Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.
Hiện, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được hưởng lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và một số chính sách khác. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng thêm một số ưu đãi khác.
Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp, nên các chính sách ưu đãi, thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo chưa đáp ứng được mong mỏi của đội ngũ; đặc biệt là nhà giáo trẻ, mới tuyển dụng. So với mặt bằng chung của xã hội, thu nhập giáo viên, giảng viên trẻ nói chung còn thấp; chưa thực sự đảm bảo được đời sống so với biến động về giá hàng hóa và tình hình kinh tế, xã hội.
Lương nhà giáo chưa đáp ứng được mong đợi theo chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…
Chính sách lương như hiện hành khó thu hút được người tài vào sư phạm, làm việc trong các cơ sở giáo dục; hoặc có người tài nhưng họ chưa toàn tâm, toàn ý tập trung vào thực thi nhiệm vụ công vụ, dẫn đến chất lượng công việc có phần bị hạn chế. Một số địa phương, đặc biệt nơi điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, tình trạng thiếu giáo viên khó khắc phục không phải vì thiếu biên chế mà không có nguồn để tuyển dụng.
Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT đã giao cho các viện nghiên cứu, trường đại học tổ chức nghiên cứu 4 đề tài khoa học cấp Nhà nước, tập trung nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến nhà giáo.
Từ kinh nghiệm thế giới, những nghiên cứu này chỉ ra rằng: Chất lượng của một hệ thống giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ; nhưng chất lượng của nhà giáo phụ thuộc vào các chính sách định hình môi trường làm việc của họ và quy định cách thức lựa chọn, tuyển dụng, phát triển nghề nghiệp.
Hệ thống pháp luật về nhà giáo hiện hành chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo, nhất là hệ thống pháp luật chung về viên chức. Nếu coi nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, “nhân lực của nhân lực” thì điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo; chính sách tiền lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo cũng cần có các quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động của nhà giáo.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trình bày tờ trình về dự án Luật Nhà giáo. Theo đó, một số chính sách đặc thù, có tính chất đột phá sẽ được tính toán nhằm tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo phát triển.
Ngoài lương cơ bản, phụ cấp cao nhất như Kết luận 91/KL-TW đã nêu thì có thêm các chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành Giáo dục, thu hút người có tâm huyết đến công tác ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo; quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý với nhà giáo cấp học mầm non, có trình độ cao…
Những chính sách mới nếu được kiến tạo sẽ là thành tố quan trọng để góp phần tạo nên một môi trường làm việc an toàn – nơi nhà giáo được bảo vệ và đảm bảo về các điều kiện vật chất, tinh thần, an sinh xã hội; từ đó an tâm tập trung chuyên môn, phát triển nghề nghiệp liên tục.
Thầy cô cũng sẽ được ghi nhận xứng đáng đối với đóng góp đạt được để duy trì động lực phấn đấu, tận tụy với nghề; được xã hội tôn vinh tương xứng với vị thế nghề nghiệp, vun đắp thêm niềm tự hào, vinh dự với “nghề” nhà giáo. Khi đó, nghề giáo tự nhiên sẽ có sức hút; trở thành nhà giáo tự khắc là nguyện vọng của những người có năng lực, đam mê.
Thảo Đan