Ngày 9/5, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tham gia ý kiến về các nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2023/NĐ-CP và Thông tư 32/2023/TT-BYT liên quan tới việc triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội Khoá 15 thông qua vào tháng 1/2023 và có hiệu lực từ 1/1/2024. Trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh một số bất cập cần điều chỉnh, sửa đổi.
Là cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Bộ Y tế đề nghị các đại biểu là đại diện các bộ, ngành liên quan, các Sở y tế, Bảo hiểm xã hội, các trường đại học y dược, các hiệp hội, bệnh viện tư nhân… tập trung thảo luận, góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 96/2023/NĐ-CP và Thông tư 32/2023/TT-BYT, nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp thực tiễn khi triển khai.
Một số phát sinh trong triển khai thực tiễn
Theo các quy định hiện hành, văn bằng chuyên môn do nước ngoài cấp chưa có cơ sở đối chiếu tương đương theo khung trình độ 8 bậc của Việt Nam. Vì vậy, các Sở Y tế chưa có đủ cơ sở xem xét, đối chiếu điều kiện liên quan đến văn bằng chuyên môn của người nước ngoài.
Hệ thống văn bằng đào tạo của nước ngoài không tương đương về phạm vi hành nghề ở nước ta. Một số văn bằng không ghi rõ chuyên khoa, hoặc không có hệ thống chuyên khoa đó tại Việt Nam, dẫn đến không thể sử dụng là căn cứ để cấp phạm vi hành nghề, ví dụ như chuyên khoa thần kinh cột sống, chuyên khoa y học tự nhiên.
Đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà, theo quy định trước đây có thể thực hiện một số kỹ thuật chuyên môn tại nhà bệnh nhân, tuy nhiên cơ sở dịch vụ điều dưỡng hiện nay không có trong quy định tại Nghị định 96/2023/NĐ-CP, nên dẫn đến bất cập trong quản lý.
Các văn bản pháp quy hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về diện tích và số giường lưu tối thiểu đối với phòng lưu bệnh của các phòng khám chuyên khoa có thực hiện thủ thuật. Phòng lưu bệnh đối với phòng khám chuyên khoa quy định tối thiểu là 12m2 trong khi Nghị định 96/2023/NĐ-CP không có.
Một bất cập nữa là, các quy định hiện nay chưa nêu rõ việc thực hành đối với bác sỹ chuyên khoa (thực hành ở đâu, thực hành như thế nào và trong bao lâu), chưa quy định rõ về khung chương trình thực hành, chưa rõ quy định người ký giấy xác nhận thực hành phải chịu trách nhiệm về việc cơ sở đủ điều kiện thực hành, người hành nghề đã tham gia thực hành đúng chương trình, bảo đảm chất lượng thực hành; chưa rõ quy định về việc công nhận quá trình thực hành tại nước ngoài.
Liên quan đến điều kiện của người chịu trách nhiệm chuyên môn phải là người có phạm vi hành nghề phù hợp với chuyên khoa lâm sàng. Hiện, Nghị định 96/2023/NĐ-CP chỉ quy định chung là có phạm vi hành nghề phù hợp, người chịu trách nhiệm phải là bác sỹ.

Người đứng đầu chuyên môn có cần toàn thời gian tại cơ sở hay không?