Liên chi hội Khu công nghiệp sẽ kết nối các tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh tế tài chính khu công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam; định hướng huy động vốn đầu tư, kinh doanh trong khu công nghiệp một cách chuyên nghiệp, có chuẩn mực, đạo đức phù hợp với quy định pháp luật theo định hướng tăng trưởng bền vững.
Đại hội Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2024-2029) đã diễn ra chiều 25/3, tại Hà Nội.
ÔNg Ngô Công Thành, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam được thành lập theo Nghị quyết số 68/NQ-BCH ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam.
VIPFA là tổ chức cơ sở thuộc Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), tập hợp và đại diện cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tài chính khu công nghiệp, thuộc mọi thành phần kinh tế của Việt Nam.
Mục đích hoạt động của Liên chi hội nhằm kết nối các tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh tế tài chính khu công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam; định hướng huy động vốn đầu tư, kinh doanh trong khu công nghiệp một cách chuyên nghiệp, có chuẩn mực, đạo đức phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam; đồng thời, là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Liên chi hội là đầu mối tin cậy của các nhà đầu tư, các đối tác nhằm kết nối cung – cầu về đầu tư, tài chính cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động trong khu công nghiệp; thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ thị trường và các hội viên Liên chi hội phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh một cách hiệu quả; Đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp khu công nghiệp tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách và giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, thuế, hải quan của các doanh nghiệp khu công nghiệp ở Việt Nam…
Liên chi hội có quan hệ hợp tác với các cơ quan có liên quan đến tài chính khu công nghiệp; có quan hệ hợp tác và hữu nghị với các tổ chức: tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong khu công nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp có liên quan trên thế giới và khu vực dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, tuân thủ Quy chế hoạt động của Liên chi hội, Điều lệ Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế…
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Liên chi hội cho biết, sứ mệnh của VIPFA là khơi dậy và phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng vươn lên của các doanh nghiệp hội viên, hướng tới phát triển một hệ thống khu công nghiệp sinh thái, xanh và bền vững.
“VIPFA phấn đấu trở thành một tổ chức xã hội – nghề nghiệp chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo, có vai trò tích cực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp phát triển trong khu vực”, TS Phan Hữu Thắng khẳng định.
Tại Đại hội, các đại biểu đã thông qua Quy chế hoạt động Liên chi hội, Quy chế quản lý tài chính Liên chi hội, Báo cáo phương hướng – nhiệm vụ – giải pháp nhiệm kỳ 2024-2029 và bầu cử Ban Chấp hành Liên chi hội gồm 51 ủy viên do TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài làm Chủ tịch.
TS Phan Hữu Thắng cho rằng: Các yếu tố cần để phát triển KCN hoàn chỉnh, hiện đại theo đúng định hướng được gói gọn ở 4 từ: Chế – Tài – Tâm – Tầm.
Trong đó, Chế là cơ chế quản lý nhà nước, bao gồm cả định hướng phát triển, hệ thống luật pháp chính sách và các quy định về quản lý hành chính đối với các thủ tục hành chính cần thực hiện; Tài là nguồn tài chính (nguồn tiền) cần có để đầu tư và kinh doanh; Tâm là tâm tốt, bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp, của cá nhân… doanh nghiệp còn cần thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đối với người lao động, với trách nhiệm xã hội cao; Tầm là tầm nhìn của người lãnh đạo doanh nghiệp khi đánh giá và bao quát, nhận diện được xu hướng phát triển chung và tìm ra được cách tiếp cận xử lý phù hợp, hiệu quả nhất.
“Phát triển hệ thống KCN Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp, trên nguyên tắc tận dụng tối đa nguồn vốn bên ngoài hướng đến chất lượng đầu tư và bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia”, ông Thắng cho hay.
Tính đến hết năm 2023 trên cả nước đã có 417 khu công nghiệp được thành lập; 293 khu công nghiệp và khu chế xuất đã đi vào hoạt động thu hút đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên 89.171 ha; trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63.116 ha.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022 đã có hơn 21.600 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 337 tỷ USD, trong đó, 10.400 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,54 triệu tỷ đồng, tương đương 106 tỷ USD; 11.200 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 231 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 212 tỷ USD. Hiện, đã có các doanh nghiệp của 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp Việt Nam; trong đó, 10 đối tác đầu tư lớn nhất (chiếm 91% tổng vốn FDI vào các khu công nghiệp) là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc, Hà Lan, BritishVirgin Island, Samoa, Malaysia.