Nhờ canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ, chị Trần Thu Trang (39 tuổi, quê xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã thu về lợi nhuận cao và góp phần cung cấp sản phẩm nông sản sạch cho người tiêu dùng.
Về xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, hỏi thăm đến nông trại Dfarm Quảng Trị, người dân hầu như ai cũng biết. Cùng với sự chỉ dẫn nhiệt tình, chúng tôi còn được nghe cả những lời khen: “Thu Trang là người tiên phong với mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng tại Quảng Trị, là điểm sáng ở vùng đất nắng gió khắc nghiệt này”.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nông trại, chị Trần Thu Trang giới thiệu: “Mùa Hè trồng các loại dưa lưới, dưa lê, dưa hấu; mùa Đông trồng các loại rau, cà chua, táo phục vụ thị trường Tết, thuận theo thời tiết, cùng với kỹ thuật chăm sóc sẽ cho nông sản chất lượng tốt”. Ở Dfarm Quảng Trị thời điểm cuối tháng 5, dưa lê, dưa hấu đang cho thu hoạch. Các loại rau như bầu, bí cũng đã bắt đầu cho sản phẩm. Táo hữu cơ thì đang vươn cành chuẩn bị ra hoa, đậu quả phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Là công chức địa chính nông nghiệp nhưng chị Trần Thu Trang xin nghỉ việc, đầu tư mở nông trại nông nghiệp công nghệ cao trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bởi sau 15 năm công tác tại huyện Đakrông và Vĩnh Linh, chị Thu Trang nhận ra không thể làm giàu nếu chỉ dựa vào mức lương công chức.
Đầu năm 2019, nhận thấy xu hướng làm nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển mạnh, chị Thu Trang quyết định lên kế hoạch, tìm hiểu thị trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về quỹ đất, huy động nguồn vốn, nhân lực để cho ra đời Dfarm Quảng Trị tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh. “Sau khi khảo sát kỹ càng chúng tôi thấy đất đỏ bazan ở thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch rất phù hợp để sản xuất nông nghiệp. Lúc đó, vùng đất này vốn thuộc quyền sử dụng của nhiều hộ dân và trên đất đang trồng cây cao su. Muốn có mặt bằng lập trang trại, chúng tôi phải thuyết phục từng hộ chuyển giao lại quyền sử dụng đất. Khi có đủ mặt bằng, chúng tôi đã lên phương án cải tạo và chuyển đổi sang đất hữu cơ bằng phương pháp canh tác nhiều loại cây ngắn ngày như rau màu, củ cải đỏ, dâu tây… với thời gian cần thiết giúp đất có thời gian nghỉ đúng quy định về sản xuất hữu cơ”- chị Thu Trang chia sẻ.
Sau gần một năm bắt tay vào xây dựng, đến năm 2020, Dfarm Quảng Trị được hình thành bao gồm hệ thống 10 nhà màng hiện đại, có diện tích hơn 5.000 m2, với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng, được thiết kế chuẩn từ khung thép chịu lực; lớp màng nilon, lưới chắn côn trùng; hệ thống tưới tự động; bón phân độc lập… đều được nhập từ Nhật Bản, Israel.
Theo chị Trang, để có thể tạo ra sản phẩm hữu cơ chất lượng cao phải tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất. Toàn bộ các công đoạn đều được chuyên gia về nông sản hữu cơ cùng đội ngũ kỹ sư nông nghiệp được đào tạo bài bản; trong đó, có 2 kỹ sư du học ở Israel trực tiếp đảm trách. Ở đây, mỗi công đoạn đều được áp dụng theo tiêu chuẩn mới nhất, kỹ thuật tiên tiến nhất. Từ công nghệ xử lý đất bằng cách ủ nhiệt của Nhật Bản, đến công nghệ phân hữu cơ vi sinh của Mỹ, công nghệ tưới của Israel. Ở trang trại Dfarm Quảng Trị, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoá học, chỉ dùng phân hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật bằng các biện pháp sinh học để cây luôn phát triển tự nhiên, chất lượng sản phẩm tốt.
