Dù nghỉ ở Nhà hát Kịch Hà Nội đã lâu, nhưng mỗi khi nhắc đến nhà hát, NSND Trần Đức rất tự hào, vì nơi này ghi dấu ấn nghề nghiệp đầu đời của ông.
“Với tôi, được đi quay phim, được lao động là niềm hạnh phúc. Tiền không thành vấn đề, thù lao không phải mối quan tâm lớn. Vấn đề chính là mình được làm việc, được công chúng biết đến. Có những nghệ sĩ về hưu, chỉ một năm không đóng phim mà khi gặp lại trông già nua, lão hóa lắm”, NSND Trần Đức chia sẻ.
Được lao động là hạnh phúc
NSND Trần Đức sinh năm 1954. Ông sinh ra và lớn lên tại phố cổ Hà Nội. Ông có gần 40 năm công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội, sau đó chuyển sang giảng dạy ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho đến khi về hưu.
Dù nghỉ ở Nhà hát Kịch Hà Nội đã lâu, nhưng mỗi khi nhắc đến nhà hát, NSND Trần Đức rất tự hào, vì nơi này ghi dấu ấn nghề nghiệp đầu đời của ông.
“Tôi vào Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 1971, khi ấy Hà Nội vẫn còn đang chiến tranh. Hồi đó, tôi làm tiểu phẩm ở đền Ngọc Sơn và được Sở Văn hóa và Thông tin TP Hà Nội bấy giờ tuyển vào nhà hát.
Tôi đã có thời thanh xuân công tác ở đây, từ những vai diễn đầu đời còn vụng về đến những thành công sau này. Ngày mới vào nghề, tôi từng làm đủ các việc như hậu đài, phục trang, đến vai phụ, sau mới có vai chính”, ông kể lại.
Bước từ sân khấu lên màn ảnh, NSND Trần Đức lại toàn được giao các vai phản diện. Nam nghệ sĩ dí dỏm kể, từ sau khi để kiểu tóc húi cua, các đạo diễn năng tìm đến ông mỗi khi cần người đóng nhân vật phản diện.
Một trong những tác phẩm gây tiếng vang mà NSND Trần Đức tham gia là series “Cảnh sát hình sự”. Trong “Chạy án”, vai diễn của ông là một giám đốc kiêm quan chức chuyên tham nhũng, đục khoét của công và nhận hối lộ. Trong “Đầm lầy bạc”, ông tiếp tục hóa thân thành ông Thọ, một nhân vật tưởng hiền lành, tử tế, nhưng thực chất lại là một tên trùm mafia khét tiếng và vô cùng nguy hiểm.
Ngoài series Cảnh sát hình sự, trong các phim khác, NS Trần Đức cũng đóng đinh với các “vai đểu” như: Giọt nước rơi, Lời thú tội của Eva,… ông vào vai những gã lăng nhăng, đào hoa.
“Ít ai biết rằng, tôi giành Huy chương Vàng trên lĩnh vực sân khấu với những vai hiền lành, tử tế chứ không phải là những vai ác. Tôi được phong NSƯT cũng là từ những vai hiền lành. Nhưng khi sang truyền hình, tôi vô tình được phân vào những vai phản diện, và các đạo diễn cứ quen mặt là mời thôi”, ông tâm sự.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ về một khoảng thời gian ông “chững” phim truyền hình, lý do có phải vì “chán” sự “phản diện” của mình? Nam nghệ sĩ thừa nhận: “Có thời gian dài tôi vắng bóng truyền hình là do tôi chuyển từ nhà hát sang làm giảng viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Công việc của khoa, rồi dạy dỗ sinh viên, lo các em tốt nghiệp khiến thời gian cống hiến phim ảnh ít hơn.
Khi về hưu, tôi có thời gian hơn thì lại quay lại với phim truyền hình. May mắn là sau khi về hưu, tôi không đóng đinh với dạng vai đại gia hay trùm sò mà chuyển sang đóng vai những ông bố hoặc hiền lành, hoặc khó tính, hoặc hào hoa phong nhã như: Nhà trọ Balanha, Tình yêu và tham vọng, Hướng dương ngược nắng, Thương ngày nắng về, Đừng nói khi yêu, Biệt dược đen,… Đây cũng là điều đặc biệt trong sự nghiệp diễn xuất của tôi”.
