Các triệu chứng bệnh lao ở trẻ em không điển hình nên việc phát hiện sớm bệnh còn khó khăn. Nếu được điều trị sớm, trẻ sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Nếu muộn, thời gian điều trị kéo dài, ở một số thể bệnh lao còn lại di chứng, thậm chí tử vong.
Tỷ lệ mắc lao ở trẻ tương ứng với người lớn
Một bệnh nhi (14 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhập viện tại Bệnh viện Phổi Trung ương trong tình trạng mắc bệnh lao giai đoạn nặng, sốt kéo dài, kháng thuốc.
Gia đình bệnh nhân cho biết, trẻ bị ho từ lâu, uống kháng sinh mãi không khỏi. Vì có bố đã mất trước đó 2 năm do bệnh lao nên mẹ cháu khuyên cháu đi khám nhưng cháu không đi.
Khi bị sốt kéo dài và ho dai dẳng, sức khoẻ kém hẳn, trẻ mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.
“Do phát hiện bệnh muộn nên việc điều trị cho cháu rất khó khăn, trong quá trình điều trị, các bác sĩ còn phát hiện thêm cháu bị kháng thuốc và dị ứng thuốc”, TS. Nguyễn Thị Hằng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Thị Hằng cho biết, bệnh nhân trên không phải là bệnh nhân duy nhất ở Hà Nội, mà nhiều trẻ ở các vùng đô thị cũng đang điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương, thậm chí có trẻ mới 6 tháng tuổi, trẻ 1-2 tuổi.
Mỗi tháng, Khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung ương tiếp nhận điều trị từ 120-150 trẻ, trong đó, khoảng 1/3 bệnh nhi là mắc bệnh lao. Trong đó, số trẻ mắc lao sống ở thành thị có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân số trẻ sinh sống ở thành thị mắc lao gia tăng chưa được xác định cụ thể, nhưng theo các chuyên gia y tế cho biết, thực tế dịch tễ lao ở trẻ em phản ánh dịch tễ lao ở người lớn. Tức là, ở đâu có số lượng người lớn mắc lao nhiều thì trẻ em nơi đó cũng mắc bệnh nhiều, do lây từ người lớn.
Theo TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% (103.000 bệnh nhân) số bệnh nhân lao ước tính. Như vậy, còn 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện và điều trị. Đây chính là nguồn lây bệnh lao trong cộng đồng.
Lưu ý các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao ở trẻ
Theo khuyến cáo của Tổ chức WHO, các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao ở trẻ rất đa dạng, như: ho, khò khè kéo dài trên 2 tuần không đáp ứng với kháng sinh, sốt kéo dài, gầy sút cân, mệt, giảm vận động, trẻ suy dinh dưỡng đã can thiệp nhưng không đáp ứng…
TS Nguyễn Thị Hằng cũng chỉ rõ thêm các dấu hiệu để nhận biết bệnh lao ở trẻ như: sốt, ra mồ hôi đêm, mệt mỏi, giảm chơi đùa, chán ăn, gù lưng… tuỳ thuộc vào cơ quan mắc lao, trẻ có thể ho dai dẳng, nổi hạch, đau đầu, co giật, đau khớp…
“Nếu điều trị bằng kháng sinh trên 2 tuần mà các triệu chứng ở trẻ không giảm, không cải thiện thì cần cho trẻ làm các xét nghiệm để sàng lọc bệnh lao sớm”, TS Nguyễn Thị Hằng cho biết.
Đặc biệt, cần chú ý những trẻ từng tiếp xúc gần gũi với người bệnh mắc lao phổi trong vòng 1-2 năm gần đây và từng có các triệu chứng lâm sàng nghi lao đã được điều trị nhưng triệu chứng không hoặc ít cải thiện, nhanh tái phát.
Đối với nhóm trẻ suy dinh dưỡng, trẻ phải sử dụng thuốc làm suy giảm miễn dịch như bệnh ung thư hoặc một số bệnh tự miễn thì nên thường xuyên được khám sàng lọc bệnh lao.
Với nhóm trẻ em có nguy cơ cao mắc bệnh lao là trẻ có tiếp xúc với nguồn lây lao phổi, tức là trong gia đình có người thân mắc lao phổi, cần phải được khám sàng lọc. Nếu phát hiện bệnh sớm, trẻ sẽ được điều trị với phác đồ phù hợp, trường hợp không bị bệnh thì được tư vấn, sử dụng phác đồ dự phòng lao tiềm ẩn, nhằm hạn chế nguy cơ tiến triển thành bệnh lao về sau.
Điều trị lao sớm sẽ khỏi bệnh hoàn toàn
“Nếu được điều trị sớm, trẻ sẽ khỏi bệnh lao hoàn toàn. Nếu điều trị muộn, thời gian điều trị sẽ kéo dài, ở một số thể bệnh lao còn lại di chứng, thậm chí tử vong”, TS Nguyễn Thị Hằng khuyến cáo.
Hiện nay, việc xét nghiệm lao rất nhẹ nhàng, không xâm lấn, không tốn kém. Phác đồ điều trị lao thường ở trẻ em hiện cũng dùng thuốc uống 100% trong 4-12 tháng, tuỳ theo từng thể lao. Riêng lao kháng thuốc thì phải điều trị theo phác đồ riêng biệt. Chi phí điều trị bệnh lao cũng đã được BHYT chi trả.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế về lĩnh vực lao phổi cũng cảnh báo, mặc dù bệnh lao hoàn toàn có thể điều trị khỏi hẳn, nhưng lao là bệnh lây và miễn dịch của bệnh lao sinh ra không phải là miễn dịch suốt đời.
Vì vậy, nếu trẻ mắc lao và điều trị khỏi nhưng còn tiếp xúc với nguồn lây lao phổi thì vẫn có nguy cơ cao mắc lại bệnh lao.
Bệnh lao cũng đã có vaccine, việc tiêm vaccine sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh lao nặng như lao kê, lao màng não, nguy cơ tử vong cũng giảm.
Hiền Minh