Bầu không khí ở thôn Lại Đà (Đông Anh, Hà Nội) rất trầm mặc, người dân và bạn học đều xót thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cùng dạy thêm, làm công nhật để theo… sự học
Ngồi trong căn nhà nhỏ ở thôn Lại Đà, ông Ngô Bá Dục (SN 1943) chậm rãi lật từng tấm ảnh thời thơ ấu, trầm ngâm nhớ về những kỷ niệm với người bạn thân Nguyễn Phú Trọng.
Ông Dục kể, ông và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học cùng lớp với nhau từ cấp 1 đến cấp 3. Khi lên đại học, bạn ông đỗ Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), còn ông Dục theo học ngành Sư phạm. Dù học khác trường, nhưng hai người vẫn giữ mối quan hệ bạn bè khăng khít.
Theo dòng hồi ức, ông Dục kể, ngày đó, trong làng chỉ có mấy anh em đi học cấp 1 ở đình làng do một thầy giáo già mở lớp. Sáng đi học, chiều đến, những đứa trẻ làng Lại Đà rủ nhau chăn trâu, tát nước giúp gia đình, dù vất vả, khó khăn nhưng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Lên cấp 2, mấy anh em cùng trọ học ở một gia đình ở bên mạn Gia Lâm, góp gạo thổi cơm chung, đoàn kết coi nhau như một gia đình.
“Thời đó, việc đi học rất vất vả. Gia đình chỉ cho chừng 15 đấu gạo, còn tiền tiêu phải tự lo. Chúng tôi bơi ra bãi sông Hồng, vớt củi về phơi khô đun nấu. Buổi chiều học xong, tôi và anh Trọng lại vào Khu công nghiệp Đức Giang dạy bổ túc cho công nhân kiếm tiền. Lúc đó, tôi một lớp, anh Trọng một lớp, được đồng nào tiết kiệm chút ấy”, ông Dục kể.
Những năm học cấp 2, ông Dục là lớp trưởng, đến năm cấp 3, ông làm Bí thư Chi đoàn, còn cậu học trò ưu tú Nguyễn Phú Trọng làm lớp trưởng, hai người rất hợp tính nhau. “Tính anh Trọng cẩn thận, chu đáo, văn hay, chữ đẹp, học khá các môn Văn, Sử, Địa…”, ông Dục kể.
Theo ông Dục, học trò trong làng chỉ biết cùng nhau nỗ lực học, để thoát nghèo. “Nhà anh Trọng kinh tế cũng không dư dả. Cả làng chỉ có ba người học hết lớp 10, trong đó có tôi và anh Trọng. Vì vậy chúng tôi ai cũng rất cố gắng…”, ông Dục bùi ngùi hồi tưởng.
Đi học vất vả như thế song cả ông Dục và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều rất chăm chỉ, nỗ lực, kiên trì, được các thầy cô, bạn bè quý mến vì luôn đạt thành tích nổi bật của lớp.
Ông Dục kể, có hôm thong thả buổi tối, ông Trọng còn đi sang học thêm lớp bồi dưỡng môn Văn do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Say mê học Văn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thi đỗ và học Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp, còn ông Dục vào ngành Sư phạm. “Những ngày đi học, ở thành phố, các bạn ăn mặc chỉnh tề, còn chúng tôi chỉ có chân đất, áo vải. Nhưng về việc học, chỉ sau 1 kỳ học thì chúng tôi không thua gì các bạn…”, ông Dục nói.
Chia sẻ cảm nhận về bạn học cũ, ông Dục đánh giá Tổng Bí thư là người bình tĩnh, luôn lắng nghe người khác. “Chưa bao giờ anh ấy phản bác. Anh Trọng chỉ chia sẻ những thắc mắc của chúng tôi là cấp trên biết và sẽ giải quyết dần dần cho Nhân dân. Khi anh ấy phất ngọn cờ chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng, người dân chúng tôi rất vui và đồng tình, ủng hộ…”, ông Dục bày tỏ niềm nể phục.
Cũng theo lời ông Dục, Tổng Bí thư là người mẫu mực, cần mẫn, hiền hậu, luôn dành thiện cảm với mọi người. Thời đi học, ông luôn được thầy giáo đưa tác phẩm văn học để đọc mẫu và thuyết trình lại cho các bạn. “Anh nói rất hấp dẫn. Có hôm anh tường thuật lại ý tưởng tác phẩm “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng, có những đoạn trích rất truyền cảm”, ông Dục bồi hồi nhớ lại.
Theo ông Dục, thế hệ ông say mê đọc rất nhiều tiểu thuyết kinh điển của các nước trên thế giới như “Thép đã tôi thế đấy”, “Chiến tranh và hòa bình”… Dù sách dày hàng nghìn trang nhưng vẫn đọc đi đọc lại. “Anh Trọng đọc rất nhiều, đọc với tinh thần nghiên cứu, để đi sâu vào văn chương. Về sau, anh ấy làm bên Tạp chí Cộng sản, đi sâu vào lĩnh vực học tập đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đọc nhiều tài liệu lịch sử…”.
