Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá lớn, không nên là người dùng cuối của công nghệ nước ngoài mà nên tự tạo công nghệ cho chúng ta, công nghệ Việt cho người Việt.
Đây là ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp tại phiên AI Summit trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2024, với chủ đề “Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh” (Unlock the power of Generative AI).
Việt Nam có nhiểu lợi thế để phát triển, ứng dụng AI tạo sinh
Tại đây, chia sẻ về cơ hội bứt phá từ AI tạo sinh, GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata cho hay, làn sóng AI tạo sinh trên thế giới bắt đầu khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào tháng 11/2022.
Ngay sau đó, nhiều quốc gia và tập đoàn lớn cũng nhanh chóng tham gia cuộc đua này, khiến 2023 trở thành một năm bùng nổ của AI tạo sinh. Có thể kể đến như: LLama của Meta, Bard của Google, Ernie Bot của Baidu, hay HyperCLOVA X của Hàn Quốc…
Nhận định ứng dụng AI tạo sinh trở thành xu hướng tất yếu, GS. Vũ Hà Văn dẫn báo cáo quý I/2024 của McKinsey, có tới 65% doanh nghiệp đã ứng dụng AI tạo sinh vào các hoạt động vận hành, kinh doanh, tăng gần gấp đôi so với 2023 (33%).
Trong đó, các lĩnh vực được doanh nghiệp ứng dụng AI tạo sinh nhiều nhất bao gồm Marketing & Sales (34%), phát triển sản phẩm – dịch vụ (23%) và Công nghệ thông tin (17%).
Đầu tư vào AI tạo sinh cũng tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng năm 2023, tổng số tiền các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào AI tạo sinh lên tới 25,23 tỷ USD, tăng gần 9 lần so với năm trước đó.
Giám đốc Khoa học VinBigdata cho rằng, khi được ứng dụng đúng cách, AI tạo sinh có thể mang đến nhiều lợi ích trong nhiều lĩnh vực cho cả thế giới và Việt Nam.
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển và ứng dụng AI tạo sinh. Về con người, Việt Nam có dân số trẻ, khả năng thích nghi cao với công nghệ. Về nền tảng tài nguyên số, 84% người Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh và 4G phủ sóng tới 99,8% dân số, tạo ra nguồn dữ liệu dồi dào.
Hơn nữa, dữ liệu của chúng ta có tính bản địa và đặc thù, nhiều bài toán mà chỉ người Việt mới có thể khai thác được. Cùng với đó, Việt Nam đã tự phát triển và làm chủ được một số mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, đã được giới thiệu tới các tổ chức, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc phát triển và ứng dụng AI tạo sinh tại Việt Nam gặp phải một số trở ngại về tính chính xác, bảo mật, an toàn dữ liệu, chi phí triển khai lớn, phải đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đòi hỏi nhân lực trình độ cao…
GS.TS Vũ Hà Văn nhấn mạnh cần phát triển AI tạo sinh phù hợp với thị trường Việt Nam cũng như bài toán cụ thể của các doanh nghiệp Việt Nam.
Để đón đầu làn sóng AI tạo sinh, Việt Nam cần chú trọng phát triển 3 trụ cột AI, đó là con người, tài nguyên và công cụ. Trong đó, cần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, khuyến khích, đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển AI tạo sinh. Khai thác và xây dựng cơ sở dữ liệu để chia sẻ và chủ động kiểm soát nội dung, bảo đảm an toàn dữ liệu quốc gia.
Cuối cùng, xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, làm tiền đề phát triển các giải pháp tích hợp AI tạo sinh dựa trên dữ liệu của người Việt, do người Việt làm chủ.
“Chỉ 9 tháng sau khi ChatGPT ra đời, VinBigdata đã phát triển và làm chủ mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt vào tháng 8/2023. Đây là tiền đề để chúng tôi ra mắt ViGPT – ChatGPT phiên bản Việt đầu tiên dành cho người dùng cuối vào tháng 12/2023, với 2 phiên bản: Phiên bản cộng đồng và phiên bản doanh nghiệp”, GS. Vũ Hà Văn cho biết.
Hiện tại, ViGPT vẫn thuộc Top 5 trên bảng xếp hạng năng lực tiếng Việt VMLU, chỉ sau các mô hình của Meta, Google và OpenAI. Khi ứng dụng vào doanh nghiệp, ViGPT có thể phát huy những ưu điểm về khả năng hiểu ngôn ngữ linh hoạt, khả năng tổng hợp thông tin, đưa ra các đánh giá và đề xuất phù hợp.
