Dạy trẻ trồng cây xanh không những chung tay bảo vệ môi trường mà còn giúp con phát triển tư duy, sáng tạo, tăng sự gắn kết giữa con và gia đình.
Học từ trồng cây xanh
Những năm gần đây, thời tiết bất thường xảy ra phức tạp, lũ chồng lũ, bão chồng bão, mưa lớn kéo dài liên tiếp, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội.
Đơn cử, mặc dù đã rất nỗ lực, khẩn trương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực, sức người, sức của phòng chống, ứng phó từ sớm, nhưng cơn bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng lớn, cường độ và diễn biến phức tạp, nên mức độ thiệt hại rất lớn.
Hàng nghìn học sinh ở nhiều địa phương đã phải nghỉ học tránh bão, trường học ngập trong nước, cây đổ ngổn ngang, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất hỏng hóc. Nhiều em sau đó không còn nhà để ở, không còn được gặp người thân… Tại Thủ đô Hà Nội, hàng chục nghìn cây xanh gãy đổ tan hoang.
Do đó, một trong những cách dạy trẻ bảo vệ môi trường là cùng con trồng, chăm sóc cây xanh. Thông qua đó, trẻ được tiếp xúc cây cối, đất trồng, hoa lá, côn trùng, giúp con kích thích trí tò mò.
Theo cô Nguyễn Thị Trường – Trường THCS Bình Bộ (Thanh Thủy, Phú Thọ), trồng cây hay làm vườn cùng bố mẹ không chỉ là một hoạt động học tập thú vị, mà còn giúp trẻ phát triển tình yêu và sự quan tâm đối với thiên nhiên. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình cùng nhau tận hưởng và xây dựng những kỷ niệm đáng nhớ bên nhau, đồng thời góp phần rèn sự kiên nhẫn, hoàn thiện tính cách cho trẻ.
Cô Trường cho rằng, nhân hành động này, cha mẹ cũng nên lồng ghép giúp trẻ hiểu về quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cỏ, học hỏi về chu kỳ sống của cây cối trong tự nhiên bằng cách chụp hình, viết nhật ký. Đồng thời, phát triển kỹ năng tư duy logic và quan sát của con thông qua việc theo dõi sự thay đổi của cây cối trong quá trình phát triển. Hoạt động này cũng nâng cao trách nhiệm của con khi tự tay chăm sóc và quản lý cây mà con trồng.
Muốn vậy, cha mẹ hãy lựa chọn và tìm hiểu những loài cây dễ trồng và phù hợp với điều kiện sống trong môi trường nơi ở. Hàng ngày, hướng dẫn con cách chăm sóc như tưới nước, cắt tỉa, nhổ bỏ cỏ dại và bảo vệ cây khỏi sâu bệnh.
Cũng theo cô Trường, cha mẹ nên hướng dẫn và truyền đạt cho con cách yêu quý và bảo vệ cây cối, để con nhận thức về vai trò của chúng trong môi trường sống và hành xử đúng mực. Khi trẻ học được cách tôn trọng cây cối là đang đóng góp bảo vệ duy trì sự tồn tại, đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên chung.
Khuyến khích sự tìm tòi
Theo cô Nguyễn Kim Dung – Trường Tiểu học Đại Yên (Ba Đình, Hà Nội), để giúp trẻ yêu và gắn bó với thiên nhiên, cha mẹ có thể cho trẻ tham gia dã ngoại, trại hè hay các hoạt động ngoài trời. Đây là một trong các hình thức giáo dục kỹ năng sống cực kỳ hiệu quả, đặc biệt là giúp bé yêu thiên nhiên và khám phá thế giới xung quanh.
Người lớn hãy dẫn bé đến tham quan công viên, các khu bảo tồn thiên nhiên hay những cuộc leo núi an toàn, phù hợp. Trẻ có thể tìm hiểu đa dạng hơn về các loài động vật và cây cối để thêm yêu và biết cách bảo vệ môi trường hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể cùng con tham gia vào các hoạt động như đi thuyền, câu cá hoặc bơi lội, để bé có thể tìm hiểu về các hệ sinh thái nước ngọt và nước biển. Cha mẹ nên khuyến khích con tìm hiểu về các loài động vật, cây cối, địa hình và hiện tượng tự nhiên thông qua việc đọc sách, xem video hoặc tham gia vào các hoạt động nghiên cứu nhỏ. Bé có thể học được nhiều điều thú vị và mở rộng kiến thức của mình về tự nhiên.
Phụ huynh cũng có thể sử dụng trò chơi và hoạt động sáng tạo để trẻ khám phá và tìm hiểu về thế giới tự nhiên. Ví dụ như xây dựng một mô hình hệ sinh thái, tạo ra tranh vẽ về động vật hoặc hoa cỏ, chơi các trò chơi mô phỏng môi trường tự nhiên. Ngoài ra, lựa chọn những cuốn sách truyện và phim ảnh cho con có nội dung xoay quanh thiên nhiên, động vật, cây cối và môi trường. Chọn các câu chuyện có thông điệp bảo vệ môi trường, khám phá thiên nhiên hoặc những cuộc phiêu lưu trong tự nhiên.
Sau đó, cha mẹ hãy dành thời gian thảo luận và trò chuyện với con về nội dung. Hỏi con về những gì học được từ câu chuyện, cảm nhận về thiên nhiên để tạo cơ hội cho con thể hiện ý kiến và suy nghĩ của mình.
“Gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ được đánh giá là nhân tố quan trọng giúp tăng cường khả năng tư duy và sáng tạo của trẻ. Không những thế, thiên nhiên còn mang đến cho con những rung cảm tinh tế, sự cảm nhận cái đẹp và tình yêu thương để con hoàn thiện nhân cách khi trưởng thành”, cô Dung chia sẻ.
“Chúng ta phải dạy trẻ, nhất là những bé còn nhỏ không tự ý hái hoa, bẻ cành hay leo trèo cây cối, xả rác bừa bãi quanh gốc cây. Cha mẹ phải chỉ rõ, lên án hành động này và không khuyến khích con làm như vậy”, cô Trường lưu ý.