Tổng thống Putin tuyên bố, Nga đã sẵn sàng sản xuất các hệ thống trước đây bị cấm theo hiệp ước INF hiện đã không còn hiệu lực với Mỹ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana, Kazakhstan, hôm 3/7/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố:
“Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã sẵn sàng bắt đầu sản xuất các tên lửa tầm trung và tầm ngắn vốn bị cấm theo hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hiện đã không còn hiệu lực với Mỹ”.
“Như tôi đã nói, liên quan đến việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này, và việc Washington thông báo rằng, họ đang bắt đầu sản xuất các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, chúng tôi cũng coi mình có quyền bắt đầu nghiên cứu, phát triển, và trong tương lai là sản xuất. Về nguyên tắc, chúng tôi đã đưa ra các hướng dẫn liên quan cho ngành của mình”, ông Putin nói tiếp.
INF thời Chiến tranh Lạnh đã cấm các hệ thống này, nhưng Mỹ đã rút khỏi hiệp ước này vào năm 2019. Moscow đã chọn duy trì lệnh cấm miễn là Washington cũng tuân thủ nó.
Trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Moscow tuần trước, nhà lãnh đạo Nga cũng đã đề cập đến khả năng nước này có thể tiếp tục sản xuất các hệ thống tên lửa bị cấm trước đây, với lý do là “hành động thù địch” của Mỹ.
“Chúng ta hiện biết rằng, Mỹ không chỉ sản xuất các hệ thống tên lửa này mà còn đưa chúng đến châu Âu, Đan Mạch để sử dụng trong các cuộc tập trận. Cách đây không lâu, có thông tin cho rằng, chúng ở Philippines”, ông Putin giải thích vào thời điểm đó.
Ông chủ Điện Kremlin cho biết, động thái của Washington khiến Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khôi phục các chương trình tên lửa tầm trung và tầm ngắn, đồng thời nói thêm rằng, chúng sẽ được triển khai “dựa trên tình hình thực tế, nếu cần thiết”.
Hiệp ước INF được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km.
Hiệp ước không ảnh hưởng đến các hệ thống trên không hoặc trên biển có cùng tầm bắn. Điều này đã giúp giảm bớt căng thẳng về việc triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Nga với tư cách là nước kế thừa Liên Xô tiếp tục tuân thủ hiệp ước, đồng thời nêu lên mối lo ngại rằng, các cơ sở của Mỹ ở Đông Âu – bề ngoài được thiết kế như hệ thống phòng thủ tên lửa – đã vi phạm hiệp ước vì các bệ phóng của chúng cũng có khả năng triển khai đạn tấn công mặt đất.
Năm 2019, Washington đã rút khỏi hiệp ước, cáo buộc Moscow vi phạm mà không đưa ra bằng chứng để chứng minh cho tuyên bố đó.
Tổng thống Nga Putin từng cảnh báo việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Theo RT