Thầy Lê Tấn Phát (27 tuổi) – Trường TH thực hành, Trường ĐH Sư phạm TPHCM duy trì lớp học “Ánh sáng xanh” dành cho trẻ em nghèo gần 1 năm qua.
Đam mê dạy học miễn phí
Từ đầu tuần thứ 2 tháng 8/2024, rất đông học sinh có mặt tại lớp học “Ánh sáng xanh” để phụ thầy Lê Tấn Phát (người phụ trách lớp học) quét dọn, sắp xếp bàn ghế.
Sau 3 tháng tham gia lớp học đặc biệt, em Nguyễn Huỳnh Bảo Long (lớp 4, Trường Tiểu học Lý Nhơn) cho biết: “Ba mất, mẹ đi làm xa nên em sống với bà ngoại từ nhỏ. Công việc bán gỏi cuốn của ngoại thu nhập không cao nên không có tiền cho em đi học thêm. Mấy tháng trước, nghe nói có lớp dạy miễn phí của thầy Phát nên bà đã đăng ký cho em học ở đây. Từ khi theo học, kiến thức môn Toán và Tiếng Việt của em tốt hơn, có nhiều bạn mới”.
Tương tự, em Phạm Thiên Kim, lớp 5 Trường Tiểu học Lê Thánh Tôn nhờ thầy Phát kèm thêm mà năng lực học tập đã cải thiện theo từng năm. Bây giờ, ngoài học văn tốt, Thiên Kim còn làm toán nhanh và chính xác. “Trước đây, ngoài giờ học trên trường, em phải phụ gia đình, không có nhiều thời gian ôn lại bài cũ, khi gặp bài khó cũng không biết hỏi ai. Đến lớp học, được thầy chỉ bài rất kỹ, nhờ đó em học tốt hơn”, Thiên Kim chia sẻ.
Lớp học “Ánh sáng xanh” thuộc chương trình “Gia sư áo xanh” do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM (Thành đoàn TPHCM) phối hợp với các ban, ngành tổ chức từ hè 2023 dành cho trẻ em khó khăn, con em công nhân, người lao động. Thời gian qua, còn nhiều trẻ có nhu cầu được kèm cặp, phụ đạo kiến thức nên thầy Lê Tấn Phát không quản ngại khó khăn tiếp tục duy trì.
Lớp học đặc biệt diễn ra mỗi tuần 2 buổi với sự tham gia của hơn 12 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 tại các trường tiểu học trên địa bàn Quận 4. Lớp được trang bị 3 bàn gỗ cũ, 1 bảng xanh. Thầy Lê Tấn Phát bộc bạch: “Điều đáng mừng là ý thức học tập của học sinh rất tốt, ít khi xảy ra tình trạng đi học muộn giờ. Đặc biệt, vào mùa mưa, các em vẫn mặc áo mưa đến lớp đầy đủ. Đó là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với lớp học này”.
Lan tỏa điều tốt đẹp
Thầy Phát cho biết: “Dịp nghỉ hè, lớp học được tổ chức mỗi tuần 2 – 3 buổi vào ban ngày, lịch học cụ thể tôi sẽ thông báo trước. Vào năm học, lớp sẽ linh động dạy vào buổi tối hoặc cuối tuần. Tại lớp học, ngoài bổ trợ kiến thức môn Tiếng Việt, Toán và kiến thức xã hội cần thiết, tôi sẽ chú trọng dạy các em biết yêu thương cha mẹ, lễ phép với mọi người, tránh xa thói hư, tật xấu và biết tự bảo vệ bản thân”.
Thời gian đầu giảng dạy, học sinh theo học với đủ lứa tuổi, trong khi đó chỉ có một thầy giáo nên phải tổ chức lớp ghép, không thể dạy đồng bộ. Từ thực tế đó, thầy Phát tự mày mò, tìm ra hướng dạy phù hợp cho từng nhóm, học sinh. Việc tổ chức lớp như vậy, thầy giáo sẽ vất vả hơn nhưng học sinh được rèn kỹ.
“Có hai khó khăn trong việc duy trì lớp học. Một là thời gian không có nhiều, phải từ chối cả việc cá nhân, bạn bè để đi dạy miễn phí. Thứ hai, có nhiều khối lớp khác nhau nên việc soạn giáo án cũng đặc biệt hơn. Học sinh lớp 4 và lớp 5 dạy riêng, lớp 1 đến lớp 3 dạy riêng.
Trong năm học, tôi thường kết thúc giờ dạy tại Trường Trung học Thực hành lúc 17h00. Để kịp giờ dạy các em, tôi ăn vội rồi bắt xe ôm qua lớp. Dù mệt mỏi nhưng khi vào lớp, nghe lũ trẻ ríu rít hỏi bài, chia sẻ chuyện vui…, mọi mệt mỏi gần như tan biến hết”, thầy Phát chia sẻ.
Thầy Lê Tấn Phát quê ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đam mê nghề giáo từ nhỏ. Do đó, vừa tốt nghiệp THPT, Lê Tấn Phát chọn học ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Học được 1 năm, thầy bắt đầu tìm hiểu về các lớp học thiện nguyện của những tu viện, nhà chùa.
Nhận thấy người học các lớp này chủ yếu học sinh tiểu học, thầy liền đăng ký học thêm ngành Sư phạm Tiểu học. Tốt nghiệp đại học hạng xuất sắc, thầy được Trường Đại học Sư phạm TPHCM giữ lại, bố trí dạy tại Trường Trung học Thực hành.
“Khi còn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, tôi tham gia các chuyến thiện nguyện lên Tây Bắc hay về miền Tây để dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo. Đi nhiều, tiếp xúc với các hoàn cảnh khó khăn, tôi luôn muốn làm được nhiều thứ cho học sinh hơn nữa.
Bởi vậy khi các em còn cần, tôi sẽ còn dạy, cho dù lớp chỉ có một trò. Riêng với lớp học ‘Ánh sáng xanh’ không có ai giàu, nghèo, giỏi, dở, các em như nhau và chỉ chia sẻ những điều tốt đẹp”, thầy Phát tâm niệm.
“Cha mẹ không cản tôi dạy miễn phí, chỉ mong tôi dạy ít đi vì bản thân có bệnh tim. Gia đình cũng mong tôi về quê dạy luôn nhưng bản thân chưa nỡ bỏ TPHCM vì còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh nên vẫn luôn cố gắng”, thầy Lê Tấn Phát chia sẻ.
Hồ Phúc