Đến thời điểm này, đã có gần 70 trường ĐH công bố điểm sàn xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tuyển sinh năm 2024.
Điểm sàn đánh giá năng lực là mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ĐH chính quy năm 2024, theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy do các ĐH tổ chức.
Ở phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, điểm sàn cao nhất 850 điểm và thấp nhất 450 điểm. Mức điểm 850 là ngưỡng đầu vào để xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương.
Tiếp sau là Trường ĐH Đà Lạt lấy từ 800 điểm ở các ngành sư phạm và 600 điểm với các ngành còn lại.
Trường Quản trị và Kinh doanh ĐH Quốc gia Hà Nội có điểm sàn xét kết quả đánh giá năng lực là 760 điểm ở các ngành quản trị và an ninh, quản trị doanh nghiệp và công nghệ; và 750 điểm ở marketing và truyền thông, quản trị nhân lực và nhân tài.
Các trường tuyển sinh khối sức khỏe cũng đưa ra mức sàn khoảng 650-750 điểm, ĐH Kinh tế TPHCM lấy mức cao nhất là 730 điểm, nhưng ở phân hiệu chỉ lấy từ 500 điểm.
Trong khi đó, Trường ĐH Phan Châu Trinh có điểm sàn xét kết quả thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024 của ngành quản trị bệnh viện có mức sàn thấp nhất cả nước là 450 điểm.
Với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đang lấy sàn cao nhất với 120/150 điểm cho ngành y khoa và 100 điểm cho các ngành còn lại. Điểm sàn của các trường khác chủ yếu ở mức 75-80 điểm.
Những trường xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra mức sàn khoảng 50-60/100 điểm.
Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký các kỳ thi đánh giá năng lực cao kỷ lục. Đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 7-4 có 94.000 thí sinh, ở ĐH Quốc gia Hà Nội là 95.000 thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý dù thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức sớm (dùng điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển học bạ, IELTS…) thì vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống chung.
Nhật Nam