Chiều 24/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.
Tham dự phiên họp có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí lãnh đạo các bộ ngành, thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các địa phương.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo (gồm Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm Cứu nạn) thành Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian qua; phân tích các bài học kinh nghiệm; xác định nhiệm vụ trong những tháng cuối năm và cả giai đoạn tới.
Theo các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được triển khai quyết liệt theo tinh thần “từ sớm, từ xa”, liên tục, sâu sát. Có thời điểm, cả Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng đều trực tiếp có mặt ở những điểm nóng mưa lũ để chỉ đạo khắc phục hậu quả. Các đồng chí lãnh đạo địa phương cũng thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các lực lượng tại chỗ thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn trước đây, nay là Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia và ban chỉ huy các cấp đã phát huy vai trò trung tâm, quán triệt sâu sắc phương châm hành động: “chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất”. Phương châm “bốn tại chỗ” đã được phát huy hiệu quả, đặc biệt là khơi dậy được sự chủ động của người dân và vai trò trung tâm của chính quyền cơ sở; huy động sức mạnh tổng lực, góp phần giảm thiểu những thiệt hại nặng nề hơn có thể xảy ra.
Hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ – lực lượng nòng cốt, xung kích, “chiến đấu trong thời bình” được huy động, không quản ngại hiểm nguy, có mặt ở những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất , để di dời dân, đảm bảo an ninh trật tự và tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Cùng với đó, các đại biểu cũng thảo luận, phân công, phân định nhiệm vụ tham mưu chỉ đạo phòng, chống thiên tai trong thời gian tới; đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đặc biệt, lãnh đạo một số đơn vị cấp xã đã trực tiếp báo cáo tại phiên họp.
Lãnh đạo xã Mường Xén, tỉnh Nghệ An cho biết, từ tối ngày 21/7, mưa lớn trên địa bàn, nước sông Nậm Mộ dâng nhanh, tràn vào các khu vực dân cư ven sông ở thị trấn Mường Xén. Nhiều nơi ngập sâu từ 1-4 m, buộc người dân phải di dời khẩn cấp. Có khoảng 10-20 bản tại xã Mường Xén bị ngập từ 1 đến 3,5 m. Một số tuyến đường bị sạt lở gây cô lập hoàn toàn; toàn bộ địa bàn xã Mường Xén bị chia cắt, mất điện, mất sóng điện thoại; mất nước sinh hoạt tại nhiều khu vực. Đến nay, nước đã rút, nhưng nhiều tuyến đường vẫn còn ngập trong bùn đất, có đoạn lớp bùn cao tới hơn 3 m.
Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tuy nhiên, nhiều tài sản và hoa màu đã bị cuốn trôi và hư hại; 9 nhà bị sập hoàn toàn, 8 nhà khác đang có nguy cơ sập.
Về công tác ứng phó, ngay trong đêm 21/7 và sáng ngày 22/7, các lực lượng, chính quyền xã đã di dời hàng trăm hộ dân ở vùng nguy hiểm. Đặc biệt trong đêm 21/7, đã kịp thời giải cứu 3 hộ gia đình với 9 người bị mắc kẹt trên mái nhà giữa dòng nước chảy xiết tại khối 5 và khối 3.
Sau khi nước rút, chính quyền đã huy động máy móc và nhân lực để dọn dẹp bùn đất, thông đường, khôi phục cơ sở hạ tầng, Quốc lộ 7 và trụ sở các cơ quan. Về kế hoạch tiếp theo, xã sẽ tiếp tục tập trung dọn dẹp, khôi phục cơ sở hạ tầng, thông tuyến giao thông và đánh giá thiệt hại để hỗ trợ người dân ổn định đời sống, tiếp tục sản xuất.

3 nguyên tắc trong phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các báo cáo, ý kiến đã cho thấy bức tranh tổng thể về hoạt động phòng thủ dân sự nói chung và công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn nói riêng.
Thời gian qua, tình hình thiên tai trên toàn cầu xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn, sức tàn phá ngày càng nặng nề, vượt qua mọi kỷ lục. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai. Năm 2024 và 7 tháng đầu năm 2025 là một giai đoạn hết sức cam go, toàn quốc đã xảy ra hơn 10.200 sự cố, thiên tai, làm 1.389 người chết, 398 người mất tích và thiệt hại vật chất rất lớn.
Riêng cơn bão số 3 (Yagi) năm 2024, mạnh nhất trong 70 năm trên đất liền, cùng mưa lũ sau đó đã tàn phá nặng nề 26 tỉnh thành phía Bắc, cướp đi sinh mạng của 345 đồng bào ta và gây thiệt hại kinh tế gần 85.000 tỷ đồng, giảm 0,25 điểm phần trăm tăng trưởng năm 2024.
Xu thế cực đoan, dị thường của thời tiết và thiên tai tiếp tục diễn ra trong 7 tháng năm 2025, với 114 người chết, mất tích và thiệt hại kinh tế trên 553 tỷ đồng.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, thực tiễn trên đòi hỏi chúng ta đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa.
Theo Thủ tướng, trong hoạt động phòng thủ dân sự phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản: Phòng ngừa phải từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, an toàn, hiệu quả; khắc phục phải chung tay, cơ bản, toàn dân, toàn diện, toàn phần.

