Đều đặn buổi chiều thứ 2, 4, 6, các cụ ông, cụ bà lại mang vở, bút, máy tính bảng, điện thoại đến Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ trẻ.
Giấu người nhà đi học
Buổi chiều đầu tuần thứ hai của tháng 8, không hẹn mà gặp, các học viên từ 60 đến hơn 80 tuổi từ khắp các địa bàn của TPHCM tề tựu đến lớp học công nghệ thông tin tại Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ trẻ.
Đây là buổi học thứ 12, cũng là buổi cuối của khóa học kéo dài một tháng. Trong suốt những tuần qua, để đến lớp học, nhiều cụ được con cháu đưa tận cửa nhưng không ít cụ đi lại bằng xe ôm công nghệ, xe buýt hoặc tự đi xe máy.
Lớp học có khoảng 20 học viên, người đứng lớp là giáo viên của Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ trẻ và những sinh viên tình nguyện. Trong lớp, các học viên dù tuổi cao nhưng ai cũng đều rạng rỡ, nói cười, trao đổi chia sẻ với nhau như đang trở lại thời thanh xuân. Vào giờ học, các cụ bắt đầu lấy vở bút để lên bàn kèm chiếc điện thoại của mình, ai nấy đều chăm chú nghe thầy giảng và bắt đầu thực hành theo người hướng dẫn.
Đặng Thị Mộng Tuyền – sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM, tình nguyện viên tại lớp học, cho biết: Để giúp các cô, chú cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo trên mạng, trong giờ học em và các bạn tình nguyện viên đã hướng dẫn cho từng người cách cài đặt quyền riêng tư khi sử dụng mạng xã hội. Mục đích là ngăn chặn những người lạ nhắn tin, gọi điện thoại đến. Đồng thời thường xuyên nhắc nhở các cô chú không kích vào những link lạ. Nếu có người lạ nhắn tin, nhưng xác định là không quen biết thì nên chặn luôn tin nhắn.
Tham gia lớp học có hai chị em ruột là bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng và bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, đều ngoài 60 tuổi. Mặc dù, nhà ở TP Thủ Đức (TPHCM), cách lớp học chừng 20km nhưng đều đặn mỗi buổi học, hai bà luôn có mặt tại lớp học trước 20 phút.
Bà Hồng chia sẻ, hai chị em quyết định tham gia lớp học sử dụng điện thoại thông minh để bản thân không cảm thấy lạc lõng khi không hiểu biết về công nghệ. Trong suốt khóa học, do không thể tự đi xe máy nên bà Hồng và bà Dung đã di chuyển bằng xe buýt đến lớp.
“Ở nhà, con cháu thường xuyên liên lạc, trò chuyện thông qua mạng xã hội. Thành viên gia đình, bạn bè của tôi cũng tạo nhóm chat để chia sẻ hình ảnh, khoảnh khắc đáng nhớ, trong khi hai chị em chỉ biết nhấn nút nghe, gọi trên điện thoại… Trong khi đó, các con công việc cũng bận rộn, mấy đứa cháu thì đi học suốt ngày.
Nhiều hôm cũng nhờ các cháu hướng dẫn, nhưng vì thao tác chậm nên các cháu thường làm cho luôn. Thế nên, khi biết đến lớp học, hai chị em quyết định đăng ký theo học”, bà Hồng chia sẻ.
Ngồi bên cạnh chị gái mình, bà Dung tiếp lời, những buổi học của tuần đầu tiên, bà thường gặp cảnh nhớ trước quên sau bởi có quá nhiều thao tác và từ ngữ tiếng Anh. Đến nay kết thúc khóa học, bà Dung cơ bản thành thục gọi Zalo, Messenger (nền tảng của Facebook) cho cháu, tự tìm nội dung mà mình muốn xem trên YouTube…
“Mỗi buổi học ngoài giáo viên còn có các cháu sinh viên tình nguyện hỗ trợ nên cái gì khó chúng tôi sẽ hỏi ngay. Khi học, tôi đều ghi chép trên sổ tay để về nhà nếu cần thì xem lại để giúp nhớ bài lâu”, bà Dung chia sẻ.
