Thống nhất nâng mức hỗ trợ lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời nêu rõ, “không có lý do gì để người dân ở trong nhà tạm, dột nát”.
Sáng 10/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Hoàn thành xoá nhà tạm, dột nát trong năm 2025
Theo người đứng đầu Chính phủ, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Vì vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải tạo phong trào, xu thế, tổ chức như ngày hội, như chiến dịch, làm việc với tất cả tâm đức vì người nghèo, người có công với cách mạng để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Ông yêu cầu phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu: Hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, tập trung huy động nguồn lực xã hội hoá kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành đồng thời cả 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công. Hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước.
Để hoàn thành mục tiêu này, Thủ tướng quán triệt tinh thần phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm; đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện.
“Đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể, hiệu quả cân đong đo đếm được”, Thủ tướng nói và yêu cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương phải xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.
Ông cũng yêu cầu đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm.
Trung ương dành nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra.
Người đứng đầu Chính phủ đồng thời kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với tinh thần: “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”.
Nâng mức hỗ trợ ngay từ ngày hôm nay
Theo Thủ tướng, sau 80 năm thành lập nước, đến nay thu nhập bình quân đầu người đã hơn 4.300 USD, quy mô nền kinh tế Việt Nam gần 500 tỷ USD, không có lý do gì để người dân ở trong nhà tạm, dột nát.
Ông thống nhất từ ngày hôm nay, nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới (hiện là 50 triệu đồng) và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa (hiện là 25 triệu đồng); cùng với ngân sách Nhà nước thì cần khuyến khích các hình thức xã hội hoá.
Về phương châm, trách nhiệm của địa phương trong việc huy động hỗ trợ, giải quyết số hộ phát sinh, Thủ tướng chỉ rõ đây là trách nhiệm của địa phương, cần đề cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vận động nguồn lực thực hiện, không ỷ lại vào Trung ương.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện vai trò điều phối, nắm tình hình, tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, hướng dẫn các vấn đề còn vướng mắc về thủ tục.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì đề xuất, bố trí, hướng dẫn về ngân sách Nhà nước; yêu cầu việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi ngân sách Nhà nước, kinh phí hỗ trợ nhà ở từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia phải bảo đảm thuận lợi, nhanh chóng, xóa cơ chế “xin-cho”, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Ông đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; kiểm tra, giám sát đối với việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước.
Báo cáo chi tiết về tình hình hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, cả nước còn khoảng 106.000 hộ người có công khó khăn về nhà ở. Tổng kinh phí dự kiến khoảng trên 4.000 tỷ đồng (mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng, mức hỗ trợ sửa chữa là 30 triệu đồng).
Về hỗ trợ nhà ở từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia, ước đến hết năm 2024, tổng số hộ được hỗ trợ nhà ở từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 60.040 hộ (ngân sách Trung ương đã bố trí hơn 2.300 tỷ đồng).
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất bố trí kinh phí năm 2025 nguồn ngân sách Trung ương là hơn 1.266 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa khoảng gần 40.000 căn còn lại.
Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát vào ngày 5/10/2024 đã huy động được 5.932 tỷ đồng.
Hương Giang