Là một trong những nghệ sĩ được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý NSND trong đợt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 vừa qua, cảm xúc của NSND Quang Lẫm như thế nào?
Tôi cảm thấy vô cùng xúc động, tự hào, biết ơn. Đây là thành quả của cả một quá trình lao động nghiêm túc, cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Đó là một chặng đường đầy gian nan, vất vả, đầy khó khăn, thách thức mà bản thân tôi đã phải nỗ lực vượt qua. Tự hào vì đã vượt qua thách thức lớn nhất là chính bản thân mình. Cá nhân tôi vô cùng biết ơn gia đình và những người thân yêu luôn ủng hộ, động viên và hỗ trợ để tôi có thể dành trọn thời gian, tâm huyết cho nghệ thuật. Cám ơn bạn bè đồng nghiệp luôn kề vai, sát cánh để cùng nhau sáng tạo trong nghệ thuật. Cám ơn những lời động viên và cả những lời chê vì đó đều là những động lực để tôi có thêm ý chí rèn luyện hoàn thiện bản thân mình. Xin được cám ơn Tổ nghiệp đã cho mình duyên được ở lại với sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống. Nói như vậy vì đã có lúc chùn bước, muốn bỏ nghề diễn.
Với nhiều nghệ sĩ, danh hiệu vừa là động lực, nhưng cũng vừa là áp lực khiến họ càng phải cố gắng nhiều hơn. Với NSND Quang Lẫm, danh hiệu có mang lại áp lực cho anh?
Tôi nghĩ là danh hiệu NSND ít nhiều cũng tạo ra áp lực cho bản thân tôi. Bởi với tôi, danh hiệu NSND chính là một dấu mốc của cả cuộc đời lao động nghệ thuật. Mình phải tiếp tục lao động, cống hiến sao cho xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Nhà nước trao tặng, xứng đáng với sự tin yêu của mọi người đã dành cho mình
Nếu được lựa chọn một từ duy nhất để khắc họa hành trình nghệ thuật của mình, NSND Quang Lẫm sẽ dùng từ gì?
Hành trình lao động nghệ thuật đầy phức tạp, gian nan, thách thức và được gắn liền với từ “học”, học liên tục, học không ngừng nghỉ, học thỏa trí đam mê.
Hành trình nghệ thuật của NSND Quang Lẫm rất đặc biệt, thậm chí có thể nói là hiếm có. Đó là anh từng là diễn viên tuồng, sau đó theo đuổi hát quan họ và bến đỗ là chèo. Cơ duyên nào đưa anh đến với những loại hình sân khấu truyền thống này?
Năm 1987, tôi thi tuyển vào lớp diễn viên tuồng của Đoàn tuồng Hà Bắc. Trong khi các bạn được ra Trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đào tạo chính quy thì tôi lại được giữ lại Đoàn tuồng Hà Bắc đào tạo theo dạng “vừa học vừa làm”. Giai đoạn này được kéo dài từ năm 1988-1991, đây là thời gian tôi được các anh, chị nghệ sĩ của Đoàn tuồng Hà Bắc dạy bảo những kiến thức cơ bản của một người diễn viên tuồng. Nhận được sự dạy bảo nhiệt tình, nghiêm túc của các anh, chị nghệ sĩ và sự say mê học tập, tôi đã nắm chắc kiến thức cơ bản nghệ thuật trình diễn của bộ môn nghệ thuật tuồng, một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải diễn thật chi tiết từ nội lực bên trong đến hình thể bên ngoài. Chính điều này là một hành trang quý giá để cho tôi tự tin bước tiếp những chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình.
Năm 1991, trong tình trạng khó khăn chung của đất nước, Sở Văn hóa Hà Bắc đã giải tán Đoàn tuồng. Anh em nghệ sĩ của đoàn phải chia tay trong sự tiếc nuối, ngậm ngùi. Tôi cũng phải về quê tìm kiếm công việc khác để mưu sinh và xác định bỏ nghề. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ mối quan hệ thân tình với các anh, các chị, các nghệ sĩ của Đoàn tuồng, và Đoàn dân ca quan họ Hà Bắc.
Dân ca quan họ đã thực sự làm cho tôi yêu thích. Do tôi có giọng hát tốt nên nhận được sự dạy bảo nhiệt tình của một số nghệ sĩ gạo cội của Đoàn dân ca quan họ như: NSƯT Vũ Tự Lẫm và NSƯT Nguyễn Minh Phức (là song thân của NSND Tự Long), NSƯT Nguyễn Lệ Ngải,….Sau khoảng thời gian từ 1991-1994, tôi đã có cho mình “một số vốn” là khoảng trên 100 bài quan họ cổ.
