Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chiều 18/7, Đảng, Nhà nước đã trang trọng tổ chức trao Huân chương Sao vàng tặng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam để ghi nhận những công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.
Trước đó, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, ghi nhận quá trình cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.
Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế cũng luôn dành tình cảm trân trọng, yêu mến đối với Tổng Bí thư.
Lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng
Trải qua nhiều cương vị quan trọng do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VII đến khóa XIII; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa VIII đến khóa XIII; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch nước; Tổng Bí thư từ khóa XI đến khóa XIII, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị với tinh thần “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt,” lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, với những dấu ấn nổi bật, làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng cao, càng bền vững, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Ông Y Luyện Niê Kdăm, đại biểu Quốc hội khóa X, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng: “Là người có nhiều đổi mới mạnh mẽ, những việc làm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều được dân yêu, dân thương và dân mến. Vì thế, tình hình đất nước được ổn định, đời sống nhân dân phát triển. Để có được những thành tựu này là nhờ có những đóng góp to lớn của đồng chí Tổng Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể đưa ra những chủ trương, chính sách đúng đắn cho sự phát triển của đất nước.”
Dưới góc nhìn của bạn bè quốc tế, Phó Chủ tịch Đảng Cách mạng Tanzania Abdulrahman Omar Kinana cho rằng: “Dưới sự lãnh đạo tài tình của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế; đã có nhiều sáng kiến mang tính đột phá trong công tác xây dựng Đảng, góp phần củng cố một Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người dân. Kinh tế-xã hội tăng trưởng mạnh mẽ; công tác xóa đói, giảm nghèo là điểm sáng, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.”
Được kết nạp Đảng ngày 19/12/1967, với gần 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; trong mọi hoàn cảnh luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản kiên cường; kiên định Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững, nêu cao và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, tính tiền phong, gương mẫu, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; tác phong sâu sát cơ sở, gần gũi với đồng bào, đồng chí; trong công việc luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thái độ nghiêm túc, phương pháp làm việc khoa học, quyết đoán, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X nhận xét: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn Đảng, toàn dân. Chỉ đạo của Tổng Bí thư lúc này là ý chí, sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân. Yêu cầu Đảng phải trong sạch, vững mạnh, từ đó lấy lại lòng tin của nhân dân, của đảng viên đối với cơ quan lãnh đạo.”
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV bày tỏ: “Chúng tôi may mắn, vinh dự và tự hào vì đã thay mặt nhân dân lựa chọn được một người xứng đáng. Chúng tôi cũng cảm thấy hết sức tin tưởng, kỳ vọng khi đất nước đã tìm ra được người tài giỏi, năng lực, đạo đức để lãnh đạo đất nước. Tất cả những cơ sở đó làm chúng ta có niềm tin sâu sắc rằng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mà Đảng và nhân dân giao phó.”
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm xác định tầm nhìn chiến lược của Đảng và dân tộc; coi trọng tổng kết thực tiễn để không ngừng bổ sung, hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xác định đó là nguyên tắc cơ bản, nền tảng vững chắc của Đảng ta, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, dân tộc ta, “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.”
Kiên trì, kiên quyết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
Những năm qua, nhân dân và các cán bộ, đảng viên rất vui mừng, phấn khởi, tăng thêm niềm tin vào Đảng, Nhà nước khi chứng kiến những chủ trương, biện pháp xử lý rất kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Nhiều tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư khởi xướng và chỉ đạo đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu cao quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước để có một thái độ không khoan nhượng đối với tham ô, tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực. Điều này thể hiện rõ trong công tác phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, kể cả những người ở cương vị cao, thậm chí trong Bộ Chính trị nếu vi phạm thì cũng sẽ bị kỷ luật một cách nghiêm minh. Chính điều này lại thấy rõ sự thống nhất, tiếp thu vận dụng và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng.”
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thực hiện quyết liệt, với nhiều cách làm mới, có chiều sâu, đồng bộ, hiệu quả. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trước đây đã được bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, bao gồm cả chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực; trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề. Đồng thời, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đi vào hoạt động, bước đầu có kết quả tốt, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh.”
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được đẩy mạnh để từng bước tiến tới: “không dám,” “không thể,” “không muốn,” “không cần” tham nhũng. Việc kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ, cải cách hành chính bảo đảm tính công khai, minh bạch. Chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng cao. Thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều tiến bộ.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng tiếp tục được đổi mới, tăng cường trên cơ sở ban hành có chất lượng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nhiều quy định mới, góp phần kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm,” “tư duy nhiệm kỳ,” “chủ nghĩa cá nhân,” “tha hóa quyền lực” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, kỷ cương, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Dương Quang Phái, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh: “Từ khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, đất nước ta đã có nhiều chuyển biến cả về kinh tế-xã hội và chính trị, trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến đổi khó lường. Đây là công lao của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có đóng góp rất lớn của người đứng đầu Đảng ta. Đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Tổng Bí thư là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã làm được nhiều việc, không để các vụ án chìm xuồng, kể các vụ án liên quan đến lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.”
Trong cuộc sống đời thường, đồng chí luôn sống giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, chân thành, xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, thật sự là tấm gương tiêu biểu để cán bộ, đảng viên noi theo.
Mỗi khi muốn nói thay lời tâm sự lòng mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc lại một vài câu trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!”./.