Việt Nam cần khuyến khích doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để tăng uy tín doanh nghiệp đồng thời đáp ứng các điều kiện về hàng rào thuế quan vào các thị trường đòi hỏi “xanh” như EU và Hoa Kỳ.
Chiều 6/6, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm “Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn” và ra mắt chuyên mục Kinh tế xanh và Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn trên VnEconomy và các ấn phẩm báo chí của Tạp chí Kinh tế Việt Nam.
Với chủ đề Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn, Tọa đàm được cấu trúc thành 2 phiên: Phiên tham luận với chủ đề: “Thực tiễn triển khai ESG và các sáng kiến kinh tế tuần hoàn trong các ngành/lĩnh vực kinh tế”. Phiên thảo luận với chủ đề: “ESG và kinh tế tuần hoàn: lồng ghép thực thi tạo sức bật chuyển đổi xanh”.
Có thể thấy rằng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là một tham vọng rất lớn mà Việt Nam đang hướng tới để có thể hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ của mình theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trước yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đang dần thay đổi cả chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững, điều tra thăm dò, thiết kế, chế biến, phân phối, thu gom, vận chuyển, tái chế và tái sử dụng chất thải…
Các nước phát triển đã dựng các hàng rào về phát thải carbon, có hiệu lực chính thức từ tháng 1/2026 để thúc đẩy các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, thực hiện giảm phát thải. Như vậy, từ ngày 1/1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản thì phải chứng minh được hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau ngày 31/12/2024. Ngoài ra, còn các vấn đề như xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa trong doanh nghiệp sản xuất.
Do đó, để không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần khuyến khích doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để tăng uy tín doanh nghiệp đồng thời đáp ứng các điều kiện về hàng rào thuế quan vào các thị trường đòi hỏi “xanh” như EU và Hoa Kỳ.
Theo các chuyên gia, áp dụng nguyên tắc ESG đi kèm đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là một lợi thế cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức, vấn đề mới đối với các doanh nghiệp.
Với vai trò là doanh nghiệp dệt may, lĩnh vực phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo trong “xanh” hóa, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, việc thực hành ESG và áp dụng các biện pháp tuần hoàn sẽ góp phần thúc đẩy tạo việc làm, tiếp cận công bằng các nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng, giúp tăng trưởng toàn diện và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, việc thực thi ESG và đảm bảo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một quá trình dài hạn.
Để loại bỏ các rào cản trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh ngoài việc thể chế hóa các tiêu chuẩn đối với các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp cần xác định khoảng cách kỹ năng trong công ty. Từ đó, xây dựng chương trình đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực cấp quốc gia để phục vụ quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tới người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng là điều nên thực hiện. Đồng thời, xây dựng văn hóa tiêu dùng các sản phẩm xanh, bền vững từ đó ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất đảm bảo trách nhiệm, đạo đức kinh doanh.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng nhận định: “Việc áp dụng ESG, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, nhận thức mới nên cần có chủ trương và chiến lược cụ thể. Đồng thời, cần hướng dẫn chi tiết, không thể để các doanh nghiệp đi theo phòng trào mà nên thực hiện phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Ngoài ra, nhà nước có thể cùng vào các hiệp hội để tháo gỡ vướng mắc về nhận thức, đưa ra các định hướng cho các doanh nghiệp”.
Thu Cúc