Nhờ sự phối hợp giúp đỡ của Công an nước bạn Lào, ban chuyên án đã từng bước hóa giải mọi thử thách.
Để qua mặt cơ quan chức năng, các tổ chức lừa đảo đã thuê trụ sở tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (Lào) rồi ép nhân viên người Việt Nam sử dụng mạng xã hội với nhiều “mánh khóe” thực hiện hành vi phạm tội.
Dẫn dụ phụ nữ đơn thân
Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa chủ trì, phối hợp với Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị của nước bạn Lào triệt phá thành công tổ chức lừa đảo qua mạng tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (tỉnh Bò Kẹo, Lào). Lực lượng làm nhiệm vụ đã bắt giữ 155 đối tượng cùng nhiều tang vật, tài liệu liên quan.
Sau gần 3 tuần đấu tranh, mới đây Công an tỉnh Hà Tĩnh công bố lời khai ban đầu của một số đối tượng trong đường dây vừa bị bắt giữ.
Theo cơ quan điều tra, Đinh Văn Châu là một tổ trưởng trong đường dây lừa đảo quốc tế khai nhận, đến tỉnh Bò Kẹo làm việc và quen biết một người bạn. Người này ngỏ ý sẽ mở công ty riêng nên rủ Châu đến làm việc cùng.
Thời gian đầu, Châu làm việc như một nhân viên bình thường và không biết đó là công việc lừa đảo. Nếu có ý định bỏ về nước, Châu sẽ phải bồi thường 70 triệu đồng tiền hợp đồng.
Quá trình làm việc, Châu được giao làm tổ trưởng với nhiệm vụ giám sát, đôn đốc các nhân viên dưới trướng tại công ty làm việc. Tùy nhiệm vụ được giao theo ngày hoặc tuần, các nhân viên sẽ phải lên mạng xã hội kết bạn và trò chuyện với các “khách hàng” mới.
“Mỗi ngày, một nhân viên phải tương tác với 2 khách hàng mới. Những khách hàng được nhắm đến chủ yếu là phụ nữ đơn thân, thiếu thốn tình cảm. Mục đích nhân viên kết bạn với khách hàng để tạo lòng tin, tình cảm sau khi chín muồi sẽ dẫn khách hàng vào các ứng dụng do công ty viết ra để họ đầu tư và chiếm đoạt tài sản”, Châu khai.
Việc nhân viên trong đường dây lừa đảo này tìm khách hàng dựa trên một tài liệu mà công ty cung cấp. Trong đó, ghi rõ quy trình đi tìm khách hàng, làm quen, chào hỏi, nói chuyện với khách hàng như thế nào để tình cảm ngày càng sâu đậm hơn.
Một người phụ nữ trong đường dây trên khai nhận, lúc được giới thiệu vào làm việc được hứa trả lương mỗi tháng 5.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên, hai tháng đầu không có doanh thu, bị phạt, nên tổng số tiền chỉ nhận được 4.000 nhân dân tệ (khoảng 14 triệu đồng).
Hằng ngày, nhóm nhân viên trong đường dây được quản lý và tổ trưởng giao cho các tài khoản Facebook ảo để đi nói chuyện với những phụ nữ trung niên ở Việt Nam. Các tài khoản ảo sẽ đăng tải các thông tin cá nhân là những doanh nhân thành đạt, giàu có, thường xuyên đăng ảnh ăn chơi những nơi sang trọng.
Lúc đầu nói chuyện với khách hàng sẽ hỏi năm sinh, quê quán, rồi sau đó nói chuyện quan tâm đến cuộc sống của nhau. Khi khách hàng đã tin tưởng sẽ dẫn khách hàng vào “mua phòng” nộp tiền đầu tư. Trong vòng 3 ngày nếu không có khách hàng tiềm năng nói chuyện, các nhân viên trong đường dây này sẽ bị trừ tiền, thậm chí bị bắt phải chống đẩy. Có nhiều nhân viên còn bị những kẻ cầm đầu đánh đập.
Nhiều người trong đường dây từng muốn trốn về nước, song họ bị những kẻ cầm đầu nhốt lại trong các tòa nhà. Các trường hợp khác muốn về nước phải gọi điện về cầu cứu người thân với số tiền đền hợp đồng rất lớn.
Hàng nghìn người “sập bẫy”
Thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh, đầu năm 2024, xuất phát từ việc Công an tỉnh Điện Biên phát hiện, giải cứu 14 nạn nhân bị lừa bán sang Lào dưới chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”, thực chất là để huấn luyện, khống chế trở thành đối tượng quay trở lại lừa đảo chính người Việt trên không gian mạng.
Mở rộng điều tra, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đề nghị lực lượng cảnh sát hình sự các tỉnh giáp với biên giới Lào, cử trinh sát trực tiếp sang Đặc khu kinh tế Tam giác vàng, thuộc tỉnh Bò Kẹo (Lào) để nắm tình hình.
Vào tháng 5/2024, Công an Hà Tĩnh đã bắt giữ 6 đối tượng về hành vi mua bán người, giải cứu 36 nạn nhân là người Việt được đưa sang Lào để tham gia vào nhiệm vụ “dùng người Việt lừa người Việt”.
Với quyết tâm triệt phá tận gốc rễ tổ chức tội phạm này, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, huy động tối đa các nguồn lực, nhiều mũi trinh sát được tung đi các địa bàn xa xôi để thu thập tài liệu liên quan đến tổ chức phạm tội quy mô đặc biệt lớn này.
Để đột kích vào Đặc khu kinh tế Tam giác vàng là rất khó khăn. Việc xác định chính xác vị trí hoạt động của ổ nhóm này ở tòa nhà nào trong số hơn 200 tòa cao ốc từ 20 – 25 tầng với hàng trăm nghìn người sinh sống và làm việc là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Nhờ sự phối hợp giúp đỡ của Công an nước bạn Lào, ban chuyên án đã từng bước hóa giải mọi thử thách. Rạng sáng ngày 2/8, tất cả các mũi tấn công đã đột kích thành công vào bên trong một tòa nhà tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng.
Sau 4 giờ đồng hồ, tất cả các đối tượng chủ mưu, cầm đầu cũng như các nhân viên người Việt đã sa lưới. Lực lượng chức năng bắt giữ 155 đối tượng, thu giữ gần 100 quyển hộ chiếu, 74 viên hồng phiến, 18.900 nhân dân tệ, hàng chục máy tính và gần 500 điện thoại cùng hàng nghìn sim điện thoại không chính chủ và các công cụ, tài liệu khác dùng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Đại tá Phạm Thanh Phương, Phó Giám đốc, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đường dây vừa bị triệt phá là một bộ máy tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp, xuyên biên giới hoạt động trên không gian mạng, do người nước ngoài quản lý chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn nạn nhân Việt Nam.
“Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của Công an Việt Nam và Công an Lào trong công cuộc đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua không gian mạng xuyên quốc gia đang hoành hành. Thành công của chuyên án là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ Việt Nam và Lào, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội của hai nước Việt – Lào”, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh nói.
Tiến Hiệp