Theo truyền thông Mỹ, nước này nhiều khả năng sẽ tận dụng thế mạnh trong đầu tư và phát triển nhân tài công để cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Trang web của Hội đồng Đại Tây dương Mỹ (Atlantic Council) mới đây cho biết cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đẩy mạnh chiến lược Chuyển sản xuất sang các quốc gia thân thiện (friendshoring) và chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng. Với vai trò là “nền kinh tế kết nối” chuỗi cung ứng giữa Washington và Bắc Kinh, Hà Nội đang được săn đón và nhận những khoản đầu tư lớn từ hai cường quốc này.
Về phía Trung Quốc, năm 2023, tổng số vốn đầu tư đăng ký từ nước này vào Việt Nam (tính cả Hong Kong) lên tới hơn 8,2 tỷ USD với 6.688 dự án trong khi Mỹ chỉ đầu tư khoảng 500 triệu USD. Sự hội nhập thương mại của Trung Quốc với Việt Nam đã tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua (đạt 171 tỷ USD năm 2023), được hỗ trợ bởi hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và ASEAN và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Để đối phó với những lệnh trừng phạt thương mại từ phương Tây, Trung Quốc đang khởi động chiến lược friendshoring rất mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông. Kể từ đầu năm 2013, 9 trên 10 công ty lắp ráp và linh kiện điện tử hàng đầu của Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam với số vốn tăng dần và đạt đỉnh vào năm 2018. Đến năm 2022 Trung Quốc chiếm 39% lượng nhập khẩu điện tử của Việt Nam. Theo các chuyên gia quốc tế, khi Trung Quốc tăng cường chiến lược friendshoring trong lĩnh vực điện tử, các ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ có nguy cơ phụ thuộc nhiều hơn vào các quyết định từ chính quyền Bắc Kinh.
Mỹ tăng cường cạnh tranh
Theo các chuyên gia của Atlantic Council, hiện Mỹ vẫn có khả năng chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam thông qua việc giúp đỡ nền công nghệ của nước này giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và duy trì vị thế là đối tác đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng.
Tờ Nikkei Asisa hồi tháng 1/224 dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Mỹ cho biết Washington coi Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong danh sách các quốc gia được phân bổ khoản tiền 500 triệu USD của Quỹ Đổi mới và An ninh công nghệ Quốc tế nhằm tăng cường hệ sinh thái bán dẫn của nước này, theo đạo luật CHIPS. Theo đó, Mỹ có thể dành phần lớn số tiền phân bổ (ước tính lên đến hàng chục triệu USD) vào hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vốn là thế mạnh của nước này, để giúp Việt Nam tiến xa hơn trong các ngành công nghệ chủ chốt hiện nay.
Trái ngược với các công ty Trung Quốc chủ yếu tập trung vào sản xuất, các công ty Mỹ (trong đó có Qualcomm, NVIDIA và 15 công ty khác) đang lên kế hoạch thành lập các trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) cũng như bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân tài công nghệ bản địa, phù hợp với mục tiêu của Việt Nam là nâng cao chuỗi giá trị và thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung.