Đài ABC của Mỹ ngày 6/7 dẫn tuyên bố của Tướng Israel thừa nhận cuộc chiến với lực lượng Hamas ở Gaza có thể phải sẽ kéo dài nhiều năm.
IDF sa lầy
Đánh giá về tương lai chiến sự Gaza khi trả lời truyền thông Mỹ, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), chuẩn tướng Daniel Hagari, nói: “Liệu sau 5 năm nữa, tôi và các bạn có còn nói về sự tồn tại của Hamas tại Dải Gaza? Tôi nghĩ câu trả lời là có”.
Vị phát ngôn viên này cho biết Israel đang lập kế hoạch cho xung đột kéo dài với Hamas, nhưng khẳng định đối phương đã không còn đủ nguồn lực và khả năng để tung các đòn đánh thọc sâu vào lãnh thổ Israel như sự kiện ngày 7/10/2023.
Bình luận được tướng Hagari đưa ra giữa lúc xuất hiện thông tin rằng giới chức Israel lo ngại Hamas sẽ mở những cuộc tấn công mới tại Dải Gaza hoặc khu vực Bờ Tây trong vài tuần tới, nhằm “dội nước lạnh” vào nỗ lực đàm phán vừa được nối lại hướng đến thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin.
Phát ngôn viên Hagari là quan chức Israel đầu tiên công khai thừa nhận cuộc chiến với Hamas sẽ kéo dài và còn nhiều khó khăn. Hồi tháng 6, chính ông từng bình luận với Channel 13 của Israel rằng “Hamas là một hệ tư tưởng và không ai có thể tận diệt một hệ tư tưởng”.
“Nếu ai nói rằng sẽ khiến Hamas biến mất hoàn toàn, họ chỉ đang tung hỏa mù. Nếu Israel không thể đưa ra giải pháp thay thế về quản trị Dải Gaza, cuối cùng chúng tôi sẽ lại đối mặt với Hamas”, ông nói.
Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Tzachi Hanegbi hôm 29/5 cũng đã tuyên bố cuộc chiến tại Dải Gaza có thể kéo dài đến hết năm nay.
Ông cho rằng IDF sẽ đạt mục tiêu phá hủy khả năng quân sự của Hamas, đưa tất cả con tin trở về và đảm bảo rằng khi xung đột kết thúc sẽ không còn thêm mối đe dọa nào từ Dải Gaza.
Đầu tháng 7, thành viên cánh chính trị của Hamas và giới chức Ai Cập nói rằng Hamas về cơ bản đã đồng ý với đề xuất của Mỹ về thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin theo từng giai đoạn tại Dải Gaza.
Phía Hamas chấp nhận nhượng bộ, từ bỏ yêu sách then chốt trong nhiều tháng qua là yêu cầu Israel phải cam kết lập tức kết thúc cuộc chiến.
Trong khi đó, Tel Aviv chỉ đồng ý tạm dừng giao tranh và để ngỏ khả năng tiếp tục chiến đấu cho đến khi nhóm vũ trang bị đánh bại hoàn toàn.
Trong khi nhượng bộ, Hamas vẫn muốn những nước trung gian đưa ra “cam kết bằng văn bản” rằng Israel sẽ tiếp tục đàm phán thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.
Theo tờ Wala của chính quyền Palestine ở Bờ Tây, lãnh đạo tình báo Israel David Barnea đã từ chối yêu cầu này từ phía Hamas.
Hiện Mỹ đang tìm cách thuyết phục cả hai bên nhượng bộ. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns dự kiến đến Qatar trong tuần sau để tham gia các cuộc đàm phán con thoi.
Cuộc xung đột Gaza bùng phát tháng 10 năm 2023 sau khi lực lượng Hamas mở chiến dịch tập kích hiệp đồng vào miền nam Israel, khiến hơn 1.100 thiệt mạng và bắt khoảng 250 con tin.
Theo cơ quan y tế và dân sự địa phương, chiến dịch đáp trả sau đó của IDF đã khiến hơn 38.000 người thiệt mạng, phần lớn là dân thường và hơn 87.000 người bị thương, làm phần lớn cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Gaza bị phá hủy.
Phòng không quá tải
Khi cuộc chiến với Hamas tại phía Nam chưa biết khi nào dừng, Israel có nguy cơ tiếp tục phải đối mặt Hezbollah ở phía Bắc. Câu hỏi đặt ra là liệu hệ thống phòng thủ Iron Dome có bị quá tải?
Hôm 4/7, lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã phóng 200 quả rocket vào Israel. Đây là một trong những cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay sau khi Tel Aviv khiến một trong những chỉ huy cấp cao của nhóm thiệt mạng.
Hezbollah cho biết họ đã phóng rocket tấn công 10 địa điểm quân sự của Israel nhờ một đội thiết bị bay không người lái. Về phần mình, IDF cho biết nhiều rocket và mục tiêu trên không đáng ngờ đã xâm phạm lãnh thổ nước này, trong đó nhiều rocket đã bị đánh chặn.
Theo thống kê của Reuters, Hezbollah đã phóng hàng nghìn quả rocket vào Israel trong gần 9 tháng kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát. Rocket từ Lebanon đã khiến 18 binh sĩ Israel và 10 người dân thường nước này thiệt mạng. Trong khi các cuộc pháo kích của Israel đã khiến khoảng 300 tay súng Hezbollah và khoảng 80 người dân thường tử vong.
Số thương vong tương đối thấp của Israel là nhờ hệ thống phòng không Iron Dome. Hệ thống này được thiết kế để bảo vệ lãnh thổ Israel bằng cách phóng tên lửa dẫn đường đánh chặn tên lửa đang lao tới và các mối đe dọa tầm ngắn khác trên không trung.
Hiện đang có nhiều lo ngại về việc Iron Dome có nguy cơ bị quá tải nếu xung đột Israel- Hezbollah bùng phát? Đại tá IDF đã nghỉ hưu Miri Eisin cho rằng: “Hệ thống Iron Dome sẽ không quá tải theo nghĩa là ngừng hoạt động hoàn toàn. Thay vào đó, tỷ lệ đánh chặn thành công có thể sẽ giảm”.
Nếu điều đó xảy ra thì các cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn từ bên ngoài sẽ khiến cơ sở hạ tầng quan trọng của Israel, như nhà máy điện và sân bay, sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn và gia tăng thương vong.
Cuộc xung đột kéo dài 34 ngày năm 2006, Hezbollah đã phóng gần 4.000 rocket nhằm vào Israel. Đến nay số lượng rocket và năng lực phóng của Hezbollah đã vượt giai đoạn năm 2006 nhiều lần.
Lực lượng Hezbollah đã chứng tỏ năng lực sản các loại tên lửa tầm ngắn có thể được sử dụng để khiến Iron Dome bị quá tải.
Theo ông Phillip Smyth, chuyên gia quân sự Mỹ, những vũ khí đó kết hợp với tên lửa mới có độ chính xác cao và thiết bị bay không người lái tự sát có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều cho Israel so với thời điểm năm 2006.