Thủ tướng yêu cầu thành lập đoàn đàm phán với Hoa Kỳ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn, xây dựng phương án phù hợp nhằm bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Chiều 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ về việc ứng phó với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.
Cuộc họp cũng bàn về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Theo đánh giá, việc nắm tình hình, phản ứng chính sách, thực thi chính sách của Việt Nam là kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả.
Thực tế cho thấy, việc này đã bước đầu có hiệu quả khi sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đã đồng ý và tuyên bố đàm phán thỏa thuận về thương mại đối ứng với Việt Nam, nhằm mục tiêu giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước, bảo đảm cân bằng bền vững và lâu dài.
Nêu nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải tiếp tục ổn định tình hình trong nước, ổn định lòng dân, ổn định các nhà đầu tư, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu cụ thể, theo người đứng đầu Chính phủ, vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý cần ổn định tâm lý nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp, người dân thích ứng linh hoạt với tình hình mới, giảm phụ thuộc vào một thị trường, thúc đẩy đầu tư của nước ngoài, thu hút FDI tốt hơn, chất lượng hơn.
Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, đây là thời cơ để tái cấu trúc lại nền kinh tế, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy doanh nghiệp lớn lên, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Yêu cầu không để xảy ra thất nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng, nhất là trong các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… để có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Về chính sách tài khóa, các giải pháp giãn, hoãn thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành thì làm ngay. Các chính sách miễn, giảm thuế thì tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ngay Quốc hội ban hành nghị quyết, việc này cần làm nhanh trong tổng thể quan hệ kinh tế đối ngoại, hội nhập; việc hoàn thuế VAT phải nhanh, kịp thời, cắt giảm thủ tục hành chính; mở rộng thêm đối tượng và kéo dài thời gian với chính sách liên quan phí, lệ phí, tiền thuê đất…
Bên cạnh đó, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Tài chính rà soát lại đầu tư công những năm qua, đánh giá trách nhiệm, ai không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, gây lãng phí thì phải có chế tài, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng cũng định hướng các đơn vị đề xuất gói tín dụng ưu đãi với một số lĩnh vực, mặt hàng, như gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, khoa học công nghệ, kích cầu tiêu dùng trong nước, mở rộng các gói tín dụng đang được triển khai hiệu quả.

Cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền theo theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nghị quyết của Chính phủ, phấn đấu năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng tình hình mới cả về lâu dài và giải quyết khó khăn trước mắt; thúc đẩy cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; đẩy mạnh khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khẩn trương triển khai Quỹ hỗ trợ đầu tư, Cổng một cửa đầu quốc gia.
Rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật cản trở sản xuất, kinh doanh, khẩn trương đề nghị Quốc hội dùng sửa một luật sửa nhiều luật; đồng thời rà soát các luật có liên quan kinh tế đối ngoại, đề xuất chính sách với cấp có thẩm quyền.
Về chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, Thủ tướng chỉ đạo rà soát, đề xuất hỗ trợ số lao động bị ảnh hưởng; tiếp tục các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, người nghèo, bảo hiểm xã hội, giải quyết chính sách thất nghiệp; việc này cần làm sớm, báo cáo Chính phủ trước ngày 20/4….
Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ đoàn viên công đoàn trong các ngành bị ảnh hưởng mạnh. Đồng thời, các doanh nghiệp tích cực, chủ động, chuyển đổi thích ứng tình hình mới, ứng dụng khoa học công nghệ, các bộ, ngành, cơ quan, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, vốn, quản lý, mẫu mã, bao bì, bản quyền sở hữu trí tuệ…
Thủ tướng yêu cầu trong ngày mai (11/4), thành lập đoàn đàm phán với phía Hoa Kỳ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn, xây dựng kịch bản, phương án phù hợp, tinh thần là bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Ngoại giao tiếp tục tham khảo ý kiến bạn bè quốc tế; đồng thời bảo đảm thực hiện các cam kết của Việt Nam với các nước và không để gian lận thương mại.