Dẫn chúng tôi tham quan hệ thống tưới tự động, chị Trang cho biết, chỉ cần một thao tác nhẹ nhàng, toàn bộ hệ thống 10 nhà màng sẽ được cung cấp nước tưới nhỏ giọt. Chất dinh dưỡng truyền cho cây trồng theo từng thời kỳ cũng được lập trình sẵn. Hiện trang trại đang chọn 2 loại cây chủ lực gồm dưa lê, dưa lưới đưa vào sản xuất vì những loại trái cây đang được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là các tỉnh thành ở miền Bắc bởi hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Ngoài ra, Dfarm Quảng Trị còn trồng các loại cây khác như: táo xanh, dưa đỏ da đen…
Chia sẻ hành trình 5 năm khởi nghiệp, điều chị Trang vui nhất đó chính là khách hàng luôn tin tưởng, sử dụng sản phẩm của mình làm ra. Nếu như năm 2020, khách hàng mua lẻ chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì đến nay, lượng khách hàng này đã chiếm 40-50% sản lượng nông sản bán ra của Dfarm Quảng Trị. Hiện Dfarm Quảng Trị đang được chủ nhân chăm chút, đầu tư bài bản và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm, Dfarm Quảng Trị trồng dưa lưới, dưa lê, dưa hấu theo đơn đặt hàng của các đầu mối tiêu thụ tại các tỉnh thành và tiêu thụ qua kênh bán lẻ, với tổng sản lượng 25 tấn dưa các loại.
Từ các loại dưa được trồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ: TCVN 11041-1:2017 và TCVN 11041-2: 2017, Dfarm Quảng Trị đang thu về 1,6 tỷ đồng mỗi năm, trừ chi phí lãi ròng khoảng 1 tỷ đồng. Và thời gian từ tháng 10 – 12, trang trại này trồng các loại rau, cà chua, táo phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, với doanh thu trên dưới 500 triệu đồng, lãi ròng gần 300 triệu đồng.
Theo chị Trang, điều giúp chị không bỡ ngỡ và tự tin đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là nhờ có thời gian công tác trong ngành nông nghiệp. Bản thân gia đình chị trước đó đã từng trồng 2 ha bưởi theo hướng canh tác tự nhiên. Tuy nhiên, trồng bưởi theo hướng canh tác tự nhiên tạo ra sản lượng lớn nhưng đầu ra không ổn định, trong khi các sản phẩm hữu cơ có thị trường tiềm năng rất lớn do người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và môi trường.
Tiên phong, bền bỉ theo đuổi đam mê, Dfarm Quảng Trị của chị Thu Trang đang tích cực góp phần lan tỏa phương thức sản xuất hữu cơ đến nền nông nghiệp Quảng Trị. Từ đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thương hiệu, đưa nhiều nông sản Quảng Trị đến gần hơn với thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường. Với chị Trang, mùa thu hoạch đồng nghĩa với việc chị dành hết thời gian chăm bẵm Dfarm Quảng Trị. Và sau khi các nhân công kết thúc giờ làm việc cũng là lúc chị đi kiểm tra lại tổng thể tất cả các nhà màng để đảm bảo cây trồng luôn được chăm sóc một cách chu đáo nhất, mang lại giá trị cao nhất.
Ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết: Dfarm Quảng Trị là mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng nhà màn có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Trị, tất cả các sản phẩm ở nông trại này được chứng nhận theo tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Nông trại đã xây dựng được chuỗi liên kết, từ sản xuất đến phân phối sản phẩm ra thị trường, đặc biệt Dfarm Quảng Trị đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm nông sản chất lượng cao nên được thị trường ưa chuộng, đón nhận rất tốt.
Theo ông Trang, Dfarm Quảng Trị đã tích cực góp phần lan tỏa phương thức sản xuất hữu cơ đến nền nông nghiệp Quảng Trị đang trong tiến trình đẩy mạnh cơ cấu lại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thương hiệu, đưa nhiều nông sản Quảng Trị đến gần hơn với thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường./.
Nguyên Linh