Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024.
Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt mục tiêu của Chương trình đến các cấp, ngành, nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số về ý nghĩa, mục đích, mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện ở địa phương nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức của người dân, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân.
Hậu Giang tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương; huy động nguồn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp; vận động tài trợ từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn được quyết định.
Tỉnh huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, lồng ghép nguồn vốn của chương trình, dự án, chính sách khác. Cùng với đó, Hậu Giang huy động nguồn nội lực cũng như tiếp nhận, sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng.
Hậu Giang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024 trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí khoảng 35 tỷ đồng nhằm phát triển nhanh, toàn diện, bền vững các mặt kinh tế, văn hóa – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu trong năm nay là phát triển toàn diện kinh tế – xã hội địa phương, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng khác trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, Hậu Giang đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2 – 3%; 95% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 10,45%…
Toàn tỉnh hiện có 8.187 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với trên 30.300 người, chiếm 4,16% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer có trên 24.100 người; dân tộc Hoa 6.015 người; dân tộc Chăm và các dân tộc khác 215 người. Toàn tỉnh có gần 1.500 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.
Hồng Thái