Tháng 5/1994, trong khi Đoàn dân ca quan họ muốn lấy tôi về làm diễn viên thì ông Nguyễn Hữu Luận – Trưởng Đoàn chèo Hà Bắc cũng muốn lấy tôi về đoàn. Để thỏa mãn với “nghề diễn”, vì quan họ chỉ có hát, đồng thời muốn áp dụng nghệ thuật diễn xuất khi được học ở Đoàn tuồng, tôi đã quyết định về công tác tại Đoàn chèo Hà Bắc và chính thức trở thành diễn viên chèo.
Từ một diễn viên tuồng tài năng, chuyển qua hát quan họ cũng cực “ngọt”, dường như nghệ thuật chèo cũng không thể làm khó được NSND Quang Lẫm?
Mỗi loại hình nghệ thuật đều có kiến thức cơ bản đặc trưng. Khi quyết định về công tác tại Đoàn chèo Hà Bắc, tôi lại tiếp tục lao vào học diễn, hát chèo. Từ đó, tôi đã phát huy được sở trường là giọng hát, lối diễn chi tiết đã học được từ tuồng và tạo được sự tin tưởng của lãnh đạo cũng như các anh chị nghệ sĩ Đoàn chèo. Tôi liên tiếp được giao những vai chính trong các vở diễn của đoàn.
Sân khấu chèo đã chắp cánh cho tôi thỏa sức sáng tạo, giúp tôi trưởng thành hơn. Huy chương đầu tiên tôi đạt được là Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, sau 1 năm làm diễn viên chèo. Tiếp đó, tôi tiếp tục nỗ lực nhiều hơn và gặt hái được những thành tích như: Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu chèo chuyên nghiệp năm 2000; Huy chương Bạc Liên hoan Các vở chèo truyền thống năm 2001; Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chèo chuyên nghiệp năm 2005; Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc năm 2009.
NSND Quang Lẫm ghi dấu ấn ở nhiều loại hình sân khấu, lại giành được vô số giải cao tại các Liên hoan sân khấu, Hội diễn tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, anh vẫn quyết định học thêm về chuyên ngành đạo diễn và gặt hái nhiều thành công ở lĩnh vực này. Lý do nào thôi thúc NSND Quang Lẫm học đạo diễn?
Năm 2005, tôi theo học lớp Đạo diễn sân khấu (Hệ Chính quy) tại Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, tốt nghiệp loại giỏi năm 2009. Năm 2010, tôi theo học lớp Cao học và có bằng Thạc sĩ nghệ thuật năm 2013.
Trong vai trò đạo diễn, tôi từng đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 2019; Huy chương Vàng (vai trò người hướng dẫn) tại Liên hoan sinh viên các trường nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017; Huy chương Vàng (vai trò người hướng dẫn) tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên tuồng, chèo năm 2020. Với tôi, học ở trường lớp, quá trình làm nghề,… đều giúp mình thu lượm được những kiến thức bổ ích để làm nghề. Tôi cũng luôn mong muốn được truyền lửa cho thế hệ nghệ sĩ trẻ để họ theo đuổi đam mê nghệ thuật.
Mỗi người nghệ sĩ thường có cho mình một tuyên ngôn nghệ thuật. Vậy, quan điểm làm nghệ thuật của NSND Quang Lẫm là gì?
Quan điểm của tôi khi đã lên sân khấu thì dù vai nhỏ nhất như lính, hầu,… cũng phải thật nghiêm túc và hết mình.
Giới chuyên môn và khán giả đều khen NSND Quang Lẫm biến hóa khôn lường trên sân khấu. Nhân vật chính diện hay phản diện đều được anh nhập vai rất “ngọt”. Làm thế nào để anh cứ bước lên sân khấu là “lên đồng” như vậy?
Với tôi, các dạng vai diễn trên sân khấu là điều tôi luôn khao khát khám phá và cũng chính là khám phá khả năng của bản thân. Thời kỳ đầu làm nhiệm vụ của một diễn viên chèo, tôi thường được giao cho những vai chính diện như: hoàng tử, vua, công tử, sinh viên,…Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ dừng lại ở các vai chính diện mà luôn sẵn sàng thử thách ở nhiều dạng nhân vật có tính cách khác nhau như: hề áo dài (vai Lý trưởng vở Quan Âm Thị kính; vai Xá vở Trương viên; Quan Phủ Doãn vở Danh chiếm bảng vàng) hay các vai phản diện như Trần Mỹ (Chiếc bóng oan khiên), Lê Hoan (vở Đề Thám).
Để có những vai diễn hay dành tặng khán giả, mỗi nhân vật tôi đều nghiên cứu và xây dựng hình tượng nhân vật đậm nét nhất, để từ đó tìm ra cách thể hiện phải độc đáo và hiệu quả nhất. Nguyên tắc của tôi khi thể hiện các nhân vật trên sân khấu thì mỗi nhân vật phải có sự khác biệt, không được giống nhau.
Đặc biệt, tôi luôn tìm ra nhiều cách, tạo điểm nhấn trong khi thể hiện một vai diễn, cụ thể là mỗi buổi diễn lại khám phá cách thể hiện khác. Do vậy, các vai diễn mới tạo được sự thăng hoa cho bản thân và tạo được sự lôi cuốn đối với khán giả.
