Sáp nhập phường, xã liên quan đến đặt lại tên địa danh.
Với địa danh nổi tiếng, gắn với tác phẩm văn học, quê quán danh nhân được nêu trong sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương, giáo viên phải cập nhật các văn bản để giới thiệu đầy đủ thông tin đến học sinh.
Cung cấp đủ thông tin gốc và mới
Giáo viên khối lớp 4, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vừa được Ban giám hiệu chuyển Thông báo số 410 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Trong đó, giáo viên lưu ý thông tin xác định địa giới hành chính giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, “Hội đồng thẩm định thống nhất với đề xuất của Bộ Nội vụ xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng theo hướng: Tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý khu vực Bắc núi Hải Vân; thành phố Đà Nẵng quản lý hòn Sơn Chà và khu vực Nam núi Hải Vân”.
Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, đây là những thông tin mang tính chính thống, bổ sung kiến thức cho Chủ đề 1: Địa phương em (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Bài 1 & 2 môn Lịch sử và Địa lý lớp 4 thuộc bộ Kết nối tri thức và cuộc sống.
Với những địa danh nổi tiếng, gắn với tác phẩm văn học, quê quán danh nhân được nêu trong sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương, nếu có thay đổi trong địa giới hành chính, ví dụ như liên quan đến sáp nhập phường, xã thì phải gắn liền với địa danh gốc. Giáo viên cần cung cấp đầy đủ thông tin trước đây và hiện nay thế nào.
Bày tỏ quan điểm, thầy Nguyễn Văn Tuấn – Tổ trưởng tổ Lịch sử – Địa lý, Trường THCS Nguyễn Huệ (Hải Châu, Đà Nẵng) nêu ví dụ: Dự kiến sắp tới, phường Hải Châu 1 và phường Hải Châu của quận Hải Châu (Đà Nẵng) sẽ sáp nhập và lấy tên gọi Hải Châu.
Khi giới thiệu đình làng Hải Châu, ngoài những thông tin đã đề cập trong tài liệu giáo dục địa phương, giáo viên phải giới thiệu thêm trước đây, di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia này thuộc phường Hải Châu 1; cùng đó kèm theo thông tin về thời gian sáp nhập, tên phường mới sau khi sáp nhập để học sinh biết.
“Nguyên tắc khi dạy học có liên quan đến địa danh nổi tiếng thì giáo viên phải cung cấp đầy đủ thông tin nền, bao gồm tên gọi trước đây là gì, quá trình phát triển thế nào, hiện nay tên gọi mới là gì, địa danh tọa lạc ở địa chỉ nào”, thầy Tuấn cho biết.
Cần văn bản chính thống
Thầy Bùi Duy Quốc – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho rằng, với tài liệu giáo dục địa phương, giáo viên có thể chủ động cập nhật nên không có nhiều khó khăn khi dạy – học liên quan đến thay đổi địa giới hành chính, sáp nhập xã phường. Tuy nhiên, với thay đổi liên quan đến các xã, phường ở các tỉnh, thành khác, không phải giáo viên nào cũng cập nhật, nắm bắt kịp thời.
Vì vậy, theo thầy Quốc, những thay đổi liên quan đến địa danh nổi tiếng, gắn với tác phẩm văn học, quê quán danh nhân được nêu trong sách giáo khoa, nhóm chủ biên nên có thông báo với sở GD&ĐT các địa phương.
Đây là cơ quan đầu mối thông báo với trường học, phòng GD&ĐT về những thông tin sáp nhập xã, phường có liên quan đến ngữ liệu trong sách giáo khoa khi chưa kịp chỉnh sửa bản in. “Với cách làm này, thông tin vừa đảm bảo tính chính xác và có độ phủ rộng hơn so với giáo viên và ban giám hiệu các trường tự chủ động cập nhật”, thầy Quốc phân tích.
Liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Hữu Thịnh – Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho rằng, tùy từng môn học để yêu cầu cập nhật chính xác. Ví dụ như quê quán của tác giả trong môn Ngữ văn thì trong quá trình học, học sinh không cần nhớ chính xác đến tận xã, phường, chỉ nhắc đến tỉnh, thành phố hoặc chi tiết đến huyện, thị cũng đã có điểm.
“Có những mở bài, học sinh có thể nhắc đến quê quán của tác giả nhưng có cách mở bài không cần đến thông tin này và không ảnh hưởng gì đến giá trị tác phẩm”, thầy Thịnh viện dẫn. Nhưng một số thông tin về địa danh được đề cập trong tác phẩm thì giáo viên phải chủ động cập nhật để cung cấp cho học sinh trong quá trình giảng dạy.
Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, những thông tin mới liên quan đến sáp nhập xã, phường, giáo viên cần sử dụng những văn bản chính thống trong dạy – học.
“Có thể mỗi trường học có cách làm khác nhau. Nhưng ở trường chúng tôi, ban giám hiệu sẽ chủ động cập nhật các thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính có liên quan đến địa phương, từ cấp xã, phường đến toàn thành phố để gửi các văn bản cho các tổ chuyên môn sử dụng. Đây là sự hỗ trợ để giáo viên thuận lợi trong cập nhật, tìm kiếm thông tin. Trong đó, lưu ý cho giáo viên cung cấp thông tin đầy đủ cho học sinh về tên gọi trước và sau khi sáp nhập”, cô Nguyệt chia sẻ.
Thầy Nguyễn Văn Tuấn – Tổ trưởng tổ Lịch sử – Địa lý, Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết: “Có nhiều tên làng xã, ngoài là một đơn vị hành chính, còn gắn với đặc trưng văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh.
Vì vậy, những thông tin trước và sau khi sáp nhập, giáo viên phải cập nhật và cung cấp thông tin gốc để có sự liền mạch. Điều này càng quan trọng với nội dung giáo dục địa phương, để học sinh thêm hiểu và gắn bó hơn với quê hương xứ sở bắt đầu từ những gì gần gũi nhất”.
Hà Nguyên