Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp sáng 15/5, với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản, kết nối trực tuyến với một số địa phương về tình hình thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2025.

Nhiều vấn đề tồn tại chậm chuyển biến
Phó Thủ tướng nêu rõ, thị trường bất động sản đang tồn tại nhiều vướng mắc kéo dài, “lúc thì đóng băng, lúc lại sốt nóng bất thường” dẫn tới biến động lớn về giá cả và gây ảnh hưởng dây chuyền tới tín dụng, tài chính. Hiện nay thị trường vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn. Nhiều nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng giá bất động sản ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, trong khi khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày càng giảm. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại.
Mặc dù Chính phủ và Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, báo cáo và đề xuất giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo nào rõ ràng được trình bày. Nhiều vấn đề tồn tại vẫn chưa được giải quyết. Nhiều cuộc họp, hội thảo đã được tổ chức, nhiều kết luận đã được ban hành, nhưng thực tế cho thấy chuyển biến rất chậm.
“Cuộc họp hôm nay cần nhìn nhận rõ bức tranh thị trường bất động sản hiện nay, chỉ ra những điểm sáng – điểm tối, xác định nguyên nhân từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp và đề xuất giải pháp cụ thể lên Quốc hội, Chính phủ”, Phó Thủ tướng nói và chỉ rõ, vấn đề nổi bật của thị trường bất động sản là mất cân đối giữa cung và cầu, cơ cấu sản phẩm bất hợp lý. Nhiều doanh nghiệp thiếu tài nguyên, nguồn lực để phát triển dự án. Thị trường bất động sản cần những “liều thuốc mạnh” và thực chất hơn.
“Nếu vấn đề nằm ở đất đai thì phải xử lý đất đai; nếu là tín dụng thì phải xử lý tín dụng; nếu là thủ tục thì phải cải cách thủ tục cho thực chất; đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát để đảm bảo hoạt động kinh doanh bất động sản đi đúng hướng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thị trường mới chỉ qua giai đoạn khó khăn nhất
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I/2025, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, có 14 dự án hoàn thành với quy mô hơn 3.800 căn (bằng 140% so với cùng kỳ); cấp phép mới cho 26 dự án với khoảng 15.800 căn (bằng 136% so với cùng kỳ); 59 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với hơn 19.700 (bằng 155% so với cùng kỳ); 994 dự án đang triển khai xây dựng với gần 400.000 căn hộ.
Đối với các dự án đầu tư xây dự hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất để người dân xây dựng nhà ở có 17 dự án hoàn thành với quy mô 4.414 lô/nền (bằng 81% so với cùng kỳ); 490 dự án đang triển khai với khoảng 19.000 lô/nền (bằng 94% so với cùng kỳ); 11 dự án được cấp phép mới với khoảng 3.400 lô/nền (bằng 91% so với cùng kỳ).
Lượng giao dịch bất động sản thành công đạt 33.585 căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ; 101.049 lô/nền.
Giá bất động sản tiếp tục xu hướng tăng, đặc biệt xuất hiện tình trạng tăng giá nhanh cục bộ tại một số địa phương sau thông tin sáp nhập, đặt cơ quan hành chính mới.
Dư nợ tín dụng bất động sản đạt trên 1.563 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn FDI, tính đến hết tháng 3/2025, đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 44% so với cùng kỳ.
Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tháo gõ khó khăn, vướng mắc cho 136/788 dự án bất động sản.
Về nhà ở xã hội, cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với 9.737 ha đất để làm nhà ở xã hội; đã hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn; khởi công 152 dự án với khoảng 131.000 căn; 419 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với 419.000 căn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá nguồn cung bất động sản vấn mất cân đối về cơ cấu nguồn cung, giá tăng cao nên chưa đáp ứng được được nhu cầu nhà ở của người dân.
Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, thời gian thực hiện trình tự, thủ tục kéo dài. Một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn triển khai dự án.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu nhận định, thị trường có dấu hiệu phục hồi nhẹ, và mới vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, giá nhà đang “đứng lại ở mức cao”, chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Dự kiến, đến năm 2026-2027 mới có thêm nguồn cung nhà ở thương mại phân khúc trung bình.