Năm 2009, tại Liên hoan Chèo toàn quốc tôi thể hiện vai Quan Phủ Doãn trong vở Danh chiếm bảng vàng. Đây là một vai dạng “hề áo dài” của chèo. Vai diễn mang về cho tôi Huy chương Vàng, đồng thời giúp tôi tạo ấn tượng với bạn nghề cho đến bây giờ.
Đó là những dấu ấn của nghề, cũng là những kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Động lực để tôi tận tâm cống hiến với nghề đó chính là sự tôn trọng của bạn nghề, của anh em đồng nghiệp, đặc biệt sự yêu thương của khán giả.
Sân khấu truyền thống thường được nhận xét là kén khán giả. Anh và đồng nghiệp đã có những hướng đi như thế nào để thu hút khán giả?
Sân khấu truyền thống kén khán giả? Đúng! Nhưng vốn dĩ từ lâu nó đã là như vậy. Theo tôi nghĩ, trong thời đại công nghệ số, xã hội phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình nghệ thuật mới lạ, tiên tiến, hiện đại, mang tính giải trí cao luôn hấp dẫn với khán giả. Đây là yếu tố khiến cho khán giả, nhất là khán giả trẻ họ thiếu đi sự quan tâm nhiều tới nghệ thuật truyền thống. Nếu ngày xưa “khán giả tìm đến sân khấu” thì bây giờ “sân khấu phải đi tìm khán giả”.
Hiện nay, Nhà hát chèo Bắc Giang thường xuyên đi biểu diễn phục vụ Nhân dân các địa phương. Đồng thời, chúng tôi đang thực hiện nhiều dự án “Đưa nghệ thuật chèo đến gần với khán giả”. Cụ thể, Nhà hát đưa đội ngũ nghệ sĩ về giúp đỡ, hướng dẫn Nhân dân các địa phương hát, diễn chèo. Tính đến năm 2023, Nhà hát đã giúp đỡ các dịa phương xây đựng được hàng chục CLB Chèo, đưa nghệ thuật truyền thống vào truyền dạy tại nhiều trường học. Phong trào hát, diễn chèo ở Bắc Giang đang phát triển rất mạnh. Nghệ thuật chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu ở các địa phương. Nhà hát đã thực hiện các dự án là các vở diễn đề tài thiếu niên, nhi đồng để biểu diễn tại các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh. Những dự án này thực sự đang tạo hiệu ứng rất tốt và được Nhân dân nhiệt tình đón nhận.
Với cương vị là lãnh đạo của một Nhà hát Chèo, theo anh, cần làm gì để thu hút các tài năng trẻ đến với sân khấu truyền thống, giúp họ vững tin, tận tâm với nghề?
Theo tôi, trước hết, đội ngũ lãnh đạo phải là những tấm gương về lòng yêu nghề, tận tâm với nghề để thế hệ trẻ noi theo. Đồng thời phải tạo dựng được sự đoàn kết nội bộ, luôn tạo nên một không khí làm việc vui vẻ, tạo nên sự thăng hoa sáng tạo nghệ thuật cho các nghệ sĩ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng trong điều kiện có thể, tổ chức nhiều buổi biểu diễn, tăng thêm thu nhập cho nghệ sĩ.
Cảm ơn NSND Quang Lẫm về cuộc trò chuyện này. Chúc anh luôn mạnh khỏe và gặt hái nhiều thành công!
NSND Quang Lẫm, SN 1969 tại Bắc Ninh, là nghệ sĩ tài năng của nền nghệ thuật Việt Nam. Anh ghi dấu ấn ở cả 3 loại hình sân khấu như: tuồng, chèo và quan họ. Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, NSND Quang Lẫm đóng khoảng hơn 30 vai diễn, đa phần là các vai chính trong các vở diễn.
Với tài năng xuất chúng cùng quyết tâm theo đuổi đam mê nghệ thuật, NSND Quang Lẫm đã gặt hái được rất nhiều thành công ở cả lĩnh vực diễn xuất và đạo diễn. Anh giành được nhiều Huy chương Vàng, Bạc tại các kỳ Liên hoan, Hội diễn Sân khấu,…
Năm 2012, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Anh cũng tham gia công tác đạo diễn, đào tạo các nghệ sĩ trẻ và đạt nhiều giải thưởng ấn tượng: Giải Nhất dành cho giảng viên hướng dẫn trong vở “Hề cu cậu” (2017), Huy chương Vàng ở vai trò đạo diễn trong vở “Người con gái Kinh Bắc” (2019), Huy chương Vàng dành cho người hướng dẫn trong vở “Bà Ba Cẩn” (2020).
Ngoài ra, NSND Quang Lẫm còn viết kịch bản và trực tiếp đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, được nhiều cấp tặng Bằng khen.