Trong suốt quá trình học tập tại lớp học đặc biệt này, hai chị em bà Hồng giấu người nhà. “Nhiều bữa thấy các con cũng hỏi đi đâu, tôi chỉ trả lời chung chung là đi công chuyện. Sở dĩ hai chị em lại giấu không cho người nhà biết là vì muốn tạo bất ngờ cho con cháu…”, bà Hồng chia sẻ.
Học để không lạc lõng, tụt hậu
Trước đây, ông Nguyễn Chương (quận Phú Nhuận, TPHCM) chỉ sử dụng điện thoại “cục gạch” với những thao tác cơ bản. Thế nên, khi sở hữu chiếc điện thoại thông minh, ông cảm thấy bối rối. Đặc biệt, khi biết chiếc điện thoại mới tích hợp nhiều tiện ích, ứng dụng có lợi, cần thiết cho cuộc sống, ông lại càng tò mò.
Đôi lúc, ông cảm thấy “bực bội” vì không hiểu, sử dụng được những tiện ích mà thiết bị này đem lại. Tuy nhiên, sau 12 buổi tại lớp học “xóa mù công nghệ” này, ông được giáo viên và các tình nguyện viên hướng dẫn sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Ông Chương chia sẻ: “Trước đây, tôi không biết đặt xe ôm công nghệ, đặt đồ ăn, chuyển khoản… qua điện thoại mà phải nhờ người thao tác nên thấy rất phiền. Do đó, khi biết có lớp học dạy sử dụng công nghệ này, tôi thấy cần thiết nên động viên vợ cùng đăng ký tham gia.
Mục đích của tôi là sau khóa học, vợ chồng có những hiểu biết nhất định về điện thoại thông minh, sử dụng được các ứng dụng như ngân hàng, đóng tiền điện, nước, gọi, đặt xe, mua thức ăn…”.
Tương tự, bà Phạm Thị Kim (78 tuổi) trú tại Quận 8 chia sẻ, khó khăn nhất với người cao tuổi khi đi học là hay quên. Dù được học lý thuyết trên lớp nhưng khi bước vào phần thực hành, nhiều thao tác khó thực hiện. Tuy nhiên, bà Kim không vì thế mà bỏ cuộc. Sau buổi học trở về nhà, một mình bà lại mở sổ tay đọc kỹ rồi mò mẫm cho đến khi làm thông thạo mới thôi.
“Nhờ đi học công nghệ thông tin nên cuộc sống hằng ngày, ít phải dựa dẫm vào con cháu. Tôi có thể tự quản lý tiền nhờ cài và sử dụng thành thạo ứng dụng ngân hàng, biết chuyển tiền trực tuyến, nhận lương hưu, đóng tiền điện, nước và nhất là… nhận tiền biếu tặng từ con cháu.
Đặc biệt, từ ngày đi học đến nay tôi đã tự nhắn tin trên Zalo, Facebook, nói chuyện với nhóm lớp, liên lạc với con cháu bằng điện thoại thấy mặt mà không cần chúng chỉ dẫn nữa. Chưa kể tôi còn biết truy cập Internet, xem báo cập nhật thông tin, nhất là xem và nghe kinh Phật trên điện thoại luôn”, bà Kim vui mừng nói và chia sẻ: “Khi đến lớp, tôi còn được gặp gỡ, trò chuyện với những người cùng tuổi nên tinh thần rất thoải mái. Tôi thấy lớp học là một sân chơi bổ ích vừa đem lại kiến thức vừa giúp người cao tuổi có nơi sinh hoạt đồng trang lứa”.
Cùng khóa học này, còn có ông Phan Gặp (82 tuổi), trú tại quận Phú Nhuận (TPHCM). Ông Gặp vốn là giáo viên dạy các môn Toán, Lý, Hóa bằng tiếng Anh. Dù đã về hưu, cao tuổi nhưng khi có điện thoại thông minh, ông vẫn mày mò tìm hiểu và có thể sử dụng ở mức cơ bản.
Khi biết có lớp học, ông quyết định tham gia để mình không tụt hậu. Ông Gặp tâm sự: “Dù đã về hưu nhưng tôi vẫn sử dụng điện thoại thông minh để tải và cài đặt ứng dụng cần thiết như: Máy tính, từ điển, bản đồ… Hàng ngày, tôi vẫn sử dụng các ứng dụng này để giải đề Toán, Lý, Hóa như một cách rèn luyện trí não. Tôi cũng biết sử dụng mạng xã hội và một số ứng dụng khác. Tuy nhiên, tôi vẫn đi học để hoàn thiện những kiến thức về điện thoại thông minh”.
