Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007) có diện tích hơn 46.480 ha, trong đó có trên 40.100 ha rừng đặc dụng. Vùng đệm của Khu bảo tồn có hơn 120 bản thuộc 15 xã của 5 huyện miền núi Nghệ An, trong đó cư dân người Thái chiếm hơn 90%. Hiện đang là cao điểm người dân ở các bản thu hoạch lúa vụ Xuân. Do nằm sâu trong đại ngàn, người dân chủ yếu thu hoạch lúa theo phương thức thủ công nên bức tranh mùa gặt mang đậm nét độc đáo, đặc trưng của những tiểu vùng văn hóa Thái.
Rộn ràng mùa vàng
Na Kho là một trong 4 bản của xã miền núi Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An) nằm biệt lập trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, cách trung tâm xã khoảng 15 km. Khoảng 80 năm trước, đồng bào Thái đã xuyên rừng Pù Huống, men theo chân núi Pù Hiêng, ngược dòng Nậm Kho rồi định cư, lập bản dưới chân núi trong thung lũng bao bọc tứ bề là núi cao, rừng già. Sau gần 80 năm lập bản, đến nay, Na Kho có gần 80 hộ, hơn 370 nhân khẩu. Từ công cuộc khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước và quá trình ngược ngàn ngăn suối, “dẫn thủy nhập điền”, cả bản có hơn 12 ha ruộng bậc thang luôn đủ nước tưới, trồng được 2 vụ lúa/năm.
Những ngày qua, tranh thủ thời tiết khô ráo, nắng đẹp, thuận lợi cho việc gặt hái, phơi khô lúa, rơm rạ, người dân trong bản huy động nhân lực để thu hoạch lúa Xuân. Cứ sáng sớm tinh mơ, khi sương đêm còn chưa tan, mây mờ còn bảng lảng, lẩn khuất lưng chừng núi, nhà nhà đã thức giấc, tất bật nổi lửa để làm muối vừng, thổi cơm nếp, chuẩn bị nguồn nước uống mang ra đồng. Việc thu hoạch lúa diễn ra từ sáng sớm cho đến khi mặt trời lặn sau đỉnh Pù Hiêng.
Do đường nội đồng ra ruộng bậc thang nhỏ hẹp nên người dân chỉ mang được những chiếc máy “vò” đơn giản, công suất nhỏ để tách lúa. Để hạt lúa không văng ra xa trong quá trình vò, người dân dùng nhiều lá cọ lựa chọn ở rừng về để che chắn máy. Các công đoạn gặt, vò, phơi, đóng lúa vào bao tải đều diễn ra thủ công trên đồng ruộng. Việc khuân vác, vận chuyển những bao lúa về bản làng thực hiện theo phương thức “gùi” thủ công và dành riêng cho nam giới có sức khỏe. Để tránh nắng, có chỗ nghỉ ngơi, người dân dùng những lá cọ đan thành tấm, dựng lên giữa ruộng.
Theo người dân trong bản, thời điểm thu hoạch lúa là lúc bản làng rộn rã, tất bật nhất trong năm. Nhiều người đi làm ăn xa thu xếp về phụ giúp gia đình gặt hái, vận chuyển nông sản.
Chị Chương Thị Tuyết, bản Na Kho, xã Nga My chia sẻ, vụ Xuân năm nay, gia đình chị gieo cấy 3 sào lúa. So với năm trước, lúa năm nay hạt to, mẩy, chắc hơn. Tuy nhiên, do ruộng nhiều nước, không thể đưa máy móc vào được nên người dân trong bản phải gặt thủ công bằng liềm và vò, phơi lúa ngay tại chân ruộng trước khi gùi lúa về bản. Công việc vất vả nhưng mọi thành viên trong gia đình đều cố gắng.
Anh Lương Văn Lém, bản Na Kho, xã Nga My cho biết, thời tiết nơi thung lũng này thất thường, hay có mưa, dông lốc nên gia đình anh phải huy động toàn bộ nhân lực tham gia gặt 5 sào lúa, cố gắng từ 5 đến 7 ngày là hoàn tất việc gặt hái, phơi, xay lúa.
