Nhiều vụ thu giữ mỹ phẩm giả với số lượng lớn bày bán trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội đã được cơ quan chức năng phát hiện, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này.
Thị trường mỹ phẩm trực tuyến hiện đang bùng nổ với hàng nghìn sản phẩm được rao bán mỗi ngày trên các sàn TMĐT và trên mạng xã hội như: TikTok, Facebook, YouTube, Zalo…
Điều này tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn và mua sắm, tuy nhiên đi kèm là sự gia tăng của hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.

Hàng chục nghìn mỹ phẩm giả bị thu giữ
Cụ thể, trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều lô hàng mỹ phẩm giả với số lượng lớn; hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm giả bị thu giữ trên sàn TMĐT. Các vụ việc này được cơ quan chức năng công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua đó đưa ra cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi mua mỹ phẩm trên các nền tảng TMĐT và mạng xã hội.
Đơn cử, mới đây nhất, ngày 8/5 vừa qua, Công an tỉnh Bắc Giang đã triệt phá một cơ sở sản xuất, buôn bán hơn 100.000 đơn hàng mỹ phẩm giả cho các khách hàng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện các tài khoản Shopee “Bn Store 2024”, “Bibo Comesticc”, “Nhungnguyen010798”, “Vliwwfo6-r” và các tài khoản Tiktok “Sare Comesticc”, “Coca Beauty” có hoạt động quảng cáo, rao bán các loại mỹ phẩm như khử mùi cơ thể, serum trị mụn, trắng da… nghi sản xuất giả.
Theo đó, phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang đã khoanh vùng và xác định đối tượng Nguyễn Văn Khánh (SN 1996, ở thôn Lải, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) có hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả tại nhà.
Ngày 7/5, tại khu vực nhà ở của Nguyễn Văn Khánh, Tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang kiểm tra, bắt giữ Nguyễn Văn Khánh và Nguyễn Thị Hiên (SN 2003), cùng trú tại thôn Lải, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang đang thực hiện hành vi sản xuất, đóng gói mỹ phẩm giả.
Tại hiện trường, tổ công tác đã thu giữ 13 loại mỹ phẩm khác nhau có tổng số lượng là 2.468 sản phẩm thành phẩm như kem tẩy trang, kem dưỡng da, serum trị mụn…
Cơ quan Công an bước đầu xác định, từ khoảng cuối năm 2024, Nguyễn Văn Khánh nhận thấy nhu cầu khách hàng tiêu dùng nhiều loại sản phẩm là mỹ phẩm nên đã nảy sinh ý định sản xuất mỹ phẩm giả để bán kiếm lời.
Khánh đã lên mạng Internet để tìm hiểu một số loại mỹ phẩm khử mùi cơ thể, serum trị mụn, trắng da đang được thị trường tiêu thụ lớn, sau đó đặt in tem nhãn, bao bì giả của các sản phẩm này.
Sau đó mua máy móc, nguyên liệu, và thực hiện việc sản xuất tại nhà để bán ra toàn quốc để kiếm lời. Sản phẩm thành phẩm sản xuất ra, các đối tượng rao bán trên sàn giao dịch TMĐT Shopee, Tiktok. Tính từ khoảng cuối năm 2024 đến nay, Khánh đã bán trên 100.000 đơn hàng cho khách trên cả nước và với doanh thu trên 6 tỷ đồng.

Hay như trước đó, khoảng 1 tuần trước tết Nguyên đán 2025, lực lượng Quản lý thị trường ra quân kiểm tra, phát hiện chủ kho hàng lớn tại Hà Nội, là một hotgirl có tiếng trong kinh doanh online, livestream bán hàng trên nhiều nền tảng từ TikTok, Instagram, Facebook, website với tên gọi Mailystyle.com
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều hàng hóa trôi nổi, không rõ xuất xứ, không có tem nhãn tiếng Việt…
Tính riêng trong phiên livestream ngày 23/12/2023, nền tảng Facebook Mailystyle.com có 647.000 lượt theo dõi, 4.100 lượt bình luận chốt đơn, doanh thu từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ngày…
Interrnet môi trường lý tưởng để tiêu thụ các loại mỹ phẩm giả
Báo cáo từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, với 74,8% người dùng internet tại Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, trong đó mỹ phẩm là một trong những sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường lý tưởng để gian thương tiêu thụ các loại mỹ phẩm giả, kém chất lượng không rõ nguồn gốc.
Dự báo của Statistap (nền tảng trực tuyến cung cấp số liệu thống kê, dữ liệu nghiên cứu thị trường và thông tin về nhiều ngành công nghiệp) cho thấy, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam năm 2025 dự kiến đạt 578,77 triệu USD.
Còn dữ liệu từ Metric (nền tảng Khai thác Dữ liệu ứng dụng Big Data và AI) cho thấy, trong quý I/2025, doanh số bán hàng của các sản phẩm mỹ phẩm trên các sàn TMĐT Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 27,12% so với quý IV/2024. Xu hướng tiêu dùng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý II/2025.
Tổng doanh số của 5 sàn TMĐT phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo trong năm 2024 đạt 318.900 tỷ đồng, tăng trưởng 37.36% so với năm 2023; Tổng sản lượng tiêu thụ cũng đạt 3.421 triệu sản phẩm, tăng mạnh 50.76%. Những con số cho thấy sức mua của thị trường vẫn duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên, sự phát triển này đi kèm với nguy cơ lớn về chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Dạo qua một số nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram… cùng một số sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiktok, chỉ cần người tiêu dùng gõ cụm từ tìm kiếm “mỹ phẩm”, lập tức nhận được hàng loạt địa chỉ kinh doanh, sản phẩm mỹ phẩm đa chủng loại.
Điều đáng nói, bên cạnh các hàng hóa, mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thì trên các trang mạng xã hội hay các sàn TMĐT, nhiều đối tượng bán hàng ngang nhiên chào bán các sản phẩm mỹ phẩm giả thương hiệu nổi tiếng với giá vô cùng rẻ.
Theo đó, cùng một loại mỹ phẩm nhưng giá tiền có sự chênh lệch lớn từ vài trăm đến vài triệu đồng/sản phẩm. Giá các sản phẩm này quá rẻ so với hàng chính hãng, lại được quảng cáo là “hàng mới 100%”, “dùng là đẹp da ngay”. Theo phản ánh từ nhiều người tiêu dùng, các sản phẩm mỹ phẩm giả cũng thường được “đội lốt” hàng xách tay từ nước ngoài, khiến người tiêu dùng khó phân biệt với hàng chính hãng.
Không ít sản phẩm được quảng cáo là “xách tay”, “hàng nội địa Nhật”, “mỹ phẩm Hàn Quốc” nhưng không có bất kỳ hóa đơn hay giấy tờ chứng minh. Một số người sau khi sử dụng đã bị dị ứng da, nổi mẩn hoặc tổn thương nghiêm trọng, nhưng không biết khiếu nại ở đâu vì không liên hệ được người bán.
Để tăng cường kiểm soát mỹ phẩm giả, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu các Sở Y tế phối hợp kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên các nền tảng số. Động thái này nhằm phát hiện và xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc, cũng như quảng cáo gây hiểu lầm. Sản phẩm vi phạm sẽ bị thu hồi, tiêu hủy và có thể bị xử lý hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm.
Giang Sơn