Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang xem xét, sửa đổi Luật Quảng cáo, với nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, dự thảo Luật đề xuất hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo ngoài trời…
Tăng diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên truyền hình
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi quy định về hoạt động quảng cáo trên báo in. Theo đó, diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo, hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Đồng thời, tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền; trong chương trình phim truyện; thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ, hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động.
Về quảng cáo trên mạng, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
Đồng thời, quy định trách nhiệm thông báo thông tin liên hệ; giải pháp kỹ thuật kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm; quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng vi phạm; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu…
Thảo luận tại tổ về dự án Luật này, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đoàn tỉnh Đắk Nông) đánh giá rất cao việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng các quy định điều chỉnh hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.
Đồng thời, đại biểu đề nghị, cần phải quy định đảm bảo bao quát, hài hòa và đầy đủ trách nhiệm của tất cả các bên tham gia vào chuỗi hoạt động quảng cáo, từ nhãn hàng – nhà sản xuất phim quảng cáo – đại lý quảng cáo – nền tảng mạng truyền phát quảng cáo – người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Đối với quảng cáo ngoài trời, đại biểu cho biết, các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời gặp rất nhiều khó khăn, kể cả quảng cáo qua hình thức hiện đại như màn Led, vì vậy, cần điều chỉnh các quy định về quy hoạch liên quan đến quảng cáo, cân nhắc đưa nội dung quy hoạch quảng cáo tích hợp vào pháp luật khác chuyên ngành.
Đại biểu Phạm Nam Tiến ủng hộ tăng diện tích quảng cáo trên báo in. Dẫn quy định của Luật Quảng cáo năm 2012 quy định diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo, đại biểu cho rằng, việc tăng diện tích quảng cáo trên báo in là phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn tỉnh Thái Bình) cho biết, hiện nay, trước sự phát triển của quảng cáo trên mạng, thị phần quảng cáo trên báo in đã giảm mạnh. Tán thành với quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính, nhưng đại biểu cũng cho rằng, việc điều chỉnh tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo in chưa giải quyết căn bản khó khăn của các cơ quan báo chí trong việc thực hiện tự chủ tài chính.
Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi của độc giả, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau.
Chuyển đổi tư duy xin – cho sang tư duy hậu kiểm
Đại biểu Nguyễn Văn Dương (Đoàn tỉnh Tiền Giang) nêu thực trạng vi phạm về quảng cáo dịch vụ và biển hiệu hiện nay. Đại biểu kiến nghị xem xét, bổ sung các quy định về việc đặt tên cơ sở y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quy định siết chặt quy trình thẩm định và từ chối cấp phép đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cơ sở khám, chữa bệnh có tên đăng ký không đúng hình thức tổ chức được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh…
Theo đại biểu Nguyễn Văn Quân (Đoàn tỉnh Hậu Giang), cần chuyển đổi tư duy xin – cho sang tư duy hậu kiểm, công nhận và chứng nhận, phải giải quyết được vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng. “Luật sửa đổi cần lấp “lỗ hổng” về quản lý quảng cáo trên không gian mạng, bởi hành vi này đã gây ảnh hưởng lớn đến tiền của, tinh thần của người dân khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Thị Hồng An (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị tiếp tục sửa đổi các quy định theo hướng đẩy mạnh việc phân định thẩm quyền, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo cho chính quyền các cấp; cắt, giảm các thủ tục hành chính không còn phù hợp; giảm một số trường hợp phải xin giấy phép thay đổi bằng hình thức hậu kiểm, tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
Đồng thời bổ sung các quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia quảng cáo trên mạng, cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn tỉnh Bắc Giang) đề cập đến thực trạng các biển quảng cáo dọc các tuyến quốc lộ và các trục đường giao thông đã rách, hư hỏng, ảnh hưởng đến mỹ quan và trật tự an toàn giao thông nhưng chưa được tháo gỡ và xử lý kịp thời.
Vì vậy, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị người quảng cáo, người cho thuê địa điểm, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người cho thuê phương tiện quảng cáo… đều phải có trách nhiệm liên quan đến việc tháo dỡ phương tiện quảng cáo này khi hết hợp đồng quảng cáo; hoặc phải tháo dỡ, chỉnh trang, tu sửa khi các biển quảng cáo bị hư hỏng…
Phương Thảo