Từ ngày 1/7/2025, Nghị định số 151/2025/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, quy định cụ thể về việc phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, một nội dung đáng chú ý là danh mục 8 trường hợp người dân cần thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã được cấp trước đây.
Theo Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 151, việc cấp đổi sổ đỏ nhằm đảm bảo tính chính xác về pháp lý, cập nhật thông tin phù hợp với quy định mới của Luật Đất đai và hệ thống đo đạc địa chính hiện hành.’

8 trường hợp cần đổi sổ đỏ:
1. Tự nguyện đổi sổ đỏ cũ
Người sử dụng đất có nhu cầu đổi giấy chứng nhận được cấp trước ngày 1/8/2024 sang mẫu sổ đỏ mới theo quy định.
2. Sổ đỏ bị hư hỏng
Giấy chứng nhận đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng, gây ảnh hưởng đến giá trị pháp lý hoặc khó sử dụng trong giao dịch.
3. Tách thửa theo yêu cầu
Sổ đỏ đã cấp chung cho nhiều thửa đất, nhưng người sử dụng đất có nhu cầu cấp riêng cho từng thửa và trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại Mục 7 Phần XV của “Phần c. Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất” này.
4. Sai lệch mục đích sử dụng đất
Trường hợp mục đích sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận cũ không phù hợp với cách phân loại đất tại Điều 9 Luật Đất đai hiện hành.
5. Sai lệch vị trí thửa đất
Vị trí thửa đất ghi trong giấy chứng nhận không khớp với thực tế sử dụng tại thời điểm cấp.
6. Bổ sung tên vợ/chồng
Trường hợp tài sản là sở hữu chung của vợ chồng nhưng giấy chứng nhận chỉ ghi tên một người; nay có nhu cầu cấp đổi để ghi đầy đủ tên cả hai vợ chồng.
7. Bổ sung tên thành viên hộ gia đình
Giấy chứng nhận đứng tên hộ gia đình nhưng các thành viên có chung quyền sử dụng đất đề nghị cấp đổi để thể hiện đầy đủ tên trên giấy chứng nhận.
8. Thay đổi thông tin đo đạc
Do đo đạc địa chính mới, thông tin về diện tích, kích thước, số hiệu thửa đất có thay đổi nhưng ranh giới thực tế không thay đổi.
Quy trình thực hiện cấp đổi sổ đỏ
Người dân cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định và nộp tại bộ phận một cửa cấp xã, văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 1: Nộp hồ sơ tại nơi tiếp nhận và nhận phiếu hẹn trả kết quả.
Bước 2: Cơ quan tiếp nhận kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ.
Bước 3: Trường hợp hồ sơ chưa đủ, người dân sẽ nhận phiếu yêu cầu bổ sung.
Bước 4: Sau khi hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng sẽ xử lý và cấp giấy chứng nhận mới.
Mẫu phiếu tiếp nhận và các biểu mẫu kèm theo thực hiện theo quy định trong Nghị định của Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Lưu ý: Từ ngày 1/7/2025, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương đã được phân cấp về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Điều này giúp người dân giảm thời gian di chuyển, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính.
Người dân có nhu cầu nên chủ động liên hệ với cơ quan địa chính địa phương để được hướng dẫn chi tiết về thủ tục và hồ sơ cần thiết. Việc cấp đổi đúng quy định sẽ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp về tài sản và thuận lợi trong các giao dịch dân sự sau này.