Sau khi làm chủ mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và ra mắt ViGPT, công nghệ này đã được tích hợp AI tạo sinh với các sản phẩm thuộc hệ sinh thái của VinBigdata, nhằm mang đến giải pháp tối ưu hơn, giải quyết chính xác bài toán cho từng tổ chức, doanh nghiệp.
Giám đốc Khoa học VinBigdata khẳng định Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá lớn, không nên là người dùng cuối của công nghệ nước ngoài mà nên tự tạo công nghệ cho chúng ta, công nghệ Việt cho người Việt.
Việt Nam cần tạo ra công nghệ cho riêng mình
Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud cho biết Việt Nam có cơ hội bắt kịp AI toàn cầu và tạo ra nền công nghiệp AI mới.
Theo ông Lê Hồng Việt, AI không phải nền công nghiệp chỉ đứng một mình. Nó giống như ngành công nghệ thông tin, sẽ thay đổi các ngành khác.
“Chúng ta cần năng lực AI nội tại dành riêng cho Việt Nam. Điều này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh trong cùng một quốc gia mà còn bảo vệ sự cạnh tranh, khác biệt cho Việt Nam”, ông Lê Hồng Việt cho hay.
Để làm được điều đó, Việt Nam cần phải thực hiện 5 vấn đề. Đầu tiên là đủ năng lực để tạo ra ứng dụng AI mà người Việt có thể sử dụng.
Thứ hai là phải tập hợp được dữ liệu từ Chính phủ, người dân Việt Nam để làm chủ dữ liệu của chính mình, bởi AI được tạo ra bởi sự làm giàu của dữ liệu.
Thứ ba là hạ tầng công nghệ, xây dựng nền tảng để AI đi vào doanh nghiệp trơn tru hơn. Việc này giúp mỗi người dân, doanh nghiệp tự tạo ra AI cho chính mình.
Thứ tư là tạo ra nguồn lực dồi dào, thu hút những người nghiên cứu và phát triển công nghệ trên toàn cầu phục vụ cho mục đích xây dựng nền tảng AI của Việt Nam.
Cuối cùng là khơi thông thị trường AI tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp hiểu được AI đem lại những giá trị gì, tạo ra sự tăng trưởng về năng suất, tối ưu chi phí ra sao.
Chia sẻ về nguồn nhân lực AI, TS. Lê Anh Văn, Giám đốc Nền tảng VNPT Generative AI, cho biết vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển nguồn nhân lực AI của Việt Nam. TS. Lê Anh Văn dẫn số liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam có 700 kỹ sư làm việc chuyên sâu tại Việt Nam, nhưng chỉ có 300 chuyên gia.
Trước thực tế trên, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đưa ra cách giải quyết là thành lập Nền tảng VNPT Generative AI để nhân sự vừa học vừa làm dự án thực tế, từ đó phát triển các kỹ năng cần thiết.
Theo đó, công ty từng bước tạo ra các phương án phát triển sản phẩm AI có tính cần thiết cao và quy mô lớn, cùng các yêu cầu khắt khe, đa dạng của thị trường để đào tạo ra nhân sự AI chất lượng.
Các sản phẩm mà VNPT Generative AI phát triển có thể kể đến nền tảng AI định danh và xác thực điện tử VNPT eKYC, nền tảng AI xử lý hình ảnh VNPT SmartVision, nền tảng AI phân tích hành vi cá nhân hóa trải nghiệm, phục vụ 3 triệu người dùng, Generative AI đưa ra phân tích chuyên sâu về sự tương tác giữa khách hàng và điện thoại viên.
Theo TS.Lê Anh Văn, để phát triển nguồn nhân sự tốt, chất lượng thì việc cần làm là đặt mục tiêu tốt, rõ ràng, từ đó sẽ phát triển được các nhân sự chất lượng dựa vào thực tiễn. Ngược lại khi có nhân sự AI chất lượng thì sẽ có cơ hội hoàn thiện sản phẩm, tạo sản phẩm tốt hơn nữa.
Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam do Bộ KH&CN chỉ đạo, Báo VnExpress, Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức, với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa-Viện-Trường Công nghệ thông tin-Truyền thông (FISU).
Hoàng Giang