Từng nổi tiếng với nhiều vai “ông trùm” hoặc đại gia, nhưng từ khi về hưu ông đổi hẳn chất vai sang người chồng sợ vợ, ông bố chiều con. Nhiều khán giả nói vui rằng đây được coi là những vai diễn “hoàn lương” của NSND Trần Đức sau nhiều năm “đóng đinh” với hình tượng ông trùm.
“Với tôi, bây giờ cứ được đi đóng phim là vui rồi. Vai ngắn, vai dài, vai chính, vai phụ… không quan trọng. Truyền hình mời tôi dạng vai nào thì tôi đóng như thế. Nếu được mời đóng những vai dài hơi thì tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian để tham gia.
Còn những vai mới này với tôi cũng chưa hẳn đã lương thiện đâu. Tôi chưa hài lòng. Thực sự tôi cũng chưa gặp được vai nào dấu ấn thật đậm, đầy đủ tố chất và tính cách rõ nét. Những vai diễn kia đều còn hơi “nửa vời”. Tôi thích kiểu những vai ông bố như của Trung Anh, đấy mới là chất sướng. Đúng chất lương thiện”, nam nghệ sĩ tâm sự.
Tuy nhiên, nghệ sĩ Trần Đức cũng bộc bạch rằng ông cảm nhận thích thú với những vai mới này: “Bản thân tôi cũng thích thú hơn, thú vị hơn. Trước kia người ta gặp tôi cứ lắc đầu: Anh kinh quá!/Ông kinh quá! Gái mú suốt,… Đấy là cách khen của họ, nhưng mình chưa thấy “sướng” lắm. Đến dạng vai này khán giả bảo xem anh mãi rồi giờ đổi vai vẫn thấy cuốn hút”.
Thế nhưng, có nhiều đánh giá rằng, cũng như nhiều nghệ sĩ miền Bắc sau khi về hưu lại thăng hoa hơn trong sự nghiệp và NSND Trần Đức cũng nằm trong tốp đó. Ông chia sẻ: “Tôi thuộc tuýp người không bao giờ chịu ngồi yên. Dù về hưu nhưng vẫn phải làm gì đó. Tôi thích được làm việc. Xưa còn công tác thì gần như tháng nào tôi cũng phải đi một tỉnh nào đó, nên giờ ở nhà chỉ một tuần là cảm thấy cuồng chân.
Với tôi, được đi quay phim, được lao động là niềm hạnh phúc. Tiền không thành vấn đề, thù lao không phải mối quan tâm lớn. Vấn đề chính là mình được làm việc, được công chúng biết đến. Có những nghệ sĩ về hưu, chỉ một năm không đóng phim mà khi gặp lại trông già nua, lão hóa lắm”.
Khi tế nhị hỏi ông về cát-xê, thu nhập từ nghệ thuật, ông không giấu giếm cho biết, hiện tại vẫn đi đóng phim và đảm nhận công tác cố vấn chuyên môn tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, dù cả hai lĩnh vực này đều có thu nhập khá thấp.
“Tôi tham gia giảng dạy, cộng tác với trường từ khi về hưu và muốn đào tạo nên những thế hệ diễn viên mới. Chứ tiền bạc thì nói thật, đi dạy được 150.000 đồng/buổi, trong khi tôi đi taxi đến trường đã gần 100.000 đồng rồi.
Còn cát xê phim? Đơn cử là những phim của VFC, đôi khi ký hợp đồng xong mà tôi cũng không biết là mình sẽ nhận được bao nhiêu tiền. Sau khi kết thúc phim khoảng 1 – 2 tuần, tôi mới hỏi ê-kíp về vấn đề thù lao. Họ nói tôi cứ yên tâm, sẽ có người gửi tiền và rồi vài hôm sau, tôi thấy có tiền chuyển về tài khoản.
Với những tuyến vai phụ như những phim gần đây tôi tham gia thì cát-xê đâu có được bao nhiêu. Tôi vẫn vui vì ở tuổi này tôi vẫn được làm việc, vẫn được đoàn làm phim nhớ đến, vẫn được cống hiến, được khán giả yêu thương”, ông nói.
Theo nam diễn viên “Chạy án”, sau bao nhiêu năm cống hiến nghệ thuật, cái được lớn nhất của ông, ngoài việc được phong NSND vào năm 2023, có lẽ tình cảm của khán giả mới là “cát-xê” đáng giá nhất, là cái được lớn nhất.