Coi trọng sự sống, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết
Theo Thủ tướng, đối mặt với những diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khốc liệt, dưới sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, nhất là các lực lượng tuyến đầu, lực lượng quân đội, công an đã luôn sẵn sàng vào cuộc, hỗ trợ người dân, đồng thời phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” được phát huy, qua đó giảm tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân.
Thủ tướng lấy ví dụ, tới thời điểm chiều ngày 24/7, đã có 6 chuyến bay trực thăng của Bộ Quốc phòng với 18 tấn hàng được đưa tới các xã của Nghệ An và các chuyến bay sẽ được tiếp tục.
Nhìn rộng hơn, về tổng nguồn lực huy động từ Trung ương và toàn xã hội cho ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Chính phủ đã huy động 5.530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 để hỗ trợ các địa phương. Về hiện vật, đã xuất cấp 1.052 tấn gạo, 629 tấn hạt giống các loại và 90.000 lít hoá chất khử trùng từ dự trữ quốc gia.
Các địa phương cũng nỗ lực rất lớn trong việc khắc phục hậu quả thiên tai. Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động bố trí nguồn lực 1.000 tỷ đồng, cấp 180 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng và các địa phương trong tỉnh đã tự cân đối gần 200 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại. Tỉnh Lào Cai, tổng kinh phí khắc phục hậu quả là 2.732 tỷ đồng.
Trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ to lớn, kịp thời của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng cho biết các quốc gia, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ đã hỗ trợ Việt Nam trên 25 triệu USD cùng với 222 tấn hàng cứu trợ, thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể đã huy động nguồn lực xã hội hóa lên tới gần 3 nghìn tỷ đồng.
Trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, công tác phòng thủ dân sự, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn vẫn được duy trì liên tục, cơ bản thông suốt.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, của đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhiều đồng chí đã ngày đêm không quản ngại gian khổ, hiểm nguy để bảo vệ an toàn cho nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ thiệt hại về người vẫn còn rất lớn với 519 người chết, mất tích trong năm 2024 và 114 người chết, mất tích trong 7 tháng đầu năm 2025. Công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tiễn; vẫn còn có trường hợp chủ quan.
Năng lực chống chịu của hạ tầng KTXH còn nhiều hạn chế (hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực…), các tuyến đê biển hiện nay phần lớn chỉ được thiết kế chống bão cấp 9-10 nhưng thực tế đã phải hứng chịu bão cấp 11-12, hạ tầng giao thông dễ bị chia cắt, như cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C bị sập. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn thiếu, thô sơ, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tìm kiếm cứu nạn.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo, cảnh báo; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, bám sát thực tiễn để phân tích, đánh giá và quyết định phải rất thận trọng, cương quyết, coi trọng sự sống, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các cơ quan và với người dân.

Thay đổi căn bản tư duy về phòng chống thiên tai
Thời gian tới, Thủ tướng cho biết dự báo diễn biến thiên tai năm 2025 là hết sức phức tạp, đặc biệt là những tháng 8, 9, 10 sắp tới và thực tiễn những năm qua cho thấy có nhiều diễn biến thiên tai không theo quy luật.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải thay đổi căn bản về tư duy: Dứt khoát chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó phải hiệu quả, kịp thời, khắc phục phải hiệu quả; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, xây dựng xã, phường, đặc khu là pháo đài, lấy quản lý rủi ro thiên tai làm trọng tâm trong mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Hoàn thiện về thể chế phù hợp tình hình mới; tạo đột phá về năng lực dự báo, năng lực ứng phó và năng lực khắc phục hậu quả, đặc biệt là đầu tư hạ tầng cần thiết, bảo đảm “bốn tại chỗ”.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện bộ máy từ Trung ương tới cơ sở về phòng thủ dân sự quốc gia, trong đó Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan liên quan.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chủ động tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, địa bàn được giao, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quản lý của Nhà nước, Chính phủ và chính quyền địa phương, Nhà nước; lãnh đạo, chỉ đạo phải thường xuyên, liên tục, bao trùm, toàn diện, thực hiện nghiêm các quy định, không để bị động, bất ngờ, không để gián đoạn.
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát với phương châm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, bảo đảm phân công “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng duy trì nghiêm công tác ứng trực phòng thủ dân sự các cấp, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống xảy ra; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về công tác dự báo; phối hợp với Bộ VHTT&DL và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương thực hiện công tác tuyên truyền về phòng thủ dân sự; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành , địa phương xây dựng, triển khai Hệ thống Tổng đài 112 phục vụ cho tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố, thảm họa đảm bảo thông suốt, không bị gián đoạn; tổ chức xây dựng lực lượng phòng thủ dân sự chuyên trách, kiêm nhiệm tinh, gọn, mạnh; đổi mới công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập sát yêu cầu nhiệm vụ và vùng miền.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ứng phó thảm họa cháy lớn ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng vũ trang và đơn vị liên quan tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng, ứng phó sự cố, thảm họa theo quy định; chủ trì nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng sự cố, thảm họa để kích động chống phá; tuyên truyền, trao đổi thông tin để các bộ, ngành, địa phương tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nhận thức, phòng tránh.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hậu quả thảm họa thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai; cứu trợ đột xuất các đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố, thiên tai, thảm họa; thực hiện tuyên truyền về phòng thủ dân sự theo lĩnh vực quản lý.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng được giao chủ trì công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; truyền phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đến tổ chức, cá nhân phục vụ hoạt động phòng thủ dân sự; thực hiện nhiệm vụ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông; ban hành văn bản hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai; hướng dẫn hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở; xây dựng và công bố sách trắng về phòng, chống thiên tai hằng năm; chỉ đạo, tổ chức xây dựng tài liệu, hướng dẫn, tập huấn, phổ biến, thông tin truyền thông qua nền tảng mạng xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai.



