Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, tuy nhiên chất lượng con giống thuỷ sản của tỉnh Bình Thuận vẫn được đảm bảo. Để tiếp tục có nguồn con giống chất lượng, đặc biệt là tôm, các đơn vị, cá nhân tại tỉnh này đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giữ vững uy tín và thương hiệu tôm giống Bình Thuận.
Tôm giống Bình Thuận được nuôi tập trung ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, đây được xem là địa điểm nuôi tôm giống có chất lượng và cung cấp cho thị trường cả nước. Vùng biển Vĩnh Tân có ít nước ngọt từ sông ngòi đổ ra biển nên có độ mặn ổn định quanh năm, giàu hàm lượng khoáng, các yếu tố lý hóa rất hợp với nuôi tôm giống.
Để tiếp tục phát triển ngành nuôi tôm giống, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã tích cực ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng sản xuất. Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 128 cơ sở với 764 trại sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, chủ yếu là tôm giống, trong đó hơn 50 công ty có vốn đầu tư trong nước và 2 công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Gần đây, nhiều cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng quy mô, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ để giữ vững uy tín và thương hiệu tôm giống Bình Thuận. Để phát triển lĩnh vực nuôi tôm giống đạt hiệu quả cao, ít dịch bệnh, hiện nay nhiều công ty lớn tại tỉnh Bình Thuận đã ứng dụng những công nghệ mới như chẩn đoán bệnh thủy sản bằng phương pháp RT-PCR, công nghệ xử lý nước đầu vào phục vụ sản xuất, công nghệ nuôi cấy tảo tươi làm thức ăn cho ấu trùng tôm hay công nghệ nâng, giảm nhiệt độ nước trong ương nuôi ấu trùng tôm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm giống. Nhờ đó, sản lượng tôm giống Bình Thuận sản xuất và tiêu thụ trên 25 tỷ con/năm.
Thông tin từ Hiệp hội Tôm Bình Thuận, để giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tôm giống theo hướng chất lượng cao, kháng bệnh, không sử dụng kháng sinh. Đối với nguồn tôm bố mẹ, một số đơn vị đã tiên phong và đạt thành công trong việc nghiên cứu tự sản xuất nguồn tôm bố mẹ, có thể truy xuất nguồn gốc, giống có tỷ lệ sống cao, có sức đề kháng và thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, hiện nay không còn phụ thuộc vào nguồn giống nhập ngoại.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quá trình ương dưỡng tôm giống, trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận đã triển khai giám sát cách ly kiểm dịch 72.240 con/82 lô tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu, giám sát cách ly tôm bố mẹ nuôi trong nước 17.658 con/23 lô, trong đó 8.058 con/11 lô tôm nuôi từ Bình Thuận. Tất cả các lô tôm giống đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh phải cho kết quả xét nghiệm âm tính với các bệnh theo quy định như hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND); đốm trắng do virus trên tôm (WSD) và hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHND).
Ngay từ năm 2018 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận, đã lấy và gửi xét nghiệm tổng số 1.139 mẫu các loại (mẫu tôm post, mẫu thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ, mẫu nước hồ nuôi tôm), kết quả đã giúp các doanh nghiệp tham gia chương trình nhận biết những vấn đề còn tồn tại để điều chỉnh các khâu trong quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng tôm giống tốt nhất.
Cũng theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay tỉnh Bình Thuận đã có 2 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các bệnh đăng ký giám sát theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) và quy định của Việt Nam. Sắp tới, sẽ có 9 doanh nghiệp sản xuất tôm giống đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo Thông tư số 24 ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Nhìn chung, ứng dụng công nghệ cao giúp tối ưu hóa điều kiện nuôi, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm giống nói riêng. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại là xu hướng tất yếu để tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, an toàn, hạn chế dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Mạnh Tường