Tỉnh Quảng Bình đã sơ tán 287 hộ dân với 1.124 khẩu đến nơi an toàn trước nguy cơ sạt lở.
Chiều 5/11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, từ 0h ngày 3/11 đến 17h ngày 5/11, 287 hộ dân với 1.124 nhân khẩu đã được di dời khỏi nơi có nguy cơ sạt lở cao.
Không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nước lớn đổ về gây ngập cục bộ nhiều điểm thấp trũng, chia cắt nhiều tuyến đường, gây sạt lở một số điểm, chính quyền các địa phương phải di dời người dân đến nơi an toàn.
Tại huyện Lệ Thủy, khi phát hiện vết nứt ở trên đồi (thuộc bản Tân Ly, xã Lâm Thủy) rộng khoảng 5-20cm, dài khoảng 22-25m, cách nhà dân gần nhất khoảng 15m, chính quyền địa phương đã lập tức tổ chức di dời 18 hộ với 82 người tới trụ sở ủy ban và 3 hộ với 15 người đến nhà người thân.
Lực lượng Bộ đội Đồn Biên phòng Làng Ho đã phối hợp với chính quyền xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) di dời 57 hộ với 186 khẩu tới nơi an toàn trước nguy cơ sạt lở.
Mưa lớn từ đêm 4 đến trưa 5/11 đã gây ngập cục bộ ở một số cầu, ngầm tràn và khu vực dân cư.
2 cầu tràn trên đường vào bản Chuối (xã Lâm Hóa) bị ngập từ 0,5-1m, chia cắt cục bộ 19 hộ với 96 khẩu; cầu tràn bản Kè bị ngập sâu khoảng 0,6m chia cắt cục bộ 62 hộ với 256 khẩu.
Khi phát hiện khu vực sạt lở, gần sạt lở trên địa bàn, lãnh đạo huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo lực lượng chức năng di dời 56 hộ với 191 khẩu (15 hộ/56 khẩu xã Thuận Hóa; 39 hộ/129 khẩu xã Đức Hóa; 2 hộ/6 khẩu xã Đồng Hóa).
Riêng huyện Minh Hóa, chính quyền đã tổ chức di dời 156 hộ với 665 khẩu, trong đó xã Hồng Hóa: 94 hộ/420 khẩu; xã Hóa Hợp: 24 hộ/103 khẩu và thị trấn Quy Đạt: 38 hộ/142 nhân khẩu.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc phòng ngừa các tình huống xảy ra, trong đó dự kiến các tình huống liên quan đến di dời những hộ gia đình có nguy cơ bị ảnh hưởng về lũ quét, sạt lở. Đại phương chủ động các nguồn lương thực, điều kiện cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho bà con nhân dân trong thời gian có xảy ra mưa lũ”.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, chính quyền các địa phương cũng đã rào chắn, cắm biển cảnh báo, đồng thời cử lực lượng chức năng ứng trực tại các điểm ngập sâu không cho người và phương tiện qua lại.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số22/CĐ-BCH ngày 2/11/2024.
Trong đó, tập trung khắc phục hậu quả bão số 6 và mưa lũ; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ các bản tin, cảnh báo diễn biến của mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn; rà soát khu vực xung quanh trụ sở, trạm, chốt, lán trại, trường hợp cần thiết để sơ tán người; đảm bảo an toàn khi di chuyển, trong triển khai ứng phó cho người dân.
Tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, mưa lớn khiến 1 người mất tích. Nạn nhân là ông Cao Văn Cường (SN 1971, trú thôn Bắc Hóa, xã Mai hóa, huyện Tuyên Hóa). Ông Cường mất tích khi ra cứu một học sinh bị nước cuốn trôi.
Lực lượng chức năng đang triển khai tìm kiếm người bị nạn.
Lan Nhi