(Chinhphu.vn) – TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, TP. Hà Nội cần khai thác các tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của Hà Nội để phát huy tối đa cho phát triển Thủ đô Hà Nội.
Tăng cường kết nối vùng để phát huy thế mạnh của Thủ đô
Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị mới ban hành về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 yêu cầu, TP. Hà Nội cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế – xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.
Chia sẻ với báo chí, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhận định, Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị là căn cứ chính trị quan trọng để hoàn chỉnh hai đồ án quy hoạch, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Về nội dung cụ thể của Kết luận số 80-KL/TƯ, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm đặc biệt lưu tâm đến yêu cầu của Bộ Chính trị đặt ra về “Tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long – Hà Nội trong suốt hơn 1.000 năm lịch sử và các tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của Hà Nội để khai thác, phát huy tối đa cho phát triển Thủ đô”.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, đây là vấn đề rất mới vì Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4-5-2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Trong các cực tăng trưởng, thành phố Hà Nội giữ vai trò dẫn dắt quá trình phát triển của vùng và cả nước.
Về phương hướng phát triển các đô thị trung tâm, Hà Nội được định hướng trở thành một đô thị lớn quốc gia, đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, dẫn dắt; phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; đầu tàu trong khoa học, công nghệ; trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ giáo dục và đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng chất lượng cao; đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế.
Với nhiệm vụ được Bộ Chính trị đặt ra, tại hai đồ án quy hoạch lớn của Thủ đô, Hà Nội phải nghiên cứu cụ thể để làm rõ vai trò, vị trí của Thủ đô với vùng Đồng bằng sông Hồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cũng như trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả vùng Thủ đô.
Đối với 8 nội dung chỉ đạo 2 đồ án quy hoạch, theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, bên cạnh những vấn đề chung, Bộ Chính trị đã chỉ ra nhiều nội dung cụ thể, trong đó chú trọng đến phương án giao thông tại Thủ đô Hà Nội.
Trong nhiệm vụ chung đặt ra là tăng cường kết nối vùng để phát huy thế mạnh hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, hàng không, đường sắt của Thủ đô Hà Nội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước, Bộ Chính trị “chỉ định” cụ thể cần “thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hòa Lạc”.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, yêu cầu này đòi hỏi Hà Nội phải có nghiên cứu kỹ về hành lang tĩnh không, bố trí mạng lưới công trình cao tầng và giao thông kết nối trong khu vực.
Về việc tiếp tục thực hiện lộ trình và cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở cơ quan, trụ sở doanh nghiệp lớn ra ngoài nội đô, Bộ Chính trị nêu yêu cầu cụ thể: “Chuyển đổi công năng trụ sở một số bộ, ngành, doanh nghiệp lớn để ưu tiên xây dựng các bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung tâm chính trị Ba Đình; các không gian văn hóa, sáng tạo, không gian công cộng, công viên cây xanh…”.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, thực hiện những chỉ đạo cụ thể trên của Bộ Chính trị, Hà Nội cần tiếp tục điều chỉnh hai đồ án quy hoạch, đặc biệt để đáp ứng những yêu cầu lần đầu tiên đặt ra. Thời gian tới, thành phố cần phải có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Quốc hội, nâng cao chất lượng đồ án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát triển sông Hồng thành “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô
Nhằm nâng tầm giá trị của trục cảnh quan sông Hồng đã được khẳng định trong nhiều năm qua, Bộ Chính trị nhấn mạnh thành phố Hà Nội cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô. Trong đó, đặc biệt lưu ý cần có sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô.
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, sông Hồng là không gian cảnh quan chủ thể kết nối bờ Bắc và bờ Nam, là trung tâm của các tuyến phát triển không gian và như chứng nhân lịch sử, một cầu nối giữa quá khứ – hiện tại – tương lai mà cầu Long Biên là một chứng tích vắt qua 3 thế kỷ. Đối với bộ mặt cảnh quan không gian đô thị, sông Hồng trở thành không gian kết nối, không gian giao thoa giữa không gian cũ và không gian mới, giữa không gian của lịch sử và không gian của tương lai.