Thời gian học đại học, Trường Đại học Tổng hợp sơ tán ở Thái Nguyên còn Đại học Sư phạm Hà Nội sơ tán vào khu vực miền Trung, dù không có điều kiện gặp nhau thường xuyên, nhưng khi về, anh em vẫn gần gũi, thân thiết. Khi đi làm, ông Dục đi dạy ở Trường Đại học Sư phạm Vinh sau đó chuyển công tác về các trường: THPT Liên Hà, THPT Cổ Loa còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công tác ở Tạp chí Cộng sản.
Gần gũi Nhân dân với tấm lòng nhân ái
Là bạn thân nên trong đám cưới của ông Dục vào năm 1970, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Vương Khắc Côn đã xuống nhà trang trí và làm phòng cưới giúp chú rể.
Đám cưới tổ chức giản dị trong khoảng sân trước nhà. Đây cũng là căn nhà đã nuôi giấu một số cán bộ Đảng hoạt động bí mật trước Cách mạng tháng Tám.
Phía trên khoảng sân ấy, ông Dục mượn được ba tấm dù pháo sáng của Mỹ, chiến lợi phẩm của bộ đội, chăng lên tránh mưa. Do giai đoạn khó khăn chung của cả nước, đến 6h tối mới có điện, mọi người bắt đầu liên hoan.
Gọi là cỗ cưới nhưng chỉ có vài món đơn giản, đậm chất thôn quê. “Anh Trọng là người rất chu đáo, khéo tay nên được tin tưởng cắt chữ trong đám cưới. Anh em đến giúp nhau trong không khí cảm động, ấm áp, gần gũi thân tình…”.
Cũng theo ông Dục, khi công tác, dù đảm nhiệm các chức vụ quan trọng, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ mối quan hệ tốt với bạn bè. Nhiều sự kiện họp lớp, chia tay thầy cô, chỉ trừ trường hợp bất khả kháng, còn lại Tổng Bí thư luôn có mặt.
Có lần, lúc đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội ông vẫn bắt xe ôm từ phố Đặng Tất ra nhà nổi Hồ Tây, khiến ai cũng bất ngờ.
Lần khác, có thầy giáo cũ từ Quy Nhơn (Bình Định) ra Bắc. Các học trò thống nhất tổ chức liên hoan tiễn thầy. Không phải hội trường rộng lớn, thầy trò liên hoan trong căn nhà nhỏ, chỉ vừa một chiếc giường và khoảng trống dưới sàn nhà. Khi xếp mâm, chỉ có 5 người lớn tuổi, trong đó có ông Dục, được ngồi với thầy trên giường, còn anh em trẻ hơn ngồi phía dưới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đến sớm cũng vui cùng thầy và các bạn.
Do bận công tác, nên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không thể thường xuyên gặp bạn bè. Ông Dục nghẹn ngào, chậm rãi nói: “Cũng phải mấy năm rồi, nghe tin nhau là chính. Khi nghe tin bạn ra đi, tôi rất đau lòng bởi anh ấy ra đi đột ngột quá…”.
Khắc ghi những lời căn dặn
Đỡ lời bố, cô giáo Phạm Thị Hương Giang (Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ 2, quận Ba Đình, Hà Nội, con dâu ông Ngô Bá Dục), cho biết, mặc dù là bạn thân thiết với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, song ông Dục không bao giờ cho phép các con liên hệ riêng với Tổng Bí thư.
“Trong tâm niệm của thế hệ con cháu chúng tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người sâu sắc, giản dị và sống thấu tình, đạt lý. Khi mẹ chồng tôi mất, ông về tận nơi để thăm viếng và động viên gia đình…”, cô Giang xúc động nhớ lại.
Theo lời kể của bố chồng, cô Giang biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sống trong một gia đình nghiêm khắc, rất nền nếp gia phong. “Tôi may mắn có bố là bạn với Tổng Bí thư – người yêu văn thơ, sống vì nước vì dân, gần gũi với Nhân dân. Bố tôi thường dạy chúng tôi phải nghiêm khắc với bản thân không ngừng học tập, phấn đấu. Các con cháu trong gia đình cũng thấm nhuần lối sống và tư tưởng của Tổng Bí thư, sống cuộc đời thanh bạch, giản dị và hết lòng vì công việc”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi là mất mát to lớn của dân tộc, đặc biệt là với Đảng bộ và Nhân dân huyện Đông Anh.
Trong suốt cuộc đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình yêu và niềm tin lớn cho huyện nhà. Đặc biệt, từ một địa phương thuần nông khởi lên ý tưởng, khát vọng vươn lên phấn đấu đến năm 2023, Đông Anh lọt vào tốp đầu của thành phố khi thu ngân sách đạt trên 10.000 tỷ đồng, tự chủ cân đối được tài chính.
Với định hướng của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Đông Anh đặt ra mục tiêu về khát vọng thịnh vượng. Trong niềm thương tiếc, người Đông Anh càng phải thêm đoàn kết, nỗ lực để thực hiện cho được mục tiêu trên”, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên
Đăng Chung