đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh. Đồng thời, được trang bị thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80km/h.
Ghế ngồi phải được trang bị loại dây đai an toàn hai điểm; được lắp đặt trên xe ít nhất một bộ sơ cứu, trang bị bình chữa cháy; Có camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống.
Theo ban soạn thảo, việc quy định một màu sắc chung giúp tăng tính nhận diện, phân biệt với các loại phương tiện khác, từ đó người tham gia giao thông biết và chủ động nhường đường khi cùng lưu thông với xe chở học sinh.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, quy định màu sơn riêng, thậm chí có thể hướng đến chung một kiểu dáng để tạo đặc trưng riêng cho xe buýt học sinh là tốt nhất.
Từ đó, cũng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu tiên cho loại phương tiện này, đơn cử như có thể ưu tiên bố trí các điểm dừng đón/trả học sinh gần khu vực các cổng trường học, ưu tiên làn đường khi di chuyển…
Tại Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ngay từ năm 2018, các xe buýt của hãng Emirates Transport chuyên phục vụ học sinh tới trường đều được trang bị cảm biến thông minh hoạt động khi xe buýt dừng hoặc đóng cửa. Thiết bị này giúp phát hiện bất kỳ đồ vật hay học sinh nào bị bỏ quên trên xe và nhanh chóng phát cảnh báo nếu có tiếng động lớn.
Đề nghị bổ sung thiết bị an toàn cho trẻ em
Cũng liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có 6,3 triệu số lượng ô tô đăng kí tại Việt Nam, thị trường ô tô của Việt Nam mỗi năm tăng trưởng khoảng 500 nghìn xe mới. Đồng nghĩa với việc số lượng trẻ em khi tham gia giao thông sẽ tăng cao hơn, điều này đặt ra vấn đề về quy định liên quan đến an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.
Đánh giá sơ bộ của Ủy ban ATGTQG cho thấy, có khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em. Tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em tại Việt Nam: 5 -14 tuổi là 1,9/100.000 trẻ; 0 – 4 tuổi là 1,4/100.000 trẻ
Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng – CHD (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn và vị trí ngồi an toàn cho trẻ em được luật hoá và áp dụng hiệu quả trong Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô mỗi năm tại Việt Nam.
Cơ quan này đề nghị: Để hoàn thiện hơn, Luật TTATGTĐB cần tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ em trong giao thông đường bộ.
Trong đó, tại Điều 3 đề nghị bổ sung thêm cụm từ “Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô là nôi, ghế, đệm nâng nhằm hạn chế khả năng cơ thể trẻ bị dịch chuyển trong trường hợp phương tiện tham gia giao thông va chạm hoặc giảm tốc độ đột ngột”.
Khoản 3, Điều 11, đề nghị bổ sung nội dung “không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ xe chỉ có một hàng ghế” và bỏ nội dung “mà không có người lớn ngồi cùng”.
Lý giải về đề xuất “không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét ngồi cùng hàng ghế với người lái xe”, CHD cho biết: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo tất cả trẻ em nên được ngồi ở ghế sau của xe ô tô. Đồng thời, khi dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương trẻ ngồi ghế sau giảm 14% so với trẻ ngồi ghế trước.
Thêm vào đó, theo số liệu từ điều tra về an toàn giao thông năm 2023, có 115 nước đã có luật cấm trẻ ngồi ghế trước, trong đó có 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm nhưng cho phép ngồi ghế trước nếu có thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.
Đối với đề nghị cần bỏ nội dung “mà không có người lớn ngồi cùng” với trẻ em được chở trên xe ô tô và trên xe máy trong dự thảo Luật, CHD cho rằng, cụm từ này sẽ gây hiểu lầm dây đai an toàn/thiết bị an toàn sẽ không cần dùng nếu có người lớn ngồi cùng trẻ. Khi xảy ra va chạm, lực quán tính và tình huống bất ngờ có thể khiến người lớn không thể giữ chặt trẻ dẫn tới việc trẻ bị văng khỏi ghế, va đập và bị thương nghiêm trọng.
Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế Công cộng đã thực hiện đánh giá tác động của việc bổ sung sửa đổi quy định, cho thấy người dân phản ứng rất tích cực với đề xuất này. Hiện nay mặc dù chưa quy định nhưng rất nhiều người dân đã tự động áp dụng. Trong một số cuộc thăm dò dư luận rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2020 – 2023, tỷ lệ ủng hộ đề xuất lên tới 85%.
Phan Trang