Các nhà khảo cổ Mexico đã tìm thấy dấu vết của một thành phố cổ của người Maya tại một công trường xây dựng gần Merida, trên bán đảo Yucatan của Mexico.
Thành phố có tên Xiol, trong tiếng Maya nghĩa là “tinh thần của con người”, từng là nơi cư trú của hơn 4.000 người, trong đó có các linh mục, thầy thông giáo, chức sắc và dân thường. Nơi này mang phong cách đặc trưng kiến trúc Puuc của người Maya, với rất nhiều kim tự tháp, cung điện và quảng trường.
Những dấu vết đầu tiên của thành phố được các nhà khảo cổ của Viện Nhân chủng học và lịch sử quốc gia phát hiện từ năm 2018, nhưng công tác khảo sát mới được đẩy nhanh trong 6 tháng qua. Trong thời gian đó, các nhà khoa học đã khôi phục được một số công trình trong thành cổ, đồng thời phát hiện thêm nhiều khu định cư.
Với diện tích khoảng 21ha, thành phố có niên đại từ thời Hậu Cổ điển – từ năm 600-900 sau Công nguyên với quảng trường chính, nơi tọa lạc một kim tự tháp với 2 phần so le. Ở khu phía trên có quảng trường khác với một công trình giống như cung điện, và lối vào được chia đôi bằng một cột nguyên khối.
Ngoài ra, ở đây còn có một cenote – hố sụt chứa nước ngầm hình thành do quá trình đá vôi sụp đổ, vốn là chốn linh thiêng trong tín ngưỡng bản địa- sẽ bắt đầu được các nhà hang động học nghiên cứu trong vài ngày tới.
Tại đây, các chuyên gia tìm thấy nhiều căn phòng nhỏ nơi người dân cư trú và các xưởng chế tạo công cụ lao động phục vụ hoạt động xây dựng, cũng như khoảng 15 ngôi mô, chủ yếu là của người lớn, với tế vật là những chiếc bình, vòng cổ, hoa tai và một số đồ dùng hàng ngày.
Các nhà khảo cổ cũng khai quật được một số đồ gốm có niên đại sớm hơn. Ngoài ra, dấu tích của sinh vật biển cũng được phát hiện trong khu vực, cho thấy ngoài thức ăn dựa trên các sản vật nông nghiệp, người dân ở đây đã có bổ sung cá, thủy sản thông qua việc đánh bắt gần bờ.
Thu Thảo