HIV là một vi rút nguy hiểm, có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ.
Không giống như những vi rút khác bị hệ miễn dịch của con người tấn công và đào thải, HIV lại có khả năng tấn công và làm suy yếu hệ miễn dịch bằng cách tiêu diệt các tế bào CD4, loại bỏ khả năng phòng vệ của cơ thể người.
HIV lây truyền qua các dịch của cơ thể bao gồm: máu, tinh dịch, dịch âm đạo và trực tràng, sữa mẹ. Nhiễm HIV là một tình trạng mạn tính, hiện chưa có cách điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, HIV có thể bị khống chế, bệnh nhân sẽ có thời gian sống dài gần như người không nhiễm HIV.
Các triệu chứng cảnh báo nhiễm vi rút HIV đa phần giống nhau ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số khác biệt đặc trưng giữa hai giới.
Ở giai đoạn đầu của bệnh từ 2 – 4 tuần sau khi lây nhiễm, bệnh nhân sẽ thấy biểu hiện như cảm cúm, đó là dấu hiệu cơ thể đang phản ứng với vi rút và hầu hết các triệu chứng đó có thể kéo dài đến vài tuần; các biểu hiện có thể là ớn lạnh mệt mỏi, sốt, loét bộ phận sinh dục, loét miệng, đau cơ, đổ mồ hôi ban đêm, phát ban, sưng hạch bạch huyết. Tuy nhiên, cũng có một số người không xuất hiện các triệu chứng này.
Cần phải chú ý là có những dấu hiệu nhiễm vi rút HIV ở nữ có mà không có ở nam giới. Ở nữ giới sẽ thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, lượng kinh có thể ít đi hoặc nhiều lên, lỡ kỳ kinh hoặc trải qua hội chứng tiền kinh nguyệt (tình trạng cáu kỉnh, lo lắng, cảm xúc không ổn định, trầm cảm, phù nề, đau vú và nhức đầu xảy ra trong 5 ngày trước đó và thường kết thúc vài giờ sau khi bắt đầu hành kinh). Bệnh nhân nữ sẽ bị đau bụng dưới nhiều hơn, đây là một dấu hiệu của nhiễm khuẩn tử cung, buồng trứng và ống fallop (ống tử cung) được gọi là viêm vùng chậu. Ở nhiều phụ nữ thì đó là cảnh báo đỏ đầu tiên họ đã phơi nhiễm với HIV, bên cạnh đau bụng dưới thì viêm vùng chậu có thể gây ra dịch tiết của âm đạo bất thường, sẽ bị sốt, đau khi quan hệ, đau vùng bụng trên và bị nhiễm nấm âm đạo (dịch tiết âm đạo có màu trắng đục, đau khi quan hệ tình dục, đau khi đi tiểu, âm đạo nóng rát, bỏng rát) và điều này diễn ra tới vài lần mỗi năm.
Ở nam giới có tình trạng giảm ham muốn tình dục là dấu hiệu của thiểu năng sinh dục, hay còn được hiểu là không sản xuất đủ hormone sinh dục testosterone, từ đó gây ra một vài tình trạng như: rối loạn cương dương, mệt mỏi, phiền muộn, trầm cảm, vô sinh, lông, râu trên cơ thể và mặt mọc ít, thưa thớt; phát triển mô tuyến vú. Vết loét trên dương vật phổ biến của nhiễm vi rút HIV ở nam giới. Những vết loét gây đau đớn còn xuất hiện trên miệng, thực quản hoặc hậu môn và tái phát nhiều lần. Đau nóng rát khi tiểu tiện, ở một số trường hợp đây còn là triệu chứng của nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (bệnh lậu, chlamydia) nhằm báo hiệu tình trạng sưng tuyến tiền liệt dẫn đến viêm tuyến tiền liệt và xuất hiện một số triệu chứng: đau khi xuất tinh; số lần đi tiểu nhiều hơn bình thường, nước tiểu đục hoặc có máu; đau ở bàng quang tinh hoàn, dương vật hoặc giữa bìu và trực tràng.
Cả nam giới và nữ giới khi bị nhiễm HIV đều có thể bị nhiễm nấm miệng gây nên triệu chứng sưng và tạo ra mảng bám dày màu trắng bao phủ lưỡi miệng và họng được gọi là bị tưa miệng hay nấm Candida miệng.
Sau khi nhiễm vi rút HIV giai đoạn đầu qua đi, những biểu hiện giống như cảm cúm diễn ra trong vài tuần đầu bị mất, lúc này bệnh đã chuyển qua giai đoạn không triệu chứng. Đây là giai đoạn nhiễm HIV mãn tính, đặc trưng của biểu hiện này là không có triệu chứng, bệnh nhân biểu hiện có vẻ như ổn định, sức khỏe khá hơn, nhưng lúc này vi rút HIV sẽ nhân lên không ngừng cho đến khi có biểu hiện của giai đoạn AIDS. Nếu bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp kháng vi rút mỗi ngày thì bệnh sẽ ngừng tiến triển và thời gian sống của bệnh nhân kéo dài tương đương với người bình thường.
Vì vậy, khi nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV, đầu tiên cần phải tránh lây nhiễm cho người khác, sau đó đi xét nghiệm càng sớm càng tốt; nếu nghi ngờ phơi nhiễm với tỷ lệ cao cần phải điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV.
Nguyễn Công Thành