Giúp người lớn tuổi tránh bị lừa đảo
Bà Thiềm Phương Anh – phụ trách mảng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ trẻ cho biết, lớp học sử dụng công nghệ được thành lập từ năm 2013 và duy trì đến nay.
Trước đây, trung tâm chỉ chú trọng dạy học viên làm quen với máy vi tính. Sau này, các giáo viên dạy thêm về cách sử dụng máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh.
Những năm gần đây, thực tế việc sử dụng điện thoại thông minh của người cao tuổi tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu trên, trung tâm đã tăng số buổi học từ 5 – 6 buổi/khóa lên 12 buổi/khóa, từ 14 giờ 30 phút và kéo dài trong 2 giờ các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần.
Bà Phương Anh cho biết: “Hiện nay, các cô chú đến đây chủ yếu mong muốn được học cách sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng. Các cô chú muốn sử dụng điện thoại thông minh để kết nối với con cháu, làm chủ ứng dụng có lợi để tự phục vụ một số nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày như: Đặt đồ ăn, đặt xe, sử dụng bản đồ để tìm đường…
Bắt đầu mỗi buổi học, các học viên thường dành một khoảng thời gian sinh hoạt chung, thậm chí tổ chức sinh nhật cho nhau. Khi lớp học bắt đầu, học viên sẽ được những tình nguyện viên trực tiếp hướng dẫn, thao tác và giải đáp thắc mắc về chiếc điện thoại thông minh. Điều đáng mừng là nhiều cô chú sau các buổi học tự tin cho biết bản thân đã có thể kết nối với con cháu, làm chủ được một số ứng dụng, tiện ích có lợi trên điện thoại của mình”.
Chia sẻ thêm sau khi kết thúc khóa học, ông Phan Gặp phấn khởi nói: “Đến lớp, tôi được hướng dẫn về các phần mềm, tiện ích cần thiết và không nên có trên điện thoại của mình.
Bản thân hạnh phúc như khám phá được thế giới mới khi có thể làm chủ một số công nghệ, ứng dụng trên điện thoại thông minh. Tôi cũng được chia sẻ về cách nhận biết, xử lý thông tin giả trên mạng xã hội, các cuộc gọi mạo danh để không bị lừa”.
Giải thích rõ hơn về việc những giờ học hướng dẫn các học viên lớn tuổi cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng hiện nay, bà Phương Anh cho hay, mục đích mở khóa học không chỉ để các cụ ứng dụng được công nghệ thông tin, mà còn nâng cao hiểu biết của các cụ trong thời đại công nghệ số như hiện nay.
Thời gian qua, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng rộ lên rất nhiều, do đó trong quá trình các cụ theo học, giáo viên cũng như các tình nguyện viên luôn nhấn mạnh đến việc bảo mật an toàn trên không gian mạng.
“Khi các cụ thao tác thực hành trên không gian mạng, trung tâm sẽ luôn có những tiết nhắc nhở các cụ nhận biết như thế nào là một đường link mã độc, như thế nào là một trang web giả mạo, như thế nào là một OTP yêu cầu xâm nhập để chiếm tài khoản để từ đó các cụ nâng cao cảnh giác.
Thực tế chúng tôi biết được đây cũng là một điều rất khó để các cô chú có thể nhận biết được. Tuy nhiên 12 buổi, mình thường xuyên nhắc lại thì cô chú sẽ cảnh giác hơn khi thao tác trên không gian mạng”, bà Phương Anh chia sẻ.
Bà Thiềm Phương Anh chia sẻ: Thực tế thời gian qua, nhiều cô, chú lớn tuổi ở xa nên việc di chuyển đến lớp học khá vất vả. Vì vậy thời gian tới đây, mong muốn của trung tâm là sẽ mở rộng mô hình lớp học đến tận các địa phương xa trung tâm TPHCM như quận Gò Vấp hay các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè… để thuận tiện cho việc học tập của cô chú.
Hồ Phúc