KTS. Trần Ngọc Chính đánh giá, sông Hồng có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt, khu vực bãi nổi giữa, bãi ven sẽ được tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế – xã hội.
Để phát triển khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên phối hợp tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng.
Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng đã được khởi động. Theo KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, để các cá nhân, tập thể tham gia dự thi hiểu rõ hơn những yêu cầu đặt ra và đáp ứng với những ý tưởng sáng tạo nhất, cần làm sáng rõ thêm nhiều thông tin quan trọng và cần thiết.
Cụ thể, KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, cần cung cấp thông tin về mực nước, bởi quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng không thể tách rời với các quy hoạch liên quan đến sông Hồng và mực nước sông Hồng. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các bản vẽ về đô thị, sử dụng đất rất nhiều nhưng thông tin liên quan đến nước chỉ có: “Đất mặt nước khoảng 3.244ha” (quy mô tổng diện tích đất 10.996ha). Trong khi mực nước sông Hồng chênh lệch giữa mùa lũ, mùa cạn rất lớn. Nếu như lũ lớn (năm 1971) nước mấp mé mặt đê thì diện tích mặt nước sẽ là 10.996ha; còn năm khô hạn (như năm 2015) nước sông cạn trơ đáy thì diện tích mặt nước chỉ còn 10-20% của 3.244ha.
KTS. Trần Huy Ánh cho biết, với cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, thông tin mực nước sông Hồng căn cứ từ Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đây là một thách thức lớn cho các bên tham gia đề xuất ý tưởng quy hoạch. Nếu không rõ nước sông còn bao nhiêu thì không thể xác định hình thái, nhiệm vụ của khu vực bãi giữa và ven sông Hồng trước những biến đổi về thủy văn, khí hậu, thiên tai và các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, sinh thái… để tìm ra những giải pháp thích ứng.
Đặc biệt, theo KTS. Trần Huy Ánh, các ý tưởng thiết kế, quy hoạch khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng cần lưu tâm đến những công trình đập dâng lấy nước trên sông. Đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó có nội dung “Xây dựng các công trình để dâng mực nước trên sông Hồng tại hạ lưu cống Xuân Quan và sông Đuống tại hạ lưu cống Long Tửu, để ứng phó với diễn biến hạ thấp mực nước trên hệ thống sông…”.
Thủ tướng cũng đã ký Quyết định số 50/QĐ-TTg, ngày 6-2-2023 phê duyệt “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Mục tiêu tổng quát là bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước công bằng, hợp lý và từng bước phục hồi mực nước sông Hồng. Đây là nội dung quan trọng, làm căn cứ đề ra những giải pháp trong các đồ án Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Do đó, trong nghiên cứu đề xuất quy hoạch công viên tại khu vực bãi nổi giữa và ven sông Hồng, nội dung các đập dâng lấy nước tại Xuân Quan, Long Tửu cần thiết được cập nhật bổ sung vào đề thi.
Ngoài ra, trong nội dung đề thi, cụm từ “nông nghiệp, nông nghiệp đô thị, công viên nông nghiệp” được nhấn mạnh. Do vậy KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, cần làm rõ, có được bố trí nhà ở, cơ sở sản xuất, kho chứa nông cụ, nông sản, trụ sở hay không. Bởi với thực trạng cư dân trú ngụ không chính thức tại các khu vực này thì cần những giải pháp đề xuất phù hợp.
KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, nội dung nghiên cứu đề xuất phải xác định rõ tính khả thi trong quản lý, khai thác đất đai, đầu tư xây dựng. Do đó, việc có hay không bố trí dân cư vào khu vực bãi nổi giữa và ven sông Hồng cần được khẳng định rõ ràng, để các đề xuất quy hoạch bám sát đề thi nhưng cũng tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành.
Thùy Chi