Ngày 19/5 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đồng bào dân tộc Gia Rai đến từ tỉnh Gia Lai đã tổ chức tái hiện lễ mừng chiến thắng của dân tộc mình.
Lễ mừng chiến thắng là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Gia Rai nhằm tạ ơn đấng thần linh sau một năm làm ăn của đồng bào, thể hiện tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết vượt khó của đồng bào dân tộc Gia Rai.

Đây cũng là dịp để toàn thể dân làng người Gia Rai thực hiện lời hứa và trả ơn thần linh sau những đợt chống lại thiên tai, địch họa và cầu xin thần linh tiếp tục giúp đỡ để cộng đồng được mạnh khỏe, bình yên với những vụ mùa được tươi tốt.

Theo quan niệm của người Gia Rai, chung quanh cuộc sống của họ có nhiều vị thần phải khấn vái cầu nguyện mới được tồn tại, đó là: Bok Glaih (thần sấm sét), Yang Sri (thần lúa), Yang Đak (thần nước), Yang Kông (thần núi)…


Nghi lễ cúng “mừng chiến thắng” gồm ba phần. Đầu tiên là lễ kính báo với ông bà (atâu); tiếp theo là lễ kính báo về việc chôn cột gưng (kơpô) đâm trâu; phần lễ cuối cùng là đưa trâu cột vào gưng được làm bằng vỏ cây rừng, tiến hành đâm trâu, giết mổ lợn gà đặt lên bàn cúng.

Các già làng uống ghè rượu cúng đầu tiên, sau đó mời tất cả dân làng cùng uống. Đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu các bài chiêng truyền thống, các cô gái múa xoang theo nhịp chiêng rộn ràng vòng quanh cây nêu, các cụ già thì ngồi kể khan, hát dân ca cho nhau nghe. Họ cùng nhau tận hưởng những thành quả của ngày lễ, sự ban thưởng của thần linh và ngày hội được kéo dài.




Lễ hội mừng chiến thắng của đồng bào Gia Rai góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đồng thời bảo tồn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Phương Nam