Do cần tìm kiếm việc làm đảm bảo thu nhập mà nhiều nạn nhân đã bị lừa khi tiếp cận thông tin tuyển dụng, trên các trang mạng xã hội.
Tội phạm lừa đảo luôn có những chiêu thức mới và ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, do cần tìm kiếm việc làm đảm bảo thu nhập mà nhiều nạn nhân đã bị lừa khi tiếp cận thông tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội.
“Treo đầu dê, bán thịt chó”
Có nhu cầu tìm việc làm phục vụ tại quán ăn, chị Đoàn Thị Hồng Anh (22 tuổi, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã lên mạng xã hội Facebook để tìm kiếm thông tin. Chị Hồng Anh bị thu hút bởi một bài đăng tuyển dụng cho chuỗi nhà hàng T.D trên hội nhóm có tên “Hội tuyển dụng Bếp và Tìm kiếm việc làm” bởi những lời mời chào vô cùng hấp dẫn.
Cụ thể, mức lương cứng theo quảng cáo là từ 6.500.000 – 11.000.000 đồng cho các vị trí phục vụ bàn, phụ bếp, tạp vụ,… bên cạnh đó còn được thưởng và nhận hoa hồng từ doanh thu. Không chỉ vậy, khung thời gian làm việc cũng được mô tả rất linh hoạt, thoải mái. Đặc biệt, trong bài tuyển dụng còn nhấn mạnh, nhân viên làm việc tại đây sẽ được nhà hàng lo chỗ ăn, ở hoàn toàn miễn phí.
Ban đầu, chị Hồng Anh rất tin tưởng bởi chuỗi nhà hàng T.D khá nổi tiếng và có nhiều cơ sở tại Hà Nội. Vì vậy, chị nhanh chóng liên hệ với số điện thoại trên bài đăng, một người đàn ông tự xưng là quản lý tại chuỗi nhà hàng bắt máy và hẹn gặp chị để phỏng vấn.
“Song người này lại hẹn tôi ở một địa điểm “lạ”, không phải các cơ sở của nhà hàng và liên tục nhấn mạnh việc tôi phải mang theo giấy tờ tuỳ thân, 3 – 4 bộ quần áo để làm việc luôn.
Vì cũng đã đọc được những bài cảnh báo lừa đảo tuyển dụng nên tôi cảm thấy nghi ngờ và gọi đến đường dây nóng của nhà hàng này. Họ xác nhận với tôi rằng thông tin tuyển dụng đó hoàn toàn không phải của nhà hàng mà là lừa đảo”, chị Hồng Anh khẳng định.
Tương tự, anh Hà Minh Nhất (19 tuổi, quê Nghệ An) cũng bị “sập bẫy” lừa đảo với chiêu thức tương tự. Nghĩ rằng mình may mắn tìm được công việc phụ bếp với mức lương cao, anh Nhất quyết định đi từ Nghệ An ra Hà Nội để phỏng vấn và đi làm.
Tuy nhiên, khi đến địa chỉ theo hướng dẫn của “bộ phận tuyển dụng” của chuỗi nhà hàng, Minh Nhất ngạc nhiên khi thấy đây chỉ là một căn nhà, không có bảng hiệu của nhà hàng hay bất cứ thông tin gì khác.
“Khi vào trong tôi mới tá hoả phát hiện mình đã bị lừa. Những kẻ này là môi giới, có tư vấn giới thiệu việc làm cho tôi nhưng ở những nơi khác, không phải chuỗi nhà hàng T.D như thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội. Họ yêu cầu tôi cung cấp giấy tờ tuỳ thân để chụp ảnh lại.
Tôi đưa cho họ xem nhưng không muốn họ chụp lại nên ngỏ ý xin lại căn cước công dân, tuy nhiên người môi giới này không đồng ý. Họ ra điều kiện, nếu muốn lấy lại giấy tờ thì tôi phải trả 500.000 đồng tiền cọc.
Do trong người không còn đồng nào, mà ngồi lại đôi co lý lẽ với họ cũng không xong. Hết cách, tôi đành bỏ lại căn cước công dân”, Hoàng Minh Nhất bộc lộ sự khó chịu khi kể lại sự việc.
Kỹ năng để không sập bẫy?
Trước những vấn nạn mạo danh các thương hiệu có tiếng để lừa đảo tuyển dụng người lao động, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (38 tuổi, Hà Nội) – chủ sở hữu hệ thống nhà hàng T.D lên tiếng xác nhận, thời gian gần đây có những đối tượng lợi dụng hình ảnh của nhà hàng để trục lợi khiến nhiều nạn nhân “dính bẫy”.
Chiêu trò quen thuộc của những đối tượng này là lan truyền thông tin các chuỗi nhà hàng uy tín sắp mở thêm chi nhánh để lấy lòng tin của những người tìm việc. Các bạn trẻ từ tỉnh khác chân ướt chân ráo ra Hà Nội, chưa có kinh nghiệm xã hội là một trong số “con mồi béo bở” nhất của những kẻ lừa đảo này. Từ thực tế đáng buồn này, chủ nhà hàng T.D đưa ra những chia sẻ chân tình với người đi xin việc.
Đầu tiên, anh Mạnh Tuấn khuyến nghị người đi xin việc cần phải tìm hiểu kỹ để nắm được các thông tin cơ bản về nơi mình ứng tuyển như địa chỉ, tình hình kinh doanh có ổn định đủ đảm bảo được việc trả lương cho nhân viên hay không. Tiếp theo, người lao động cần chú ý về vấn đề hợp đồng lao động.
Các doanh nghiệp khi sử dụng lao động đều phải làm hợp đồng rõ ràng và đầy đủ các điều khoản ràng buộc hai bên, quy định rõ ràng về yêu cầu làm việc, mức thù lao, nội quy thưởng phạt cho người lao động.
“Đây là quyền lợi của người lao động nên các bạn trẻ cần xem xét kỹ để tránh gặp rủi ro. Đồng thời trong quá trình làm việc, nếu xảy ra tranh chấp thì hợp đồng lao động đóng vai trò quan trọng, là cơ sở để người lao động được pháp luật bảo vệ”, anh Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, vì tình trạng xuất hiện tràn lan môi giới việc làm không có tâm, lừa đảo, do đó để tránh rủi ro, người lao động chỉ nên thực hiện việc tuyển dụng ở đúng địa chỉ, cơ sở, chi nhánh ứng tuyển. Không nên tuyển dụng ở địa điểm bất kỳ và lại làm ở một địa điểm khác.
Anh Mạnh Tuấn cũng chia sẻ thêm, các thương hiệu lớn thường sẽ không thu bất cứ khoản phí tuyển dụng nào, hay bắt người lao động đóng “tiền cọc” và giữ giấy tờ tuỳ thân của những người lao động vì đây là sự “bắt bí” hoàn toàn sai luật.
Hà Trang