Ở Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện không còn chỉ là nơi điều trị, còn có những lớp học đặc biệt. Gọi là đặc biệt, bởi, thầy cô giáo là các tình nguyện viên, học sinh là những bệnh nhi, sĩ số luôn biến động và giáo án có thể “cháy” bất cứ lúc nào nhưng luôn đầy ắp niềm vui và nụ cười. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, cũng có một lớp học dành riêng cho bệnh nhi ung thư như thế.
Có một lớp học mang tên “Lớp học vui vẻ”
Ở hành lang Khoa Ung bướu – Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2, bé Bùi Hạnh Nguyên (mắc bệnh ung thư máu, 8 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) đang nắn nót những nét vẽ cuối cùng của bức tranh “Hành tinh xanh”. Dù không khỏe sau mấy lần truyền thuốc nhưng bé Nguyên vẫn cố gắng hoàn thành bức vẽ, bởi hôm nay là hạn cuối nôp bài. “Nghỉ tay ăn cơm rồi vẽ tiếp con nhé”, ông Bùi Long Hải, ông nội của bé Nguyên chìa cà men cơm ra trước mặt cô cháu gái nhưng cô bé lắc đầu. “Con phải vẽ xong để còn kịp giờ đến lớp ông ạ”. Sắp đến giờ học, Nguyên nhờ ông bà nội thay cho cô bé bộ đồ mới, cõng bé đến lớp bởi đôi chân của em đã yếu, không thể tự bước đi. “3 tháng kể từ ngày nhập viện, cháu không bỏ một buổi học nào, cháu thích lắm, lúc nào cũng háo hức mong chờ đến giờ để đi học”, ông Bùi Long Hải cho hay.
Đón bé Nguyên từ ông bà nội, chị Lê Thị Mai, chủ nhiệm Câu lạc bộ Nét chữ xinh, phụ trách “Lớp học vui vẻ” tại Bệnh viện Nhi đồng 2 ấn tượng với cô học trò nhỏ có đôi mắt sáng và nụ cười tươi này. Sắp xếp chỗ ngồi cho Nguyên, chị Mai tiếp tục đón các bé bệnh nhi khác. Đúng 6 giờ tối, lớp học bắt đầu với bài hát “Trái đất này là của chúng mình” mà các con đã được dạy từ buổi học trước. Sau đó là các môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh…Xen lẫn tiếng giảng bài là những tiếng đọc bài ê a, những trò đùa tinh nghịch của lũ trẻ. Niềm vui, nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt trẻ thơ. Cứ vào tối thứ 2, 4, 6 và chủ nhật hàng tuần, nơi góc nhỏ của Bệnh viện Nhi đồng 2 lại diễn ra những buổi học đặc biệt như thế. Thỉnh thoảng, lớp học phải ngừng giữa chừng vì có phụ huynh vào xin phép cô cho bé đi tiêm thuốc.
“Lớp học vui vẻ” là cái tên mà chị Lê Thị Mai đặt cho lớp học dành riêng cho các bệnh nhi ung thư nơi đây. “Chúng tôi gọi là lớp học vui vẻ bởi ở đây chỉ có niềm vui. Ban đầu, khi mới đến lớp học, đa số các con đều tự ti, mặc cảm, nhút nhát, sợ sệt nhưng lâu dần các con trở nên mạnh dạn, tự tin. Ở đây hầu hết các con đều giống nhau, đều mắc bệnh ung thư, đầu không còn tóc. Thấy ai cũng giống mình, dần dà các con vui vẻ trở lại”, chị Mai chia sẻ.
Sau một thời gian làm tình nguyện viên hỗ trợ cho các bệnh nhi ung thư ở Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Lê Thị Mai bắt đầu nghĩ đến việc chăm lo tinh thần cho các con. Cùng với sự đồng ý của lãnh đạo Bệnh viện, năm 2018, một “Lớp học vui vẻ” đã ra đời tại Khoa Ung bướu – Huyết học. Tám năm trôi qua, lớp học đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho hàng trăm bệnh nhi, giúp các em có được niềm vui trong những ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư hiểm nghèo.
Gieo những hạt mầm hy vọng
Đến lớp với chai dịch truyền trên tay, cậu bé Bùi Phan Hoàng Tuấn (7 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) say sưa với những con chữ, phép tính. Em luôn chăm chú với mỗi lời giảng của các cô, chú tình nguyện viên. Thỉnh thoảng, em còn giơ tay xin phát biểu xây dựng bài. Đứng trước cửa lớp ngóng chờ con trai, chị Phan Thị Hân, mẹ của Tuấn không ngừng rơi nước mắt. Chị cho biết: “Đang học dở lớp 1 thì cháu phải nhập viện điều trị vì bệnh bạch cầu cấp dòng cao. Những ngày đầu biết mình bị bận, con rất buồn. Con buồn vì không được đi học nữa, bé rất ham học. Từ khi biết ở bệnh viện có lớp học, con luôn đòi mẹ đưa đi học, không bỏ một buổi học nào. Nhờ thế, đợt trở về nhà gần đây, con đã hoàn thành bài kiểm tra cuối kỳ và đạt kết quả cao. Con vui lắm, khoe khắp nơi”.
Sắp xếp lại 25 bức tranh tham dự cuộc thi vẽ của các học trò, chị Lê Thị Mai dừng lại trước bức tranh còn dang dở của bé H’Tinh – một bệnh nhi người dân tộc Ê-đê. Chị mới nghe tin H’Tinh trở nặng phải vào nằm ở Khoa Hồi sức tích cực, buổi học vì thế cũng vắng đi một học trò. Trong hành trình 8 năm của “Lớp học vui vẻ”, chị Mai và các tình nguyện viên không thể đếm được bao nhiêu cuộc chia ly với học trò của mình. Có em khỏe mạnh trở về nhà nhưng cũng có em không còn cơ hội ấy. Mỗi một buổi học bình thường nhưng cũng có thể là buổi học cuối cùng của các con, vì thế chị Mai và các tình nguyện viên luôn cố gắng mở lớp một cách đều đặn nhất. “Chúng tôi luôn ở đây, nơi phòng học nhỏ trong bệnh viện này, chỉ có các con là đến và đi với nhiều tâm thế khác nhau. Nhưng dù các con rời đi với tâm thế nào, chúng tôi cũng sẽ chỉ nhớ về nhau với những kỷ niệm vui vẻ. Mỗi lần mở cửa lớp, nhìn thấy các con đứng xếp hàng chờ đợi, niềm vui cứ thế dâng lên bất tận”, chị Lê Thị Mai chia sẻ về các học trò của mình.
Đúng như tên gọi, “Lớp học vui vẻ” luôn vui vẻ bởi những nụ cười, trò đùa tinh nghịch của trẻ thơ. Đến đây, các con dường như quên đi những đớn đau của bệnh tật, quên đi sự mặc cảm, tự ti khi đầu mình không còn tóc. Đến đây, các con được thắp lên những tia hy vọng về ngày mai – ngày các con được trở về với gia đình, với bạn bè, với mái trường mến yêu.
Đinh Hằng