TMO – Trong điều kiện đô thị hoá đang phát triển nhanh chóng, diện tích để trồng cây nông nghiệp, rau màu khu vực thành phố (TP) đang ngày càng thu hẹp, việc người dân TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để phát triển vườn đô thị tại các hộ gia đình là hoàn toàn phù hợp.
TP.HCM là địa phương tiên phong trong phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây là hướng đi tất yếu trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp trong khu vực TP. Tuy nhiên, để xây dựng được nền nông nghiệp đô thị hiện đại, TP cần có những giải pháp đồng bộ để tạo sức bật cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển.
Trước thực tế đó, TP.HCM đã hướng tới việc phát triển vườn đô thị ứng dụng công nghệ cao tại chính các hộ gia đình. Đây là hướng đi phù hợp trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay cũng như việc đất nông nghiệp khu vực TP.HCM đang ngày bị thu hẹp.
Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ cao để phát triển vườn đô thị, tại hội thảo: “Nông nghiệp đô thị – lợi ích kép cho người dân đô thị” đại diện Trường Đại học Văn Lang cho rằng, quá trình đô thị hóa ở TP. HCM diễn ra nhanh chóng và thiếu tập trung, làm cho diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh. Tuy nhiên, với dân số xấp xỉ 14 triệu người (tính cả người tạm trú), bình quân mỗi ngày TP. HCM tiêu thụ khoảng 11.000 tấn lương thực, thực phẩm các loại.
Tuy nhiên ngành nông nghiệp TP hiện chỉ cung ứng được khoảng 28% về nhu cầu rau xanh, sản lượng lợn hơi đáp ứng khoảng 11%, sản lượng trâu bò hơi đáp ứng khoảng 19,7%, sản lượng thủy sản đáp ứng khoảng 14%, sản lượng gia cầm chỉ đáp ứng khoảng 1,2% so với nhu cầu tiêu dùng ở trên. Còn lại phần lớn nông sản, lương thực thực phẩm tiêu thụ tại TP. HCM đều do các địa phương khác cung ứng.
Mặt khác, sản lượng và chất lượng nông sản tại TP. HCM chưa đáp ứng được 30% nhu cầu của cư dân đô thị bởi nhiều nguyên nhân. Ngoài quỹ đất nông nghiệp giảm, việc sản xuất hiện nay còn manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng nông nghiệp đô thị để có thể ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học dẫn đến tình trạng dịch bệnh làm thất thoát mùa màng.
Với sản lượng lương thực, thực phẩm như hiện tại, chỉ đáp ứng khoảng 10 – 15% nhu cầu rau, phần còn lại được nhập từ các tỉnh trong nước và nhập khẩu. Dự báo đến năm 2030 sức tiêu thụ các loại lương thực và thực phẩm tươi sống lên đến 17.000 tấn mỗi ngày .
Do đó, giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo việc làm cũng như thu nhập ổn định cho cư dân đô thị là hết sức cần thiết. Giải pháp này cũng nhằm cải thiện hạ tầng cơ sở của TP.HCM phát triển theo hướng đô thị xanh.
Hiện nay khoảng hơn 90% người dân ở các khu vực đô thị tại TP.HCM thấy rằng việc ứng dụng công nghệ vườn đứng và canh tác không dùng đất đã trở thành xu hướng tất yếu. Do đó, người dân khu vực đô thị có thể học tập từ các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các nước tiên tiến,… nhằm đáp ứng nhu cung cấp nông sản thực phẩm tại chỗ và xuất khẩu.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ở thành phố áp dụng cho cả khu vực trung tâm và ngoại thành sẽ được áp dụng linh hoạt theo điều kiện tự nhiên và từng loại nông sản phẩm. Đối với các quận nội thành có diện tích đất nông nghiệp không đáng kể (2.526 ha, chiếm khoảng 11%) và thường không tập trung. Nên kết hợp mô hình truyền thống với mô hình canh tác theo phương đứng (vườn đứng) để tận dụng tối đa không gian dinh dưỡng cho quá trình sản xuất.
Mô hình vườn đứng phù hợp với hầu hết các loại rau ăn lá, rau gia vị và rau dược liệu nhằm đáp ứng ngày nhu cầu tiêu dùng rau an toàn của TP, nhất là rau cao cấp, rau chất lượng cao cho hệ thống nhà hàng, khách sạn và công ty trên địa bàn. Còn ở vùng ngoại thành, mô hình canh tác quy mô lớn tập trung chủ yếu ở 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh (18.624 ha, chiếm khoảng 89% diện tích trồng rau toàn thành phố).
Với diện tích tập trung này có thể thiết lập hệ thống canh tác trong nhà màng, nhà lưới hoặc bên ngoài hoàn toàn tuỳ theo loài cây trồng và tiêu chuẩn chất lượng đầu ra cho mỗi loại hình sản phẩm. Điểm chung của các loại hình canh tác này là áp dụng hệ thống tưới thông minh kiểm soát nguyên liệu đầu vào (giống, phân bón và thuốc BVTV) theo đúng quy trình sản xuất GAP, Organic, GMPs, HACCP… đồng thời, áp dụng đồng bộ quy trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói và bảo quản sau thu hoạch.
Theo thống kê, toàn TP.HCM hiện có hơn 113 ha đất nông nghiệp, chiếm hơn 54% tổng diện tích đất tự nhiên; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là hơn 65.000 ha, đất nuôi trồng thủy sản là gần 10.800 ha… Do đó việc ứng dụng công nghệ cao để phát triển vườn đô thị của từng hộ gia đình trên địa bàn TP.HCM là điều cần thiết, rất phù hợp, và cần phải thực hiện một cách quyết liệt; đồng thời, cơ quan quản lý cần có quy hoạch và chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xác định loại cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với điều kiện thực tế, nhu cầu của thành phố cũng như như cầu của các hộ gia đình.
Minh Trang