Biết đủ với một đời nghệ sĩ
“Sau một ngày đi làm về, buổi tối được ngồi cùng vợ xem lại phim và ngày mai đi ra đường, nhiều người yêu mến, thế là đủ với một đời nghệ sĩ. Tôi đi chợ, mọi người cứ gọi lại, bảo yêu mến bộ phim lắm. Có nhiều người đều ngỡ ngàng hỏi: ‘Sao anh ngoài đời hiền lành vậy, khác hẳn vẻ bặm trợn trên phim’. Những lúc ấy, tôi chỉ cười trừ.
Thậm chí, tôi đi làm giấy tờ ở đâu, các bạn trẻ cũng ưu ái và bảo tôi cứ việc ngồi chờ, họ sẽ làm giúp. Thế là vui lắm rồi!”, NSND Trần Đức chia sẻ.
Trái với những nhân vật phản diện khét tiếng trong phim, ở ngoài đời nghệ sĩ Trần Đức rất hiền và thân thiện. Ông là người Hà Nội gốc, khá gần gũi, cởi mở, đậm chất Hà thành lịch lãm.
Ông Trần Đức tâm sự, mọi người hay nói, trai phố cổ thường khó tính, nhưng ông hoàn toàn khác. “Tôi phân biệt được đâu là lịch lãm, đâu là xuề xòa, buông thả. Tôi biết cách ứng xử đúng mực trong cuộc sống. Tôi luôn cư xử có văn hóa, văn minh và thường dạy học trò mình như vậy”, ông nói.
Ngoài tài năng và đức hạnh, ông còn được nhiều người ngưỡng mộ bởi cuộc sống gia đình hạnh phúc, viên mãn. Bà xã của nghệ sĩ Trần Đức là giảng viên âm nhạc Tuyết Mai, kém ông khoảng 10 tuổi. Hiện tại, cả hai ông bà đã nghỉ hưu, con cái trưởng thành, lập gia đình và dọn ra ở riêng nên họ sống với nhau như vợ chồng son.
Trong cuộc sống đời thường, nghệ sĩ Trần Đức là người mềm mỏng, chiều vợ. Ông cũng không giấu giếm khi thường chia sẻ khoảnh khắc tình cảm của hai vợ chồng và dành cho vợ những lời có cánh không khác gì các cặp đôi trẻ.
“Sau khi về hưu không còn quá áp lực với công việc, tôi có một cuộc sống bình yên bên vợ như “vợ chồng son”. Đều đặn, sáng nào rảnh rỗi là tôi đưa bà xã đi ăn sáng rồi đi cà phê hoặc lên nhà các con chơi với các cháu.
Chiều về, rảnh rỗi thì hai vợ chồng tập với nhau. Tối nấu bữa cơm ăn với nhau rồi xem những bộ phim mình thích. Tôi có niềm đam mê là thích xem phim đêm. Đêm nào cũng phải xem một vài phim trên các kênh trực tuyến. Tất cả những cái đó tôi cố gắng duy trì để cân bằng cuộc sống.
Có thời điểm tham gia phim, tôi đi suốt từ sáng đến đêm mới về, vợ bảo: “Anh đi thế này thì làm sao mà giữ được sức khoẻ”. Nhưng tôi vẫn bình thường, sáng vẫn dậy sớm tập thể dục thể thao. Nói chung là làm gì cũng được, miễn phải biết cân bằng cuộc sống với công việc”, ông kể.
Ông cũng dành nhiều lời “có cánh” để khen bà xã: “Cô ấy là một người tâm lý và chiều chồng con. Tôi là nghệ sĩ, nhưng bà xã không bao giờ ghen tuông vì tôi luôn cư xử đúng mực. Tôi đã lên chức ông nội nên giờ điều quan trọng là sống vui, sống khỏe cùng vợ và rảnh rỗi thì thăm con, cháu”.
Bên cạnh đó, ở tuổi U70, nhưng nghệ sĩ Trần Đức vẫn rất phong độ, khỏe mạnh và sung sức. Ông vẫn làm việc, tham gia các hoạt động nghệ thuật và công tác xã hội không ngừng nghỉ.
Để có sức khỏe dẻo dai, nghệ sĩ Trần Đức rất chăm chỉ rèn luyện sức khỏe, tập thể dục thể thao. Trước đây ông thích khiêu vũ, nhưng sau này thì chuyển sang học võ thuật. Ông còn tham gia các liên đoàn võ thuật để tập luyện cùng các đồng môn, môn sinh. Ngoài ra, NSND Trần Đức còn tham gia các chương trình từ thiện cho trẻ em vùng sâu vùng xa.
Hà Lan