Theo ông Lữ Văn Uôn, Trưởng bản Na Kho, do gieo cấy đúng khung thời vụ, cây lúa được chăm sóc tốt, ruộng đồng của bản được hai dòng suối Khe Kho, Khe Phai cung cấp đủ nước nên vụ Xuân năm nay, năng suất lúa cao hơn năm trước, đạt gần 60 tạ/ha.
Tại địa bàn xã Nga My, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có hơn 11.300 ha, trong đó 4 trong 9 bản của xã gồm: Canh, Na Kho, Na Ngân, Xốp Kho nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn.
Ông Kha Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã Nga My cho biết, nhiều năm trở lại đây, người dân ở các bản vùng đệm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống chủ yếu gieo trồng lúa nước và tiếp cận, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc, sản xuất nên năng suất lúa hằng năm đều tăng. Nếu không gặp thiên tai, dịch bệnh, bà con tự chủ động được nguồn lương thực quanh năm cho gia đình. Khi an ninh lương thực được đảm bảo, người dân không còn xâm canh vào rừng, hạn chế mức thấp nhất việc tác động, gây sức ép lên rừng đặc dụng để mưu sinh.
Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm
Ông Võ Minh Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống cho biết: Khu bảo tồn trải rộng trên 5 huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Đời sống nhân dân, đặc biệt là người dân vùng đệm còn nghèo, sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào rừng (phát nương làm rẫy, săn bắn, bẫy thú rừng, khai thác lâm, thổ sản…). Cùng với đó, nhận thức của người dân còn hạn chế. Do vậy tạo nên sức ép rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học đối với Khu bảo tồn.
Trước thực trạng đó, những năm qua, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho người dân, chỉ đạo các trạm quản lý, bảo vệ rừng tăng tần suất tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng tại gốc, Ban quản lý Khu bảo tồn chủ động, tranh thủ nguồn lực triển khai các chương trình lâm nghiệp, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, dự án phát triển sinh kế nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Từ đó giảm áp lực cho vùng lõi, rừng đặc dụng.
Đơn cử, đơn vị thực hiện các chương trình, dự án như: Dự án nâng cao năng lực tiến tới thực thi cơ chế đồng quản lý trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh huyện Quỳ Hợp, giai đoạn 2007-2009 do Chương trình dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ; Dự án quản lý, bảo vệ rừng theo Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2008-2010 (Dự án 661), giao khoán một số diện tích rừng khu bảo tồn cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ và hưởng lợi theo chính sách bảo vệ rừng 661…
Ngoài ra có các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt cho dân cư; hỗ trợ trồng rừng từ nguồn tài trợ của Quỹ Unilever Việt Nam; hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho người dân vùng đệm; giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30 a; triển khai Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020…
Giai đoạn 2002-2022, Ban quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống tổ chức giao khoán gần 114.230 ha cho người dân vùng đệm với tổng kinh phí chi trả hỗ trợ gần 30 tỷ đồng và triển khai chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ được gần 2.330 ha với tổng số kinh phí hỗ trợ 5,34 tỷ đồng…
Ông Võ Minh Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống cho biết, qua thực tiễn triển khai các chương trình, dự án, cộng đồng dân cư ở các bản đã có cách nhìn nhận mới và đồng hành với cán bộ kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Đặc biệt, các dự án, chương trình triển khai góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào vùng đệm, từ đó giảm áp lực lên vùng lõi khu bảo tồn một cách rõ nét. Nhiều năm qua, việc người dân phát nương làm rẫy, khai thác khoáng sản trong vùng đệm đã chấm dứt, an ninh rừng của đại ngàn Pù Huống luôn ổn định.
Tài nguyên rừng Khu bảo tồn gắn liền với sinh kế cộng đồng vùng đệm. Để bảo vệ rừng tốt hơn nữa, giai đoạn tới, công tác quản lý, bảo vệ rừng chủ yếu dựa vào cộng đồng. Vì vậy, cán bộ, kiểm lâm phải thường xuyên bám rừng, bám dân; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt, hiệu quả các chương trình lâm nghiệp xã hội vùng đệm, góp phần vào việc ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, để người dân thay đổi nhận thức, chấp hành tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, ông Võ Minh Sơn nhấn mạnh.
Xuân Tiến