Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa phiên giao dịch 20/6, thị trường hàng hoá biến động trái chiều sau ngày nghỉ lễ của Mỹ.
Nhóm kim loại đồng loạt bật tăng, trong khi nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp chịu nhiều sức ép đã kéo chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,21% về 2.298 điểm.
Kim loại quý tiếp đà hồi phục khi áp lực vĩ mô suy yếu
Kết phiên hôm qua, sắc xanh tiếp tục chiếm lĩnh trên bảng giá thị trường kim loại. Đối với kim loại quý, do thị trường đóng cửa sớm vào phiên 19/6 khi Mỹ nghỉ lễ Juneteeth, nên giá đóng cửa được tính toán gộp hai phiên 19 và 20/6. Như vậy, kết thúc hai phiên, giá bạc tăng 4,25% lên 30,82 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tăng 0,73% lên 984,3 USD/ounce. Giá kim loại quý đang được hỗ trợ do dữ liệu kinh tế gần đây của Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có dấu hiệu suy yếu, củng cố cho kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua, sau khi tăng lên mức cao nhất 10 tháng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã giảm trở lại, tuy nhiên vẫn cao hơn so với dự báo. Cụ thể, trong tuần kết thúc ngày 15/6, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đạt 238.000 đơn, cao hơn 3.000 đơn so với dự báo, cho thấy thị trường lao động còn yếu. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng chỉ ra hoạt động xây dựng nhà ở mới tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm vào tháng 5.
Loạt dữ liệu yếu kém này kết hợp với doanh số bán lẻ ảm đạm trong tháng trước khiến việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 của Fed vẫn được cân nhắc. Các nhà đầu tư trên thị trường đang dự đoán sẽ có một hoặc nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, bất chấp quan điểm diều hâu hơn của các nhà hoạch định chính sách. Tâm lý lạc quan hơn của thị trường đã giúp dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm kim loại quý, mặt hàng nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ.
Đối với kim loại cơ bản, kết thúc phiên 20/6, các mặt hàng giao dịch trên Sở Giao dịch kim loại London (LME) đồng loạt tăng giá. Trong đó, giá thiếc LME dẫn dắt xu hướng của nhóm khi bật tăng hơn 2%. Theo sau là mức tăng gần 1% của giá nhôm.
Sức ép vĩ mô suy yếu cũng tạo cơ hội cho giá kim loại cơ bản tăng giá trong các phiên gần đây. Bên cạnh đó, tiêu thụ có phần cải thiện tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc cũng giúp hỗ trợ cho giá.
Giá ngô và lúa mì giảm mạnh do triển vọng nguồn cung cải thiện
Mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ, giá ngô đã giảm 2,35% về mức 179,81 USD/tấn, là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Triển vọng thời tiết tốt hơn tại Mỹ là nguyên nhân chính khiến mặt hàng này chịu áp lực bán vào hôm qua.
Tương tự ngô, lúa mì cũng giảm mạnh hơn 2% vào hôm qua, kéo dài đà giảm sang phiên thứ 4 liên tiếp. Tình hình vụ mùa có sự cải thiện tại Nga là yếu tố khiến giá chịu áp lực.
Vào hôm qua, công ty tư vấn IKAR đã nâng dự báo sản lượng lúa mì của Nga lên mức 82 triệu tấn, từ mức 81,5 triệu tấn đưa ra trước đó nhờ việc mưa được dự báo sẽ quay trở lại trong tháng này. Mưa sẽ giúp lúa mì tại Nga phục hồi sau giai đoạn nắng nóng và sương giá vừa qua, cải thiện năng suất cây trồng.