Bộ Y tế chịu trách nhiệm công bố, thông tin về tình hình dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng và biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương, các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng, huấn luyện lực lượng huy động ngành y tế; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính quy hoạch, đầu tư hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân dân y khu vực biên giới, trên biển, đảo, tăng cường năng lực hệ thống y tế phòng thủ dân sự.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng đề xuất thành lập, ban hành Quy chế hoạt động Quỹ Phòng thủ dân sự Trung ương; cân đối, ngân sách đầu tư phát triển trong dự toán ngân sách hằng năm bố trí cho các dự án đầu tư phát triển thuộc lĩnh vực phòng thủ dân sự; chủ trì, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập và ban hành quy chế hoạt động Quỹ Phòng thủ dân sự cấp tỉnh.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ có những giải pháp hiệu quả tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là AI, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; cải tiến, nâng cấp các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường yếu tố dự báo, bảo đảm giám sát thời gian thực, thiết lập bản đồ rủi ro, vùng ngập lụt, cảnh báo sớm thiên tai.
Các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về phòng thủ dân sự. Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp với cơ quan, tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng thủ dân sự; huy động đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động phòng thủ dân sự.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kịp thời kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng thủ dân sự; tổ chức lực lượng, phương tiện của mình làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.

‘Tin bão phải đi nhanh hơn gió bão’
Với các địa phương, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các xã, phường, đặc khu phải là một “tư lệnh chỉ huy” về phòng thủ dân sự trên địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu kiện toàn ngay Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh và chỉ đạo kiện toàn ở cấp xã, đảm bảo một hệ thống chỉ huy thống nhất, thông suốt, hiệu quả; rà soát, cập nhật lại toàn bộ phương án ứng phó; nắm chắc và phát huy thực chất phương châm “bốn tại chỗ”, chủ động giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, khu vực đổ thải để xử lý khẩn cấp các sự cố sạt lở, ách tắc giao thông; chịu trách nhiệm trực tiếp về năng lực của cấp xã, năng lực của xã là thước đo năng lực chỉ đạo của tỉnh, phải thường xuyên kiểm tra, huấn luyện, trang bị và đầu tư cho cấp xã.
Thủ tướng yêu cầu các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu xây dựng lực lượng xung kích tại chỗ phù hợp; lập phương án sơ tán đến từng hộ dân; truyền tin cảnh báo sớm nhất, dễ hiểu nhất.
“‘Tin bão phải đi nhanh hơn gió bão’, phải dùng mọi phương tiện như loa truyền thanh, Zalo, gõ kẻng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, thông điệp phải thật ngắn gọn, rõ ràng, ví dụ như: ‘Bão sắp vào, yêu cầu sơ tán ngay! Chính quyền hỗ trợ, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản!'”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, chủ động hậu cần tại chỗ, phải có phương án đảm bảo người dân có đủ lương thực, nước uống trong ít nhất 24-48 giờ đầu tiên khi bị chia cắt. Phải kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi trên nỗi đau của người dân. Tổ chức tuần tra, canh gác và cưỡng chế khi cần thiết, phải cương quyết, không nể nang để người dân đi vào vùng nguy hiểm.




Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương nhanh chóng đề xuất khắc phục hậu quả thiên tai thời gian qua, bảo đảm kịp thời, chính xác, sát thực tế; các bộ ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau và với các cơ quan dự báo của các nước, quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, làm tốt hơn nữa công tác dự báo, công tác chuẩn bị, công tác phối hợp để nâng cao hiệu quả phòng thủ dân sự; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ đôn đốc, kiểm tra, người dân là trung tâm, là chủ thể trong công tác phong thủ dân sự, mọi chính sách phải hướng tới người dân và mọi người dân phải tham gia thực hiện; từ đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đã đề ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,3-8,5% trong năm nay và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Hà Văn